Các ông chủ Thái đang qua mặt doanh nhân Việt?

(Dân trí) - Sự hiện diện ngày càng nhiều doanh nghiệp Thái Lan, các ông chủ Thái Lan trong đời sống kinh tế Việt Nam đang dấy lên lo ngại việc các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam bị vượt mặt ngay tại "sân nhà" của mình

Nhanh tay và cao tay hơn trong thương vụ mua lại hệ thống bán buôn lớn nhất Việt Nam Metro và trước đó là hệ thống Family Mart của Nhật liên doanh với tập đoàn Phú Thái (Việt Nam); đổ vốn liên tiếp vào thị trường bán lẻ đang hấp dẫn bậc nhất các nước Asean và trong ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi, CP – Công ty con của ông chủ Thái Lan Chingchai Lohawatanakul đang thu v hàng tỷ đô mỗi năm.

Các ông chủ Thái đang qua mặt doanh nhân Việt?
Thương vụ mua lại Hệ thống bán buôn Metro của Tập đoàn BJC Thái Lan là thương vụ M&A lớn nhất từ đầu năm đến nay của các DN Thái Lan (ảnh minh họa)

Cái khéo của ông chủ Thái là gì?

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Hé lộ dự án siêu công viên chủ đề TQ ở Australia

* Vì sao cần xây sân bay Long Thành, không mở rộng Tân Sơn Nhất?

* Thực hư đại gia mua tàu, nhập máy bay
* Nhìn lại 100 năm hoạt động của kênh đào Panama

* Các ông chủ Thái đang qua mặt doanh nhân Việt?

* Đại gia Hồng Kong âm thầm thâu tóm loạt khách sạn VN

Có thể thấy rõ, mặc dù thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện có đầy đủ mặt anh tài: từ các đại gia bán lẻ thế giới như Big C, Metro, Lotte, Aoen đến gần đây là Walmart đến các ông lớn bán lẻ Việt Nam như: Saigon Coomart, Hapro Mart, Fivimart, Ocean Mall… nhưng những siêu thị bán hàng Thái Lan, siêu thị bán lẻ của Thái đang mọc như nấm tại TP HCM và động thái mua đứt Metro của tỷ phú người Thái Lan Chearavanont đang là cuộc đấu loại trực tiếp nhằm chia sẻ lợi nhuận thị trường bán lẻ có sức hấp dẫn hàng đầu Châu Á Việt Nam.

Chiến lược đầu tư và xâm nhập thị trường của các DN Thái Lan có phần khác biệt với các đại gia bán lẻ nổi tiếng khác. Nếu như Big C (Pháp), Metro (Đức), Lotte (Hàn Quốc) Aoen (Nhật Bản) đều tự chủ mở hệ thống, xây dựng chuỗi siêu thị từ con số 0 thì các DN Thái lại dùng đầu tư gián tiếp qua hình thức mua bán sáp nhập M&A, hai trong ba vụ hiện diện hãng bán lẻ Thái là như vậy, như hệ thống B’Mart và vừa rồi là Metro.

Cái lợi của các ông chủ Thái là không mất quá nhiều vốn để xây dựng kênh phân phối, nghiên cứu thị trường mà chỉ cần tiếp cận, thừa hưởng và khai thác. Chiến lược này của các ông chủ Thái chẳng khác nào như “rắn ở nhà chuột” và đây là 1 sự khéo léo của các nhà tư bản Thái. Đối với các ông lớn ngành bán lẻ Việt Nam, điểm sáng hiếm hoi có thể đấu lại sòng phẳng với hệ thống bán lẻ của Thái chính là Saigon Coop mart. Đây là hãng bán lẻ nội địa lớn cả về tầm vóc lẫn sức cạnh tranh khi hiện có khoảng hơn 72 siêu thị bán lẻ được mở và đang kết hợp với liên doanh của mình mở các 5 đại siêu thị tại TP HCM.

Với doanh thu lớn nhất trong các DN bán lẻ nội, hy vọng hiếm hoi sẽ “đấu” loại được với các siêu thị của Thái, cửa hàng Thái đang mở ra ngày một nhiều tại TP HCM. Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu của DN Này vẫn có đó là năng lực tài chính yếu, thị phần nhỏ và chịu sự cạnh tranh rất lớn. Saigon Coop Mart mới chỉ được biết nhiều ở TP HCM, các tỉnh phía Nam, còn tại phía Bắc, nơi có sức tiêu thụ cao, hệ thống này còn thưa thớt bởi Hà Nội hiện mới chỉ có 3 siêu thị Saigon coop mart và chưa chiếm được thị trường. Trong Đại hội Cổ đông tháng 4/201 vừa rồi, Saigon Coop mart không đầu tư ồ ạt vào hệ thống bán lẻ Co.opmart mà chỉ mở thêm 6 siêu thị. Phân bổ đầu tư tài chính năm này sẽ chuyển sang đầu tư trung tâm thương mại, trung tâm thương mại chuyên dùng, Outlet, các dự án bất động sản phức hợp…

