1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nông sản “được mùa, mất giá”: Lỗi do ai?

(Dân trí) - Người phát ngôn Chính phủ cho rằng, nguyên nhân do một loạt các yếu tố, trong đó có công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch chưa tốt, chưa sát với thực tiễn và việc tổ chức sản xuất thiếu thông tin về thị trường...

 
Hàng loạt mặt hàng nông sản, trong đó có hành tím đang chờ giải cứu
Hàng loạt mặt hàng nông sản, trong đó có hành tím đang chờ "giải cứu".


Nói về tình trạng nông sản “được mùa, mất giá”, không bán được hàng tái diễn tại các mặt hàng như dưa hấu, hành tím, muối...thời gian gần đây, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trước hết do được mùa, sản lượng tăng cao trong khi nhu cầu trong nước tăng chậm hơn, xuất khẩu gặp khó khăn. 

Bên cạnh đó, người phát ngôn Chính phủ cũng thừa nhận rằng, lý do chủ quan là do công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch chưa tốt, chưa sát với thực tiễn; tổ chức sản xuất nhưng thiếu thông tin về thị trường; liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa hiệu quả; còn nhiều bất cập trong khâu bảo quản, vận chuyển, thông quan xuất khẩu hàng hóa.

Trước tình hình trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ cho sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Trước mắt, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng dự báo, tăng cường thông tin về thị trường; tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, tín dụng với lãi suất ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh nông sản; tiếp tục phát triển các kênh phân phối nội địa; có biện pháp can thiệp thị trường phù hợp để hỗ trợ tiêu thụ nông sản (như mua tạm trữ thóc, gạo)…

Đối với những loại nông sản chủ yếu xuất khẩu sang các nước có chung biên giới, các Bộ, địa phương đã phối hợp với nước láng giềng tăng cường năng lực thông quan, vận chuyển, kho bãi, bốc xếp tại khu vực cửa khẩu để đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu; phối hợp giữa các địa phương để điều phối, giảm ách tắc hàng hóa. Đồng thời, rà soát, nắm chắc tình hình, kế hoạch sản xuất của từng vụ để chủ động các phương án, bảo đảm tiêu thụ tốt nhất nông sản khi vào vụ thu hoạch, trong thời gian tới là những mặt hàng như vải thiều, nhãn…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý rằng, để giải quyết một cách căn cơ, hiệu quả tình trạng “được mùa, mất giá” cũng như bảo đảm phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả, bền vững, các giải pháp cần phải được thực hiện đồng bộ. 

Bên cạnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cùng với hàng loạt chính sách kèm theo, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá rõ thực trạng, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, nhất là việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, chất lượng, giá thành sản phẩm,... Trên cơ sở đó, xác định cơ chế, giải pháp cần thiết để đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, giao Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để có các biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Theo kỳ vọng của người phát ngôn Chính phủ, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài nêu trên sẽ từng bước giải quyết những bất cập trong sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện nay, góp phần phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững.

Mai Chi

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm