Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 tại Việt Nam sẽ thảo luận những vấn đề gì?

(Dân trí) - Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 dự kiến có khoảng gần 60 phiên thảo luận, tập trung vào những vấn đề chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang quan tâm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việt Nam đã sẵn sàng cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 sẽ diễn ra từ ngày mai (11/9).
Việt Nam đã sẵn sàng cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 sẽ diễn ra từ ngày mai (11/9).

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) sẽ diễn ra từ 11/9 đến 13/9 tại Hà Nội. Tại hội nghị lần này, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới theo ba chủ điểm chính: Quản trị khu vực và toàn cầu; Nền kinh tế và kinh doanh năng động; An sinh xã hội.

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 dự kiến có khoảng gần 60 phiên thảo luận, tập trung vào những vấn đề chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang quan tâm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong đó, chủ đề nền kinh tế và kinh doanh năng động sẽ đề cập đến các yếu tố thúc đẩy những mô hình kinh doanh mới, hình thái của các hệ thống kinh tế mới nổi, và yêu cầu của việc quản trị linh hoạt trong bối cảnh những đột phá về kỹ thuật số dẫn đến các mối đe dọa khổng lồ. Phiên thảo luận bao gồm vấn đề về của nhà máy châu Á trong giai đoạn mới, tương lai việc làm trong ASEAN, thiết kế thành phố 4.0…

Với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp 4.0”, trọng tâm hướng tới là doanh nghiệp và cuộc CMCN lần thứ 4.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về các vấn đề liên quan đến xung đột thương mại, phá vỡ rào cản đối với doanh nghiệp nữ trong ASEAN, tăng cường năng lực tự cường của khu vực, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Hội nghị cũng dành thời gian thảo luận chuyên đề quản trị chuyển đổi công nghệ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.

Trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018 cũng sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam vào ngày 13/9. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ đến dự và phát biểu tại Hội nghị này.

Đánh giá về tầm quan trọng của sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, kể từ khi Việt Nam và WEF bắt đầu hợp tác năm 1989 đến nay, WEF là một diễn đàn quan trọng, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta.

Đến nay, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất trong khu vực Đông Nam Á mà WEF đã ký và triển khai Thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công-tư (PPP). Đây là một nội dung hợp tác quan trọng, thực chất, theo đó WEF hỗ trợ và tư vấn cho Việt Nam nâng cao năng lực tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Hội nghị WEF ASEAN năm nay diễn ra trong bối cảnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục được đẩy mạnh, tình hình thế giới và khu vực biến chuyển nhanh và phức tạp, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) ngày càng sâu sắc.

Trong bối cảnh đó, chủ đề của Hội nghị WEF ASEAN năm 2018 là “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0” được chính giới, doanh nghiệp, bạn bè và đối tác quốc tế, nhất là các nước ASEAN, tích cực hưởng ứng, đánh giá đây là chủ đề phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, phản ánh sự quan tâm chung của các nước ASEAN và khu vực, gắn kết và bổ sung cho chủ đề chung của ASEAN năm 2018 là hướng tới “ASEAN tự cường và sáng tạo”.

"Là nước chủ nhà và đồng tổ chức Hội nghị WEF ASEAN, chúng ta đã tạo được dấu ấn của Việt Nam khi đưa vấn đề CMCN 4.0 vào nội hàm chủ đề của Hội nghị, cũng như lồng ghép nhiều vấn đề Việt Nam và các nước ASEAN quan tâm vào nội dung nghị sự của Hội nghị như khởi nghiệp sáng tạo, hạ tầng và đô thị thông minh, lao động - việc làm trong CMCN 4.0, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp công nghệ cao…", Thứ trưởng cho biết.

Trước đó, tại cuộc họp lần thứ tư Ban Tổ chức Hội nghị WEF về ASEAN, đại diện lâm thời Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam Tan Wei Ming nhấn mạnh chủ đề WEF ASEAN 2018 phù hợp với các ưu tiên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và của ASEAN.

Theo ông, ASEAN cần tập trung vào đổi mới sáng tạo, tự cường để đáp ứng xu thế thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như tình hình thế giới đang thay đổi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các quốc gia cần có sự kết nối toàn cầu cũng như trong khu vực, đồng thời phải điều chỉnh để giải quyết những khó khăn, thách thức.

Phương Dung

Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 tại Việt Nam sẽ thảo luận những vấn đề gì? - 2
Dòng sự kiện: Hội nghị WEF ASEAN 2018