Bám Trung Quốc, nông sản bị rẻ rúng
Hiện nay tất cả doanh nghiệp chế biến và lưu thông rau quả vẫn chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và GTGT cao.
Đó là thực tế được các đại biểu nêu ra ở hội nghị bàn giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả theo hướng bền vững do Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 14-5 tại Hà Nội.
Sản xuất nhỏ lẻ, hạ tầng yếu
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang TQ chủ yếu qua con đường tiểu ngạch. Đối tác TQ thường xuyên áp dụng chính sách thương mại biên giới của địa phương với các hình thức buôn bán không ổn định nên gây ra những khó khăn và rủi ro bất thường cho thương lái Việt Nam. Chẳng hạn, người trồng dưa hấu Việt Nam xuất qua TQ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) 500-600 xe/ngày, trong khi phía bạn chỉ tiêu thụ 300-400 xe nên gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ. Đây là nguyên nhân khiến giá dưa hấu bị sụt giảm, gây thiệt hại cho doanh nghiệp (DN) và người dân.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng sản xuất rau quả của Việt Nam nhìn chung còn nhỏ lẻ, chất lượng không đồng đều, sản xuất không theo quy hoạch; công tác mùa vụ sản xuất không tập trung, dễ nảy sinh tình trạng nguồn cung thay đổi nên khủng hoảng thừa nông sản. Mối liên hệ giữa sản xuất và tiêu thụ rau củ quả chưa được hình thành. Tình trạng được mùa mất giá chưa được khắc phục và tồn đọng hàng hóa lớn vẫn thường xuyên diễn ra hằng năm (dưa hấu, hành tím…).
Đặc biệt, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết chế biến và bảo quản sau thu hoạch rau quả của Việt Nam chủ yếu làm thủ công, công nghệ bảo quản yếu, tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch lên đến 30%.
Chi phí lưu thông sản phẩm quá cao
Ông Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng muốn phát triển bền vững hàng nông sản thì cần phải quan tâm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Ngành nông nghiệp được ưu đãi nhiều về thuế nhưng các chi phí trong lưu thông rau quả để tạo thành chuỗi khép kín chưa được tính đến. Hiện nay tất cả DN chế biến và lưu thông vẫn chịu thuế thu nhập DN và GTGT cao.
“Để giải quyết được tình trạng ùn ứ nông sản ở biên giới, cơ quan quản lý cần mở rộng thêm cửa khẩu thông quan, tăng thời gian thông quan. Nhà nước cần có chính sách giảm chi phí lưu thông, sản xuất, kiểm dịch để gỡ khó cho DN” - ông Ánh kiến nghị.
Áp dụng công nghệ bảo quản để tăng giá trị hàng hóa
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, rau quả của Việt Nam đã được xuất khẩu trên 40 quốc gia. Trong đó các thị trường chính là TQ, Nhật, Mỹ, Nga… Riêng thị trường TQ chiếm khoảng 30% với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 hơn 435 triệu USD. Tính đến hết quý I-2015, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang TQ tăng rất mạnh, ở mức 131 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thanh long, dưa hấu, hành… Chúng ta đã có quy hoạch trồng loại cây gì cho từng vùng nhưng quy hoạch không tuân thủ gây ra nhiều bất cập. Một số địa phương phát triển nông sản nhanh thiếu bền vững và hiệu quả thấp. Đã đến lúc phải làm rõ vai trò của chính quyền địa phương. Quy hoạch đã có rồi, cơ chế vận hành theo nguyên tắc thị trường nên không thể dùng biện pháp hành chính. Ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Công Thương |