Đi chợ online mùa dịch: Mua cá hú nhận cá tra, mua rau phải bỏ một nửa

Đại Việt

(Dân trí) - Người dân mua cá hú nhưng lại nhận được cá tra, mua sườn non thì sườn ít thịt, mua rau thì rau dập nát... là những câu chuyện dở khóc dở cười khi mua hàng online mùa dịch.

Chị Nguyễn Tuyết Hà (ngụ Quận 3) cho biết, dịch bệnh khiến chị luôn ưu tiên đặt hàng online và hạn chế đi mua sắm ở siêu thị. Tuy nhiên, việc đặt hàng online cũng gặp nhiều bất cập.

"Cách đây 2 ngày, tôi đặt mua cá hú từ một người bán hàng trên mạng với giá 140.000 đồng/kg. Thế nhưng, khi cắt cá ra thì thấy cá có thịt màu hồng, mỡ vàng. Tôi hỏi người thân thì mới biết đó không phải cá hú mà là cá tra", chị Hà nói.

Đi chợ online mùa dịch: Mua cá hú nhận cá tra, mua rau phải bỏ một nửa - 1

Cá tra (trên) và cá hú (dưới) khiến không ít người nhầm lẫn (Ảnh: T.L).

Theo chị Hà, chị đã phản hồi việc này với người bán hàng, người này đã nhận lỗi và hứa sẽ đền bù cho chị vào đợt mua hàng tiếp theo.

Bà Phạm Thị Năm, một người kinh doanh cá tại quận 10, TPHCM, nhận định, người mua cá da trơn nếu không biết phân biệt sẽ rất dễ mua nhầm hàng.

Cá tra, cá ba sa, cá hú là những loại cá dễ bị nhầm lẫn nhất vì ngoại hình tương đối giống nhau, kể cả người bán cá mới vào nghề cũng khó phân biệt được.

"Cá tra có râu dài đến mắt hoặc mang, cá hú râu dài đến vây ngực và râu hàm dưới ngắn. Cá tra thân dài, bụng hơi nhỏ, lưng màu xanh sậm. Cá hú có mình dẹt nhưng bụng to, lưng màu xám đen", bà Năm chia sẻ.

Cũng theo bà Năm, khi xẻ cá ra, cá hú sẽ có thịt và mỡ trắng, trong khi cá tra sẽ có thịt màu hồng đỏ, mỡ không trắng hoặc màu vàng.

Đi chợ online mùa dịch: Mua cá hú nhận cá tra, mua rau phải bỏ một nửa - 2

Thịt cá tra có màu hồng đỏ, còn cá hú có thịt trắng (Ảnh: T.L).

Nhiều người tiêu dùng khác tại TPHCM cũng rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" khi mua hàng trên mạng mùa dịch.

Anh Trần Quyết Thắng (ngụ quận Phú Nhuận) cho biết, anh mua sườn non heo nhập khẩu trên Facebook với giá 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi nhận được sườn thì chủ yếu là xương, phần thịt rất ít.

"Tôi cũng nghĩ là miếng sườn như bình thường, có cả xương lẫn thịt, đằng này sườn chỉ toàn xương. Mình thấy rẻ nên mua 3kg về ăn nhưng không ngờ chất lượng không như mong đợi", anh Thắng nói.

Đi chợ online mùa dịch: Mua cá hú nhận cá tra, mua rau phải bỏ một nửa - 3

Sườn non mua trên mạng chủ yếu là xương và rất ít thịt (Ảnh: Đ.V).

Còn chị Minh Hằng (ngụ quận 11) kể, chị đặt mua cải thìa, hành lá từ một cửa hàng chuyên bán rau củ online trên mạng. Thế nhưng, khi chị nhận hàng thì rau và hành đã bị dập úa, chỉ sử dụng được 50%, phần còn lại phải vứt bỏ. Người bán cũng đã tiếp thu phản ánh của chị và đền lại số rau bị hư hỏng.

Đi chợ online mùa dịch: Mua cá hú nhận cá tra, mua rau phải bỏ một nửa - 4

Rau xanh mua online mùa dịch cũng thường xuyên bị dập úa (Ảnh: Đ.V).

Giới kinh doanh online lâu năm tại TPHCM khuyến cáo, người dân nên ưu tiên mua hàng ở những nơi quen biết hoặc đã từng mua sản phẩm trước đó để tránh những rủi ro đáng tiếc.

Người tiêu dùng cần quan sát việc tương tác của điểm bán với khách hàng để xem nhận xét của người mua.

Ngoài ra, người dân cũng nên đối chiếu giá bán của mặt hàng cần mua, nếu có sự chênh lệch lớn về giá bán thì nên hỏi cặn kẽ người bán. Bởi, một số sản phẩm có giá cao hơn so với thị trường do chất lượng vượt trội và ngược lại.

Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), khi mua hàng trực tuyến mùa dịch, người dân nên chọn nơi bán hàng uy tín và cẩn trọng với những bình luận, đánh giá trên mạng, bởi hiện nay một số biện pháp kỹ thuật có thể can thiệp vào những việc này.

"Khi thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, người tiêu dùng có thể chia sẻ với người thân, bạn bè, đồng nghiệp để phòng tránh. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể phản ánh, khiếu nại tới cơ quan quản lý Nhà nước để được tư vấn, hướng dẫn cách thức bảo vệ quyền lợi", Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng nêu rõ.