1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

EVN được giao xây dựng kịch bản điều chỉnh giá điện

(Dân trí) - Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN xây dựng và tính toán kịch bản về phương án điều chỉnh giá điện theo lộ trình thị trường trong đó có báo cáo cụ thể về giá thành, giá bán, lỗ lãi, các khoản còn treo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đánh giá thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu bình quân gia quyền

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 23/5/2016. Trong đó nêu rõ chỉ đạo của Phó Thủ tướng về phương hướng điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, thuốc chữa bệnh, giá dịch vụ y tế… trong những tháng còn lại của năm 2016.

Lần tăng giá điện gần nhất là hồi tháng 3/2015 với mức tăng 7,5%
Lần tăng giá điện gần nhất là hồi tháng 3/2015 với mức tăng 7,5%

Cụ thể, về điện, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng và tính toán kịch bản về phương án điều chỉnh giá điện theo lộ trình thị trường trong đó có báo cáo cụ thể về giá thành, giá bán, lỗ lãi, các khoản còn treo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cho tới nay, lần tăng giá điện gần nhất là vào ngày 16/3 với mức tăng giá 7,5%, giá bán lẻ bình quân được phê duyệt là 1.622,01 đồng/kWh. Tại cuộc họp báo công bố giá thành điện năm 2014 diễn ra hồi tháng 2/2016, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, tập đoàn này chưa có kế hoạch cho việc tăng giá bán lẻ điện năm 2016.

Ông Tri cho rằng, giá điện phải tính trên cơ sở ước giá thành 2016 với các khoản chi phí sản xuất, trong đó, đặc biệt là phải tính đến nhu cầu tiêu dùng điện. Thời điểm đó, vị lãnh đạo EVN chia sẻ rằng: "Về cơ bản, chúng tôi mong muốn năm 2016 không phải tăng giá điện là tốt nhất. Vì mỗi lần tăng giá điện là rất mệt mỏi, không ai muốn, kể cả người tiêu dùng lẫn người bán. Đầu vào ổn định, đầu ra ổn định để kinh tế phát triển chứ không ai muốn phải tăng giá. Bất đắc dĩ, chúng tôi mới phải tăng giá".

Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Quyết định về cơ chế điều chỉnh giá điện mới nhằm thay thế Quyết định cũ. Theo dự thảo này, EVN sẽ được tăng giá trong phạm vi 3%. Từ mức 3-5%, việc tăng giá sẽ phải có ý kiến của Bộ Công Thương và trên mức 5% việc tăng giá điện phải có ý kiến phê duyệt của Thủ tướng. Thời gian tối thiểu giữa mỗi lần tăng giá điện là 3 tháng.

Về xăng dầu, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Các cơ quan này xây dựng các kịch bản điều hành giá xăng dầu theo biến động của giá xăng dầu thế giới, điều hành giá kết hợp với sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm bình ổn giá mặt hàng này để kiềm chế mức tăng giá tác động đến lạm phát.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải đánh giá lại việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở và sớm đề xuất trình Chính phủ phương án thực hiện thuế nhập khẩu trong giá cơ sở trong thời gian tới. Kiểm soát chặt chi phí hao hụt trong khâu phân phối xăng dầu, nhất là đối với các đầu mối kinh doanh xăng dầu do Nhà nước quản lý.

Về thuốc chữa bệnh cho người, Bộ Y tế quản lý chặt chẽ giá thuốc, tiếp tục triển khai thực hiện các quy định mới về đấu thầu thuốc nhằm làm giảm giá mua thuốc của các cơ sở y tế công lập, từ đó giúp giảm chi phí tiền thuốc cho người bệnh. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trình Chính phủ phương án đấu thầu thuốc tập trung dùng cho bảo hiểm y tế.

Về giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế xây dựng phương án điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dự báo các kịch bản của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cần thực hiện sớm và chia làm các đợt điều chỉnh để tránh tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng và tâm lý người dân.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu về thẩm quyền quyết định giá dịch vụ y tế đối với người không có bảo hiểm y tế thực hiện theo Luật Giá hay theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đối với giá dịch vụ giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán tác động của việc tăng giá dịch vụ giáo dục đến chỉ số giá tiêu dùng; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương điều hành giá dịch vụ giáo dục trong năm 2016 - 2017 theo lộ trình phù hợp.

Trước mắt, giãn thời gian thu phí tối đa đối với các trạm thu phí BOT.
Trước mắt, giãn thời gian thu phí tối đa đối với các trạm thu phí BOT.

Chưa tăng phí BOT

Với phí sử dụng đường bộ BOT, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện việc thu phí BOT; rà soát tính đúng, tính đủ giá thành, chi phí đầu tư của các dự án BOT trên toàn quốc.

Phó Thủ tướng lưu ý, trước mắt chưa tăng phí BOT và giãn thời gian thu phí tối đa đối với các trạm thu phí BOT.

Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT; đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016.

Về lương thực và các mặt hàng nông sản khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ phương án cụ thể về hạn ngạch nhập khẩu đường, phương án tạm trữ muối và theo dõi sát diễn biến thị trường thóc gạo trong nước và thế giới để kịp thời đề xuất phương án điều hành phù hợp.

Về giá cho thuê đất, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại giá thuê đất để đảm bảo ổn định chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về tiến độ điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh và tiến độ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục (học phí); dự kiến thời điểm và mức độ điều chỉnh tăng giá những tháng còn lại của năm 2016 gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) trước ngày 5/6/2016.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ của chính sách tiền tệ, xây dựng các phương án về điều hành tỷ giá, cung tiền, các yếu tố về tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình lạm phát để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Bích Diệp