1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

TS Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của QH:

Điều chỉnh giá theo thị trường là cần thiết, nhưng phải có bước đi phù hợp

(Dân trí) - Sáng ngày 8/11, trả lời báo chí trong giờ giải lao họp tổ Quốc hội, TS Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của QH cho rằng, giá cả nhiều dịch vụ: Viện phí, học phí, giá điện...sẽ phải tiệm cận theo giá thị trường nhưng cần phải có bước đi phù hợp để đảm bảm phát triển bền vững.


ĐBQH Hoàng Quang Hàm:Điều chỉnh giá viện phí, học phí hay giá điện cũng đều phải có bước đi

ĐBQH Hoàng Quang Hàm:"Điều chỉnh giá viện phí, học phí hay giá điện cũng đều phải có bước đi"

Vừa rồi, tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội của Quốc hội, ông có nói phải minh bạch hoá, tính đúng, tính đủ chi phí giá cả các hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước còn bao cấp, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

-Điều chỉnh giá của mặt hàng nào thì ai cũng hiểu nó ngay lập tức ảnh hưởng đến dân, thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát. Nhưng năm nay có cái thuận lợi cho điều hành của Chính phủ là dư địa điều chỉnh chính sách vẫn còn. Như chỉ tiêu lạm phát, Quốc hội cho phép điều chỉnh 5% nhưng hiện mới dừng ở con số 4%. Nhưng nói vậy thôi chứ một khi tăng gia mặt hàng nào cũng gây ảnh hưởng ngay. Như viện phí, học phí tăng là ảnh hưởng đến dân ngay. Nhưng các bộ ngành vẫn chưa xây dựng được phương án, xây dựng được định mức bao nhiêu, các loại chi phí bao nhiêu để hình thành giá. Nên làm sao phải có bước đi để người ta chấp nhận được nó.

Như viện phí, để điều chỉnh Nghị định 16/NĐ-CP thì ví dụ, nếu chi phí giường bệnh đang là 20.000 đ/ngày mà nâng bụp lên 200 ngàn đồng thì không ai chịu được. Cái này thực ra nó có lộ trình rồi, năm 2016 đưa chi phí gián tiếp thì năm sau, đưa cả chi phí trực tiếp vào...Năm 2020 thì đưa thêm cả chi phí khấu hao vào. Với một lộ trình như thế có chấp nhận được không ? Nó phải nằm trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Ở đây, trong việc điều hành giá các loại dịch vụ, hàng hoá: Viện phí, học phí, giá điện...có câu chuyện rất khó dung hoà: Đưa giá lên thì dân kêu mà không đưa lên, lại không thực hiện được giá thị trường. Nhưng Nhà nước cũng không thể bao cấp mãi ?

-Tôi tạm chưa nói đến điện vì đó là giá của doanh nghiệp. Quan điểm của Nhà nước, những người có thu nhập trung bình, cao thì họ tự lo, người nghèo thì Nhà nước lo. Viện phí tăng thì người nghèo được bảo hiểm trả. Giải quyết những vấn đề đó nó không lớn lắm nhưng hiện nay có câu chuyện là nếu còn như thế thì tiền ngân sách phải bỏ ra tương đối lớn. Thì định mức phải tăng lên. Mà ngân sách bỏ ra là bảo hiểm thì mới chịu được định mức viện phí kia.

Nhà nước cũng phải bỏ tiền ra, dân cũng phải bỏ ra. Cái này cũng buộc phải làm để sau này không chỉ là để giảm chi mà có khi còn phải tăng thu trong sử dụng tài sản. Ví dụ như khấu hao thì hiện nay bình thường ra vẫn để lại cho các đơn vị sự nghiệp nhưng khi tính dủ giá thì Nhà nước phải được hưởng, tính cả lợi nhuận...

Còn ở vấn đề giá điện là câu chuyện chính sách. Đó cũng là một công cụ điều chỉnh. Điều chỉnh giá điện nó phải nằm trong bài toán điều hành kinh tế vĩ mô, làm sao cho hài hoà giữa các chỉ số thôi.

