Đẩy mạnh phát triển rau hữu cơ ở Hội An
(Dân trí) - Trồng theo quy trình rau sạch không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học đang là hướng đi mới bền vững cho nhiều hộ nông dân ở Hội An, cho thu nhập cao và ổn định hơn.
Qua hai năm triển khai, phòng kinh tế TP Hội An (Quảng Nam) đã thực hiện thành công mô hình “Vườn rau hữu cơ sinh thái”.
Đầu năm 2014, trung tâm hành động vì sự phát triển môi trường đô thị Hội An đã tổ chức tập huấn về quy trình sản xuất rau hữu cơ sinh thái cho 27 hộ nông dân, cán bộ xã Cẩm Thanh và các xã lân cận trong TP Hội An. Từ đầu tháng 6/2014, bà con nông dân bắt đầu cung ứng ra thị trường gần 4 tấn sản phẩm rau các loại đạt chuẩn sản phẩm rau hữu cơ chất lượng.
Kết quả thực hiện sau hai năm đã nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và tạo điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho học sinh, sinh viên và du khách.
Khác với phương thức trồng rau thông thường, đất trồng rau hữu cơ được quy hoạch thành vùng, xét nghiệm đảm bảo không nhiễm các chất độc hại, có vùng đệm để tránh xâm nhiễm từ bên ngoài. Đặc biệt quy trình trồng rau hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học.
Ông Nguyễn Bé – một nông dân thôn Thanh Đông (xã Cẩm Thanh) - cho biết: “Việc bón phân hữu cơ (phân chuồng và cây xanh) giúp cho nhiều bà con vận dụng được nguồn phân bón có sẵn. Rau sạch hữu cơ có giá cao hơn các loại rau khác hơn 30%, thu nhập hơn 200 ngàn đồng/ngày. Việc trồng rau hữu cơ tiết kiệm chi phí sản xuất, trong khi đó giá bán ra lại cao, chúng rôi rất phấn khởi”.
Người dân trồng thêm nhiều cây cúc vạn thọ để góp phần xua đuổi các loại sâu bọ hại cây
Tham gia mô hình trồng rau hữu cơ với 600m² đất sản xuất, ông Phạm Mẹo – một nông dân khác - cho biết: “Mỗi năm gia đình tôi cho thu nhập hơn 20 triệu đồng, cao hơn hẳn so với việc trồng rau truyền thống trước kia. Để phun thuốc sâu tôi dùng rượu ngâm với tỏi, ớt bỏ trong tủ khi nào cần thì mang ra dùng. Mỗi thửa rau ở đây đều trồng hoa cúc vạn thọ nhằm giúp xua đuổi các loại sâu bệnh có hại cho rau”.
Bà Trần Huỳnh Hải Yến (cán bộ phòng kinh tế TP Hội An) cho biết: “Rau hữu cơ bán ra thị trường đều được Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị (PGS) kiểm tra và dán nhãn chứng nhận. Ngoài ra, các hộ nông dân cũng tham gia kiểm tra, giám sát việc trồng rau hữu cơ đảm bảo các tiêu chí: không dùng phân hóa học, không dùng thuốc hóa học, không sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng và không biển đổi gen”.
Cũng theo bà Yến, các hộ nông dân được chia thành nhiều nhóm nếu PGS phát hiện một hộ dân không tuân thủ quy trình trồng rau hữu cơ thì cả nhóm sẽ bị phạt, thậm chí thu hồi giấy chứng nhận nên yêu cầu các hộ, nhóm tham gia đều tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu, quy định đặt ra.
Giá rau hữu cơ đắt hơn so với rau bình thường khoảng 30%, nhưng do sản lượng ít nên tiêu thụ rất tốt, cung không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng. Thậm chí hiện có 300 địa chỉ trong và ngoài TP Hội An đăng ký mua rau nhưng chưa đủ sản lượng để cung cấp.
Nhiều nông dân cho biết, không chỉ các hộ gia đình, đầu mối kinh doanh mà các nhà hàng, khách sạn, resort... cũng đến đặt mua. Giá rau được hiệp thương giữa hai bên, đảm bảo nếu rau đến tay người tiêu dùng phải cùng mức giá, nếu không phải hiệp thương lại. Do vậy, không có chuyện nâng giá cao khi khan hiếm sản phẩm.
Mô hình trồng rau hữu cơ có vùng đệm để tránh sự xâm nhiễm các yếu tố gây hại từ bên ngoài
Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng kinh tế Hội An - cho biết: “Đối với Hội An chỉ có đưa ra những sản phẩm an toàn mới phát triển nông nghiệp được. Đây cũng chính là lời giải cho bài toán về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, nông nghiệp gắn với trách nhiệm cộng đồng và nông nghiệp hướng đến du lịch”.
Hiện thành phố đã và đang triển khai thêm nhiều khu vực lân cận như khối An Mỹ (phường Cẩm Châu), thôn Trà Quế (xã Cẩm Hà); xây dựng và phát triển mô hình sản xuất phân trùn quế tại thôn Phước Thắng (xã Cẩm Kim), thôn Thanh Đông (xã Cẩm Thanh) và thôn Trà Quế (xã Cẩm Hà).
N.Linh - C.Bính