1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đi tìm “lời giải” cho tiêu thụ rau quả, trái cây

(Dân trí) - Tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chủ yếu là qua thương lái, công ty tư nhân thu gom; hệ thống hạ tầng thương mại còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ tăng trưởng thương mại rau quả ngày càng cao.

Xuất khẩu rau quả trong 5 năm qua tăng bình quân 26,5%/năm
Xuất khẩu rau quả trong 5 năm qua tăng bình quân 26,5%/năm
 
Xuất khẩu rau quả gia nhập “câu lạc bộ tỷ đô”
 
Chiều ngày 14/5/2015, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp phát triển sản xuất tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bến vững.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, rau quả, trái cây đang là các mặt hàng nhìn ở nhiều góc độ rất cần quan tâm để đảm bảo được chất lượng, yêu cầu trong sản xuất, canh tác nông nghiệp cũng như trong thu hoạch, chế biến và xuất khẩu. Bởi đây là mặt hàng liên quan trực tiếp đời sống của người dân, đồng thời, cũng là mặt hàng được quản lý chặt chẽ của các quốc gia đối tác mà Việt Nam xuất khẩu.
 
Báo cáo về tình hình sản xuất, tiêu thụ rau quả của Bộ Công Thương cho biết, cả nước hiện có khoảng 845 nghìn ha rau các loại, cho sản lượng hàng năm khoảng 14,5 triệu tấn. Trong đó, Đồng bằng Sông Hồng và Sông Cửu Long là hai vùng sản xuất rau lớn nhất nước. Đối với cây ăn quả, hiện cả nước có khoảng 700 nghìn ha cây ăn quả, cho sản lượng hàng năm khoảng 7 triệu tấn quả các loại.
 
Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 5 năm qua tăng trưởng ở mức cao, bình quân 26,5% mỗi năm, từ 439 triệu USD trong năm 2009 lên gần 1,1 tỷ USD vào năm 2013. Cũng theo báo cáo này, trong 3 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 368 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2014. Rau quả Việt Nam đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. 10 thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonexia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore.
 
Mặc dù trong thời gian qua, mặt hàng rau quả nhận được nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu tuy nhiên, có những tồn tại vẫn chưa được giải quyết. Cụ thể, về sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản xuất rau quả đa số là nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều. Công tác kiểm soát, phòng trừ sâu hại theo các tiêu chuẩn Global Gap, Viet Gap chưa được áp dụng rộng rãi. Diện tích các vùng sản xuất rau an toàn tập trung được quy hoạch còn rất hạn chế, cả nước đạt khoảng 8 đến 8,5% tổng diện tích trồng rau.
 
Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang loay hoay với tình trạng được mùa mất giá
Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang loay hoay với tình trạng "được mùa mất giá"
 
Hàng rau quả còn nhiều dư địa phát triển
 
Ý kiến của hầu hết các đại biểu tại Hội nghị đều cho rằng, khó khăn cơ bản của rau quả Việt Nam hiện nay là do chất lượng hàng nông sản Việt Nam chưa được cải thiện, phương thức sản xuất và kinh doanh lạc hậu, thiếu chủ động. Trong khi đó các nước nhập khẩu yêu cầu về chất lượng hàng hoá cao hơn, và sự cạnh tranh của các quốc gia xuất khẩu rau quả khác ngày càng gay gắt trên cả phương diện chất lượng hàng hoá, giá cả và phương thức kinh doanh.
 
Cho đến nay, những tồn tại xung quanh ngành rau quả vẫn chưa được giải quyết cụ thể. Tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chủ yếu là qua thương lái, công ty tư nhân thu gom; hệ thống hạ tầng thương mại còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ tăng trưởng thương mại rau quả ngày càng cao. Công tác thông tin và kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hữu quan, địa phương và doanh nghiệp chưa cao.
 
Ông Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, để phát triển bền vững phải đi từ sản xuất, gieo trồng đến tiêu thụ. Đồng thời, muốn mở rộng thị trường thì phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giảm chi phí vận tải lưu thông để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
 
Trong khi đó, theo ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững thì phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời phải xác định được những thị trường trọng điểm cho sản phẩm. Đối với những thị trường lớn như Trung Quốc thì cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp phải phối hợp để có những đánh giá nhu cầu thị trường cả ở ngắn hạn và dài hạn, từ đó xác định sản lượng tiêu thụ, tránh tình trạng “được mùa rớt giá” xảy ra thời gian vừa qua.
 
Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, rau quả, trái cây là một trong những mặt hàng còn nhiều dư địa để phát triển, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò chủ động của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng như vai trò của địa phương trong việc quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu.
 
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định trong thời gian tới, Bộ sẽ có những phối hợp chặt chẽ với Bộ NNPTNT tập trung nghiên cứu thị trường, đưa ra những quy hoạch trong sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, tạo khung khổ pháp lý để hỗ trợ. Bộ cũng sẽ đề xuất với Chính phủ các cơ chế hỗ trợ về tín dụng, lãi suất, cũng như các cơ chế đặc thù giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu.
 
Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm