Điều "chưa từng có" với hàng không Việt Nam trong năm Covid lịch sử

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Tăng trưởng hàng không thế giới và Việt Nam đột ngột giảm "sốc" do ảnh hưởng quá nặng nề của dịch Covid-19, tuy nhiên trong "cơn bão" dịch lịch sử này vẫn còn có những điểm sáng bất ngờ của năm 2020.

Năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không

Trước năm 2020, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết Việt Nam là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất thế giới, cao hơn tốc độ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, năm 2020, Covid-19 gây "cú sốc" lớn với vận tải hàng không, khiến lượng hành khách luân chuyển toàn cầu suy giảm lớn nhất trong lịch sử. Ước tính thiệt hại gần 118,5 tỉ USD trong năm 2020 và 38,7 tỉ USD trong năm 2021. Lượng hành khách sụt giảm 60,5%, doanh thu giảm còn 191 tỉ USD, chưa bằng 1/3 so với doanh thu năm 2019.

IATA đánh giá, về mặt tài chính, năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng. Trên thế giới, nhiều hãng bay phải tuyên bố phá sản hoặc dừng hoạt động.

Điều chưa từng có với hàng không Việt Nam trong năm Covid lịch sử - 1
Covid-19 gây thiệt hại nặng nề đối với ngành hàng không trong năm 2020

Tại Việt Nam, thiệt hại do Covid-19 gây ra được ghi nhận là nặng nề nhất trong lịch sử. Các hãng hàng không đều thiệt hại nghiêm trọng. Trong cao điểm, hơn 200 máy bay phải nằm "đắp chiếu" tại các cảng hàng không, hãng bay cạn kiệt dòng tiền, lỗ nặng, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020 Covid-19 "thổi bay" 30.000 tỷ đồng...

Năm 2020, vận tải hàng không quay đầu giảm mạnh so với các năm trước. Sản lượng điều hành bay ước đạt 424.000 chuyến, giảm 548.000 chuyến so với cùng kỳ năm 2019. Hành khách thông qua các cảng hàng không ước đạt 66 triệu khách và 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm tương ứng 43,4% về hành khách và 15,6% về hàng hóa so với năm 2019.

Những chuyến bay "giải cứu" chưa từng có

Trong tình hình dịch phức tạp, Việt Nam đã thiết lập cầu hàng không tới nhiều "điểm nóng" Covid-19 trên thế giới, thực hiện các chuyến bay đặc biệt đưa công dân về nước và thực hiện sứ mệnh nhân đạo quốc tế.

Hai trong số rất nhiều chuyến bay đặc biệt "giải cứu" công dân Việt Nam từ các vùng dịch Covid-19 trên thế giới phải kể tới đó là chuyến bay từ Vũ Hán - Trung Quốc và Guinea Xích đạo.

Điều chưa từng có với hàng không Việt Nam trong năm Covid lịch sử - 2
Năm 2020 đã có rất nhiều chuyến bay "giải cứu" công dân Việt Nam trở về nước từ các "điểm nóng" Covid-19 trên thế giới (ảnh: VNA)

Chuyến bay đầu tiên "giải cứu" người Việt trong đại dịch toàn cầu là VN68 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam tại tâm dịch Vũ Hán - Trung Quốc (ngày 9-10/2) - nơi đầu tiên trên thế giới phát hiện dịch Covid-19. Những người Việt tại Vũ Hán khi đó mong mỏi được trở về quê hương, còn phi hành đoàn từ Việt Nam tới Vũ Hán cũng xác định đi là nhiễm dịch.

Trong khi đó, chuyến bay chở 219 người Việt về từ Guinea Xích đạo về nước hôm 29/7 đáng chú ý bởi có hơn 100 người dương tính với Covid-19. Đây là khu vực khó khăn mà Việt Nam chưa từng khai thác hàng không, hành trình Hà Nội - Guinea Xích đạo - Hà Nội kéo dài gần 30 tiếng đồng hồ, được thực hiện theo quy trình đặc biệt nhất từ trước đến nay.

Phê duyệt "siêu sân bay" Long Thành 4,6 tỷ USD

Ngày 11/11, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1777/QĐ - TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) giai đoạn 1.

Điều chưa từng có với hàng không Việt Nam trong năm Covid lịch sử - 3
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã được phê duyệt và sẽ khởi công vào ngày 5/1/2021

Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD với mục tiêu xây dựng 1 cảng hàng không quốc tế cấp 4F tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm trên diện tích sàn 373.000 m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Thời gian thực hiện dự án là từ 2020 đến 2025.

Ngày 5/1/2021, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 sẽ chính thức được khởi công xây dựng.

Phát triển đội bay trong "bão" Covid-19

Trong "cơn bão" dịch Covid-19, năm 2020 thiết lập một dấu mốc đáng nhớ đối với đội máy bay mang quốc tịch Việt Nam - khi lần đầu tiên một hãng hàng không tư nhân đón và vận hành máy bay thân rộng hiện đại.

Đội bay thân rộng Bamboo Airways đã sải cánh từ những chặng bay thương mại nội địa, đến các đường bay tầm trung tới Đông Bắc Á, đường bay tầm xa tới châu Âu, châu Úc… Đây đều là những thị trường có yêu cầu tiêu chuẩn an toàn, an ninh hàng không nghiêm ngặt bậc nhất thế giới. Đội bay Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways đã thực hiện gần 3.000 chuyến bay trong năm 2020.

Điều chưa từng có với hàng không Việt Nam trong năm Covid lịch sử - 4
Bamboo Airways quyết tâm phát triển đội bay trong "bão" Covid-19 (ảnh: BB)

Biến cố dịch bệnh Covid-19 không mong muốn đã làm đình trệ hoạt động của phần lớn đội máy bay toàn cầu, Việt Nam không là ngoại lệ. Tuy nhiên cá biệt, Bamboo Airways tiếp tục gây bất ngờ khi là hãng hàng không Việt duy nhất vẫn quyết liệt mở rộng đội bay, tiếp nhận bổ sung dòng máy bay phản lực khu vực Embraer E195.

Lần đầu tiên cất cánh trên bầu trời Việt dưới biên chế của Bamboo Airways, phản lực Embraer E195 tân tiến đã hiện thực hóa mong đợi được thụ hưởng dịch vụ phần cứng và phần mềm hạng sang của hành khách trên một số đường bay, vốn từng vướng giới hạn về dịch vụ trong suốt gần một thập kỷ vừa qua. Nổi bật có thể kể đến các đường bay đi/đến Côn Đảo.

Cần phải nói thêm rằng, Bamboo Airways là hãng bay đầu tiên triển khai cùng lúc 5 đường bay thẳng kết nối Côn Đảo với các thành phố trọng điểm của cả nước gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa và Đà Nẵng. Với đường bay thẳng tiện lợi, thời gian di chuyển trung bình từ Hà Nội tới Côn Đảo được rút ngắn xuống chỉ xấp xỉ hơn 2 tiếng đồng hồ.

Hãng bay mới cất cánh bất chấp đại dịch 

Ngày 26/12, Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) chính thức ra mắt. Dự kiến, tháng 1/2021 Vietravel Airlines sẽ chính thức bay thương mại. Đây là hãng hàng không lữ hành cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không và các gói du lịch trong nước và quốc tế. 

Với tổng vốn đầu tư thực hiện dự án 700 tỷ đồng, hãng đủ điều kiện để thực hiện dự án khai thác vận tải hàng không trong 50 năm với trên 30 máy bay bao gồm các đối tượng vận chuyển như hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu kiện.

Điều chưa từng có với hàng không Việt Nam trong năm Covid lịch sử - 5
Việt Nam có thêm hãng hàng không mới - Vietravel Airlines

Hãng dự kiến triển khai mạng đường bay rộng khắp cả nước, vừa gắn với các tuyến du lịch trọng điểm, kết nối các địa phương có lượng du khách cao; vừa mở rộng tới những điểm đến mới có nhiều tiềm năng du lịch. 

Được biết, chiến lược phát triển đội tàu bay trong 5 năm đầu tiên của hãng gồm các dòng máy bay Airbus A321 và tương đương theo định hướng mở rộng và phát triển được Chính phủ phê duyệt. Trong dài hạn, hãng hướng tới việc mở rộng đường bay đến Đông Nam Á và Đông Bắc Á, thu hút một lượng lớn du khách quốc tế đến Việt Nam.