Kiên Giang:

Đề nghị lập Bảo tàng nước mắm truyền thống

(Dân trí) - “Nhà nước nên hỗ trợ xây dựng làng nghề cùng với bảo tàng nước mắm Phú Quốc để con cháu sau này có điều kiện duy trì và phát triển cái nghề truyền thống đã có hàng trăm năm ở địa phương”, bà Hồ Thị Liên – Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc đề nghị.

Tại hội nghị “Bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nước mắm truyền thống gắn với bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi cá cơm” vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức vào ngày 2/11 vừa qua tại Phú Quốc, các đại biểu, nhà khoa học, các cơ quan đại diện quản lý Nhà nước chỉ ra những bất cập trong việc phát triển ngành nước mắm truyền thống thời gian qua. Từ nguồn nguyên liệu (cá cơm than) ngày càng khan hiếm đến nguồn vốn hỗ trợ phát triển ngành nghề này còn hạn chế… Đặc biệt công tác truyền thông, quảng bá nước mắm truyền thống còn ít và thiếu chuyên nghiệp. Điều đó khiến các cơ sở sản nước mắm truyền thống còn nhỏ nhẻ, chưa đủ tầm vươn xa…

Chính vì vậy, tại hội nghị các đại biểu đề nghị Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ nguồn vốn cho ngành nước mắm truyền thống có điều kiện phát triển; cần thông tin minh bạch; người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm nước mắm tùy theo nhu cầu; tránh những thông tin không minh bạch hoặc đưa sản phẩm này lên, “đạp” sản phẩm kia xuống….

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám còn kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống nên đoàn kết lại để thành lập liên hiệp các hội nước mắm hoặc Hiệp hội nước mắm Quốc gia
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám còn kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống nên đoàn kết lại để thành lập liên hiệp các hội nước mắm hoặc Hiệp hội nước mắm Quốc gia

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ: Sau khi có kết luận chính thức từ các bộ, ngành Trung ương thì các doanh nghiệp sản xuất mới giải tỏa được tâm lí lo ngại về chất lượng của nước mắm truyền thống.

Vấn đề hiện nay mà VASEP đang quan tâm là cần phân biệt rõ cơ sở nào là sản xuất, và cơ sở nào là chế biến nước mắm. Bởi lẽ, không thể có chuyện 1 doanh nghiệp chuyên chế biến nước mắm tại TP HCM nhưng không có nhà thùng như ở Phú Quốc hay Phan Thiết mà lại ghi bảng hiệu là cơ sở sản xuất được.

Còn theo TS Trần Thị Dung - Chuyên gia Công nghệ Chế biến và Bảo quản Thủy sản cho rằng, thông tin nước mắm có arsen thời gian vừa qua là sự cố hết sức đáng tiếc về truyền thông. Bởi lẽ, nước mắm truyền thống hiện nay là tuyệt đối an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Các sản phẩm nước mắm đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhất thế giới nhưng chưa từng bị trả lại vì có liên quan chất lượng hay an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo TS Dung, nước mắm truyền thống là sản phẩm mang tính chất cha truyền con nối. Người dân thường ít có kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chất lượng sản phẩm.

“Nhà nước phải cho các chuyên gia tư vấn đến giúp dân hoàn thiện các công nghệ truyền thống để nâng cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký thương hiệu và phát triển thương hiệu hoặc làm nhãn mác đẹp để sản phẩm ra thị trường. Và nếu như Nhà nước không có chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp về mặt bằng, về vốn cũng như môi trường thuận lợi thì chắc chắn sẽ có không ít người bỏ nghề trong khi Thái Lan đang làm rất tốt việc này”. TS Dung cho biết.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cũng cho biết, sẽ đề xuất với Chính phủ giúp cho tỉnh Kiên Giang có điều kiện bảo vệ nguồn cá cơm thông qua việc thành lập Trạm Kiểm ngư tại huyện Phú Quốc.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cũng cho biết, sẽ đề xuất với Chính phủ giúp cho tỉnh Kiên Giang có điều kiện bảo vệ nguồn cá cơm thông qua việc thành lập Trạm Kiểm ngư tại huyện Phú Quốc.

Riêng bà Hồ Thị Liên – Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc tâm huyết đề nghị: Nhà nước nên hỗ trợ xây dựng làng nghề cùng với bảo tàng nước mắm Phú Quốc để con cháu sau này có điều kiện duy trì và phát triển cái nghề truyền thống đã có hàng trăm năm ở địa phương.

"Chúng tôi xin khẳng định lại 1 lần nữa là nước mắm truyền thống của Phú Quốc chỉ có 2 nguyên liệu là cá cơm và muối. Cho nên, doanh nghiệp nào muốn gia nhập vào hội đều phải tuân thủ quy trình này nếu như không muốn bị loại khỏi cuộc chơi”- bà Liên khẳng định.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Sắp tới, Bộ sẽ thành lập tổ công tác với các tổ viên là các nhà quản lý, nhà khoa học cùng với đại diện các doanh nghiệp sản xuất nước mắm rà soát lại các quy định để giúp người tiêu dùng phân biệt được đâu là nước mắm truyền thống với các sản phẩm nước chấm. Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng những quy định để bảo vệ cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả nguồn lợi thủy sản để ngành nghề này được phát triển bền vững. Bộ cũng sẽ đề xuất với Chính phủ giúp cho tỉnh Kiên Giang có điều kiện bảo vệ nguồn cá cơm thông qua việc thành lập Trạm Kiểm ngư tại huyện Phú Quốc. Đơn vị này sẽ cùng phối hợp với Cục Kiểm ngư để thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các vụ vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.

Ngoài ra, Thứ trưởng Vũ Văn Tám còn kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống nên đoàn kết lại để thành lập liên hiệp các hội nước mắm hoặc Hiệp hội nước mắm Quốc gia để Nhà nước có nhiều chính sách giúp ngành nước mắm phát triển bền vững.

Nguyễn Hành