Xuất khẩu tỷ đô rau quả: Dân vẫn “cắn răng” mua rau sạch giá “chát”

(Dân trí) - Dù có hàng triệu hécta rau quả, cây ăn trái, thậm chí còn để xuất khẩu nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn chưa bao giờ hết “khát” rau sạch, thực phẩm sạch. Nhiều người chấp nhận mua rau quả giá cao để yên tâm hơn về chất lượng.

Báo cáo tại Hội nghị bàn về các giải pháp phát triển sản xuất tiêu thụ rau quả - trái cây chiều ngày 14/5, đại diện Bộ Công Thương cho biết, cả nước hiện có khoảng 1,5 triệu hécta trồng rau quả - trái cây, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. 

Trong đó, có khoảng 845 nghìn hécta rau các loại, cho sản lượng hàng năm khoảng 14,5 triệu tấn, tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL; và hơn 700 nghìn ha cây ăn quả, cho sản lượng hàng năm khoảng 7 triệu tấn quả các loại.

Tuy nhiên, điều đáng nói là với hàng triệu hécta rau quả, cây ăn trái, thậm chí còn để xuất khẩu nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn chưa bao giờ hết “khát” rau sạch, thực phẩm sạch. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng chấp nhận trả mức giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3,4 lần để được sử dụng các loại rau quả yên tâm hơn về chất lượng.

Dù giá cả cao hơn nhưng nhiều gia đình vẫn lựa chọn mặt hàng rau quả tại các
Dù giá cả cao hơn nhưng nhiều gia đình vẫn lựa chọn mặt hàng rau quả tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi để đổi lấy sự an tâm.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Chị Nguyễn Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Rất nhiều thông tin không tốt về chất lượng khiến tôi hiếm khi mua rau quả ở ngoài chợ mà thường lựa chọn nguồn hàng từ siêu thị và các cửa hàng thực phẩm sạch. Biết là đang phải ăn rau quả với giá đắt gấp vài lần so với giá ngoài chợ, mua một mớ rau mùng tơi trong cửa hàng thực phẩm sạch bằng 3 mớ ngoài chợ hay một cân xoài trong siêu thị có giá gấp rưỡi ngoài chợ; nhưng mức giá này vẫn nằm trong khả năng chi trả của tôi và hơn cả đổi lại tôi thấy yên tâm hơn”.

Lý giải về nguyên nhân giá rau quả gắn mác “thực phẩm sạch” đắt hơn so với mặt bằng chung, ông chủ một cửa hàng cho biết: “Rau sạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ phải được trồng trên vùng đất sạch, không bị ô nhiễm. Trong quá trình trồng cũng phải sử dụng loại phân hữu cơ và được che chắn khỏi bụi, không khí ô nhiễm từ bên ngoài. Quá trình vận chuyển và bảo quản cũng đòi hỏi phải tuân theo quy định nghiêm ngặt khiến giá thành của loại rau quả này cao hơn”.

Ngoài ra, sự thuận tiện cũng là lý do khiến ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn các mặt hàng thực phẩm trong siêu thị hay các cửa hàng thực phẩm sạch. “Khi có thời gian rảnh tôi thường tới siêu thị, cửa hàng tiện lợi mua thực phẩm cho mấy ngày liền thay vì tới chợ chen chúc, nắng mưa. Thậm chí, khi nào bận quá tôi có thể gọi tới các cửa hàng quen thuộc mang đồ tới tận nhà”, chị M.N.H - một người tiêu dùng nói.

Trong cơn "khát" rau quả sạch còn phải kể tới việc một bộ phận người tiêu dùng chọn giải pháp "tự cung tự cấp". Theo đó, là hàng loạt ban công, sân thượng được trưng dụng làm nơi trồng rau quả để đáp ứng nhu cầu của gia đình. 

Rau củ trồng trong thùng xốp là hình ảnh không mấy xa lại với người thành phố.
Rau củ trồng trong thùng xốp là hình ảnh không mấy xa lại với người thành phố.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng trên hoa, quả vẫn còn phổ biến. Thực trạng trên dẫn tới chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế và là rào cản lớn nhất đối với rau quả Việt trong tiếp cận khách hàng, ngay cả tại thị trường nội địa.

Trong khi đó, thị trường trong nước vẫn chưa hình thành được hệ thống sơ chế, xử lý, đóng gói và bảo quản rau tươi, chưa hình thành được mối quan hệ liên hoàn giữa sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ rau trên thị trường. Kênh tiêu thụ rau quả hiện nay chủ yếu vẫn là thông qua thương lái trước khi đến các cơ sở chế biến, kinh doanh; số còn lại đi thẳng từ vườn ra chợ, mua bán tự do; chưa phổ biến phát triển phương thức phân phối hiện đại (sàn giao dịch, siêu thị, cửa hàng tiện lợi).

Phương Dung 


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”