Rõ ràng, các DN Thái Lan đã nhìn thấy điểm lợi thế và họ khéo léo tìm mọi cách để từng bước đứng chân được ở thị trường bán lẻ Việt Nam và trực tiếp bắt các đại gia bán lẻ ngoại cũng như các đại gia bán lẻ nội chia sẻ lợi nhuận và miếng bánh thị phần. Các doanh nhân Việt Nam vốn có lợi thế về thị trường, am hiểu và được tạo điều kiện khá tốt để đặt các trung tâm thương mại, siêu thị ở những địa điểm “vàng” tuy nhiên do năng lực tài chính yếu, kỹ năng quản trị bán lẻ kém cùng sự cạnh tranh quyết liệt, các đại gia bán lẻ Việt Nam đang gặp phải muôn vàn khó khăn.

Thao túng thức ăn chăn nuôi, chia lợi nhuận ngành thủy sản

Ngoài bán lẻ, dấu ấn của những ông chủ Thái cũng đậm nét trong ngành thức ăn chăn nuôi, thủy sản và mới đây là dầu khí.

Tin về sự đổ bộ của các tỷ phú Thái Lan vào Việt Nam ngày càng đến dồn dập khi chỉ sau vụ thâu tóm thành công Metro Việt Nam, ông chủ mới của hãng này, tỷ phú tập đoàn BJC cũng ngỏ ý thao túng 11% cổ phần của Công ty CP sữa Việt Nam Vinamilk - công ty trong ngành sữa và thực phẩm có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.

Về sản xuất và chế biến thức ăn chăn nuôi cho đại gia súc, gia cầm và thủy sản, phải nói đến đại gia số 1 Thái Lan, Tập đoàn C.P của tỷ phú Chingchai Lohawatanakul. Vào Việt Nam từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX, phát triển rất mạnh trong những năm 97 và đến thời điểm hiện nay, C.P đã là DN số 1 trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam với 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại 5 tỉnh: Đồng Nai, Hải Dương, Hà Nội… Năm 2013, doanh thu của C.P tại Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD tăng hớn 18% so với năm trước.

Điều đáng nói là theo đánh giá của Bộ NN&PTNT hiện cả nước hiện có khoảng 200 DN sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng các DN ngoại lại chiếm 1/3 số lượng và chiếm 65% - 70% thị phần cung ứng thức ăn chăn nuôi. C.P cùng đang là DN ngoại có thị phần lớn nhất, khoảng gần 40%.

Không dừng lại ở cung ứng, hiện CP đã đầu tư lớn chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại. Lấn sân mới nhất của ông chủ Thái chính là vào xây dựng trang trại giống, nuôi và chế biến cá tra tại Bến Tre – 1 trong những thủ phủ thủy sản cả nước. Tiếp theo, tháng 5 vừa qua, C.P cũng mở mô hình nuôi tôm trên cát xuất khẩu tại Phong Điền - Huế sau khi có 1 chuỗi 5 dự án khác đã được mở tại đây thành công tại địa phương này.

Bên cạnh chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến thủy sản, thương vụ M&A nổi tiếng trong ngành vật liệu xây dựng tháng 4/2013 cũng do 1 DN Thái tạo nên. Thương vụ Siam Cement Group (SCG) – 1 tập đoàn của Thái đã bỏ ra 5.000 tỷ đồng (7.2 tỷ Baht) mua 85% cổ phần Công ty gạch Prime Group Việt Nam, giành luôn quyền kiểm soát hoạt động của công ty sản xuất gạch men có thị phần lớn tại Việt Nam đã khiến giới sản xuất vật liệu đứng ngồi không yên suốt thời gian qua.

Cuối cùng sắp tới đây một siêu dự án trong ngành dầu khí Việt Nam từ trước đến nay cũng nằm trong kế hoạch của ông chủ Thái. Siêu dự án lọc dầu khủng 20 tỷ USD (trước là 27 tỷ USD) do đã được ủng hộ về mặt chính sách của Bộ KH&ĐT cùng rất nhiều ưu đãi đặc biệt.

Dự án siêu khủng này dự kiến xây dựng tại Nhơn Hội – Bình Định và được đánh giá là dự án lọc dầu tầm cỡ quốc tế. Dầu thô sẽ được nhập từ các nước OPEC, Trung Đông và Bắc Phi. Dự án sẽ được khởi công năm 2016 và hoàn thành 4 năm sau đó. Lại một lần nữa, dấu ấn của Thái Lan tạo điểm nhấn cho kinh tế Việt Nam và nhiều doanh nhân Việt đang gặp phải thách thức lớn, đó là sự qua mặt của ông chủ Thái ngay tại sân nhà.

Nguyễn Tuyền

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước