Doanh nghiệp bia rượu Việt kêu khó
(Dân trí) - Ngành đồ uống Việt đang đặc biệt khó khăn khi nguồn cầu giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào lại tăng 50-60% khiến nhiều cửa hàng "lần lượt ra đi".
Sáng 5/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo "Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)", nhằm thảo luận giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) năm 2008 đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2015 và năm 2022 để phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn. Thực tiễn cho thấy cần sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho biết ngành đồ uống đang đặc biệt khó khăn do tác động từ Covid-19, Nghị định 100. Trong khi đó, nguồn cầu giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào lại tăng 50-60% khiến nhiều cửa hàng "lần lượt ra đi".
Ông kiến nghị cơ quan quản lý xem xét, đánh giá lại, chưa sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất trong thời gian 2023-2025 và ổn định chính sách thuế như hiện nay để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi.
Chủ tịch VBA thông tin thêm vấn đề tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia được đặt ra từ năm 2014. Thống kê cho thấy năm 2016, khi bắt đầu tăng thuế thì phần thu tăng khá cao, nhưng năm 2017 hầu như không tăng, 2018 tăng không đáng kể.
Tương tự, năm 2019 ghi nhận tăng trưởng nhẹ, nhưng nộp ngân sách Nhà nước vẫn tăng, cho thấy doanh nghiệp vẫn phát triển. Tuy nhiên, năm 2020 do tác động của Covid-19, thuế suất giảm xuống 14,05%, và năm 2021 vẫn ảnh hưởng nên thuế giảm còn 7%.
Góp ý tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng cần xem xét các tác động của chính sách thuế này đối với không chỉ ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì và hậu cần.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Ngọc Trung, Trưởng Tiểu ban Pháp luật, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, cho rằng đường là một mặt hàng đặc biệt khi đang được hưởng những chính sách bảo hộ để hỗ trợ phát triển, như hạn ngạch thuế quan, thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Việc áp dụng thuế TTĐB cho các sản phẩm có đường sẽ tạo sự thiếu nhất quán về mặt lập pháp trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành đường bằng cách gián tiếp hạn chế lượng tiêu thụ đường.
Ngoài ra, mục tiêu thu ngân sách cũng khó đạt được do sự tương quan trong việc giảm thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của các nhà sản xuất đồ uống, tạo sự sụt giảm theo chuỗi cung ứng khi các doanh nghiệp cung cấp đầu vào khác cũng chịu sự sụt giảm theo.