-Vấn đề là ta đi theo kinh tế thị trường, kể cả ở khối DNNN thì giá cả cũng phản ánh chi phí sản xuất thì mới thu hút được đầu tư, phát triển ?

-Nếu tăng chi phí tiền điện sẽ ảnh hưởng ngay đến đầu vào sản xuất, về sinh hoạt khu dân cư. Nếu không tăng tiền điện thì Nhà nước phải bù, mà tăng lên, cũng có những cái ảnh hưởng. Nên phải hài hoà lợi ích của người dân và Nhà nước chứ không phải cứ nói tăng là tăng được. Nhà nước phải trả những chi phí đầu vào tăng thêm, doanh nghiệp cũng phải trả và người dân cũng phải trả. Ở đây có cả 3 lợi ích: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Nhà nước cũng phải tính người dân có chịu được không. Ta mong muốn điều hành theo quy luật của kinh tế thị trường nhưng cũng có qui luật của nền kinh tế nữa. Nó có những cái quan hệ đan xen.

Điều chỉnh giá đương nhiên sẽ tác động đến người dân, nhất là người nghèo. Như tôi lên các vùng Tây Bắc, thấy nhiều hộ họ chỉ thắp điện một lúc rồi tắt. Với họ vài chục ngàn đã là lớn. Nên có điều chỉnh cũng phải tính đến vấn đề phát triển bền vững, không để giãn quá khoảng cách giàu nghèo, để người nghèo không bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển.

Nhưng cũng có vấn đề là nếu chậm đẩy nhanh thị trường hoá, nó cũng khiến nhiều doanh nghiệp khác kêu: các doanh nghiệp sản xuất than, khí...cũng kêu là không điều chỉnh được giá bù đắp chi phí, lại thua lỗ ?

-Lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng trong đó có giá điện phải tiệm cận theo giá thị trường mà Chính phủ đã xác định là chắc chắn rồi. Nhưng nó phải đi theo xu hướng không gây nên bất ổn, không gây ảnh hưởng lớn quá đến người dân. Như giá xăng, trước đây 1 tháng điều chỉnh 1 lần nhưng giờ cũng phải điều chỉnh liên tục mà hiện nay vẫn chưa ổn. Nên theo lộ trình, cũng phải xác định là giá cả phải bù đắp được chi phí thôi nhưng phải đi theo lộ trình phù hợp, đảm bảo phát triển bền vững.

-Chắc chắn cuối cùng đưa hết chi phí vào giá là phải làm. Nhưng cần phải phân chia rõ: người nghèo, người cận nghèo chắc chắn Nhà nước phải lo. Nhưng làm từng bước một. Chỉ có điều các ngành đang lúng túng trong xây dựng định mức, để đưa hết chi phí vào đó mà rõ nhất là vấn đề viện phí. Chắc chắn là làm được cho dù hiện nay, tiến tình đó là chậm. Nên Chính phủ cũng cần đôn đốc các Bộ.

Nói lại dịch vụ về y tế, nếu thu đủ thì cũng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ lên, đó là điều chắc chắn. Thực ra hiện có những cơ sở y tế như Viện mắt Trung ương gần như bỏ hẳn bao cấp giá, chất lượng phục vụ được tăng lên vì nói chung, giờ cứ làm tốt là người ta đến. Giá cả chỉ là 1 yếu tố thôi.

Trong cuộc họp với các bộ ngành, các tập đoàn liên quan về vấn đề cung ứng điện trong giai đoạn tới đầu tháng 10, Thủ tướng cho rằng, nguy cơ 2018 thiếu điện là có nên cần có những giải pháp hữu hiệu để thu hút đầu tư ?

-Nguyên lý thu hút đầu tư trong và ngoài nước thì cũng phải đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư. Nói chung cũng phải đảm bảo hài hoà lợi ích nhà đầu tư, lợi ích của quốcg ia, người dân. Nhưng thu hút đầut ư không chỉ vấn đề giá mà còn có các chính sách về thuế, phí...và tháo gỡ nhiều vấn đề khác nữa. Họ thì quan tâm đến lợi nhưng ta cũng phải quan tâm không chỉ lợi ích mà còn nhiều vấn đề về phát triển, an sinh xã hội.

Hà Nguyễn