"Truy" Bộ trưởng Xây dựng về kế hoạch giải cứu bất động sản
(Dân trí) - Ngoài những con số báo động về thực trạng thị trường bất động sản, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng vẫn lạc quan phân khúc nhà ở bình dân đang ấm dần.
Đối với các công trình nhà ở đang thi công dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ quá lớn thì tùy theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân. Các dự án nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai công trình nhà ở thì cho phép cơ cấu lại, chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động;
Nhà nước cũng cho phép chuyển đổi các dự án nhà ở tồn kho không bán được sang các công trình dịch vụ đang có nhu cầu và phù hợp với quy hoạch như: bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường gắn với việc thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cũng được người đứng đầu ngành xây dựng nhấn mạnh lại ý nghĩa như một gói kích cầu gián tiếp cho thị trường, để vừa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có việc làm và vẫn thu được lợi nhuận.
Về vấn đề tín dụng và giải quyết nợ xấu, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, cơ quan chức năng đang hoàn thiện đề án xử lý nợ xấu của các ngân hàng, trong đó quan tâm đến nhóm giải pháp xử lý hàng tồn kho và kích thích thị trường bất động sản, ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm bằng bất động sản.
Các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ) cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. Đối tượng được vay vốn cũng áp dụng với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.
NHNN đã hứa dành 20.000 – 40.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại của nhà nước để phục vụ cho vay trong trường hợp này.
DN đầu tư kinh doanh nhà ở cũng được gia hạn nộp thuế doanh nghiệp 6 tháng (tương đương một khoản vay không phải trả lãi). Thuế VAT phải nộp trong 3 tháng đầu năm cũng được gia hạn 6 tháng.
Giải pháp mạnh tay, Chính phủ “thổi còi” các địa phương có tồn kho bất động sản lớn tiếp tục chi tiền ngân sách để làm nhà tái định cư mà yêu cầu dùng vốn mua lại nhà ở các dự án nhà ở thương mại phục vụ các nhu cầu này.
Nhiều chính sách thuế ưu đãi khác với cả DN và người mua nhà cũng được Bộ Xây dựng đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng.
P.Thảo