"Đế chế" tỷ đô của ông trùm Thái trên đất Việt

Nhiều tỷ phú Thái Lan âm thầm từng bước xác lập vị thế trên thị trường Việt Nam. Đến thời điểm lộ diện những ông trùm này cho thấy một thế lực khủng khiếp, tạo ra áp lực cạnh tranh và sự lo lắng cho DN trong nước.

Đánh trực diện vào đại gia Việt

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Hà Tĩnh: Gần 1 vạn lao động Trung Quốc sắp đến Vũng Áng
* Đòn trừng phạt của Nga đã giáng mạnh vào đầu tầu kinh tế Đức
* BIDV dành 15.000 tỷ đồng cho vay phát triển thủy sản
* SCIC phải góp tối thiểu 1.000 tỷ đồng vào Gang thép Thái Nguyên
* CPI tháng 8 thấp - liệu có khả năng giảm lãi suất?

Ngày 22/8, HSX thông báo cho biết cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk, F&N Dairy Investments đã mua thêm 15 triệu cổ phiếu Vinamilk (VNM) từ các nhà đầu tư nước ngoài khác.

Số tiền mà F&N của tỷ phú Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakd bỏ ra cho thương vụ này ước tính lên tới 1.800 tỷ đồng, giúp cho F&N nâng sở hữu tại Vinamilk lên hơn 110 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 11% cổ phần. Tổng số cổ phiếu mà F&N đang nắm giữ tại Vinamilk có giá trị khoảng 12.400 tỷ đồng (590 triệu USD) và chỉ còn đứng sau cổ đông đại diện cho Nhà nước Việt Nam là SCIC.

Vài tuần trước, một DN khác của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakd là Berli Jucker (BJC) đã hoàn thành thương vụ mua toàn bộ hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam với số tiền gần 900 triệu USD. Trước đó, năm 2013, BJC đã mua cổ phần Family Mart Nhật Bản trong liên doanh Family Mart tại Việt Nam và đổi tên chuỗi cửa hàng tiện lợi này thành B'mart.

Làn sóng các tỷ phú Thái đổ tiền vào mua bán thâu tóm các DN Việt trở nên phổ biến trong vài năm gần đây và đình đám với nhưng thương vụ hàng trăm triệu đô.

Tỷ phú Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakd

Tỷ phú Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakd

Cuối năm 2012, giới đầu tư đã chứng kiến tỷ phú Thái Lan Kan Trakulhoon, ông chủ Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) mua lại 85% cổ phần Công ty cổ phần Prime Group - nhà sản xuất gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam với giá khoảng 240 triệu USD để trở thành công ty gạch lớn nhất thế giới.

Không chỉ mua Prime, SCG của tỷ phú Kan Trakulhoon cũng đã đầu tư vào rất nhiều DN Việt như: gần 100% cổ phần xi măng Bửu Long, vài chục phần trăm tại 2 DN nhựa lớn nhất Việt Nam là Tiền Phong và Bình Minh...

Một tỷ phú Thái tiếng tăm khác đang "làm mưa làm gió" trên thị trường Việt Nam là Dhanin Chearavanant - ông chủ Tập đoàn Chareon Pokphand Group (C.P Group). Đại gia người Thái này đang chiếm lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi, trang trại và thực phẩm ở Việt Nam thông qua công ty con C.P Việt Nam. DN này hiện là công ty cung cấp thịt gà công nghiệp và thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam.

Cuộc tấn công của người Thái

Sự xuất hiện liên tục các vụ mua bán sáp nhập (M&A) đình đám của các tỷ phú người Thái gần đây khiến cho giới đầu tư cũng như các DN Việt Nam khá lo lắng. Nhiều người thực sự giật mình về độ giàu có và mạnh mẽ của các ông chủ người Thái.

Vụ mua 15 triệu cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk lên trên 11% của tỷ phú giàu Charoen Sirivadhanabhakd được cho là chưa có ảnh hưởng gì tới DN cũng như lĩnh vực này bởi F&N mới chỉ là cổ đông lớn thứ 2, đứng sau SCIC với trên 45%.

Tuy nhiên, nó đánh dấu tham vọng lấn sân vào thị trường sữa và nước ngọt không có gas đầy tiềm năng của Việt Nam.

Tỷ phú giàu nhất Thái Lan Dhanin Chearavanant

Tỷ phú giàu nhất Thái Lan Dhanin Chearavanant

Còn đối với tỷ phú Dhanin Chearavanant giàu nhất Thái Lan hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp trong cả chục năm qua. C.P Việt Nam của tỷ phú này hiện đang thống trị mảng thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi gà công nghiệp tại Việt Nam với doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.

Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam được xem rất giàu tiềm năng với mức tăng trưởng hai con số/năm. Tuy nhiên, thế mạnh nông nghiệp của Việt Nam, nhất là lĩnh vực chăn nuôi đang bị phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài, từ thức ăn đầu vào cho tới chế biến và xuất khẩu.

Các DN thức ăn chăn nuôi của người Việt có cơ hội phát triển rất hẹp cho dù thị trường này của Việt Nam đang đứng ở tốp đầu về sản lượng trên toàn thế giới. Với tỷ trọng lớn nhất, DN của tỷ phú Dhanin Chearavanant cũng như các DN Trung Quốc khác đang thu hẹp dần thị phần của các DN nội.

Vụ M&A Metro Việt Nam của tỷ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakd đầu tháng 8 vừa qua cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ thị trường bán lẻ đầy triển vọng của Việt Nam có thể sẽ bị áp đảo bởi người Thái.

Bỏ ra gần 900 triệu USD, tỷ phú người Thái gốc Hoa Charoen có lẽ đã tính tới một thị trường 90 triệu dân với sức mua rất lớn, kỳ vọng vào cơ hội sinh lời từ buôn bán hàng hóa nội địa cũng như xuất khẩu hàng Thái cũng như hàng của các nước khác có nguồn gốc khu vực vào Việt Nam khi mà ASEAN thực hiện tự do lưu thông hàng hóa trong nội khối.

Trong vụ mua lượng lớn cổ phần ở 2 DN nhựa hàng đầu Việt Nam là Bình Minh và Tiền Phong hồi giữa năm 2012, The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd của Thái cũng đã khiến không ít người lo lắng là đại gia ngoại này có thể sẽ mượn hệ thống phân phối của Bình Minh và Tiền Phong để đưa sản phẩm của mình vào Việt Nam.

Sự tấn công quyết liệt của các tỷ phú Thái gần đây vào các DN hàng đầu trong nhiều lĩnh vực của Việt Nam bằng những món tiền tỷ USD đã phần nào cho thấy sức mạnh thực sự cũng như tham vọng của họ ở các thị trường của Việt Nam.

Trong một nền kinh tế ngày càng mở cửa để hội nhập, việc tuân theo luật chơi chung là cần thiết. Các DN nội phải sẵn sàng đón nhận sự cạnh tranh. Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh này các DN nội dường như đang yếu thế về rất nhiều mặt, từ công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý, tài chính, cho đến cả những ưu đãi.... Sự yếu thế của các DN nội có thể là cơ sở để cho các tỷ phú nhiều tiền ASEAN và cả ở các nước châu Á khác tạo ra làn sóng xâu xé thị trường Việt Nam.

Theo Mạnh Hà
VEF
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước