Đầu tư công "ế" 80.600 tỷ đồng, có "siêu dự án" chỉ tiêu được 27% vốn
(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 dù có tỷ lệ cao nhưng tính đến nay vốn đầu tư công được giao vẫn không giải ngân hết.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi về Bộ KH&ĐT, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 11 là hơn 329.800 tỷ đồng, đạt 70,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước giải ngân đến ngày 31/12/2020 là 389.900 tỷ đồng, đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (470.600 đồng).
Như vậy, vốn Chính phủ giao cho các bộ, ngành và địa phương giải ngân hết năm 2020 còn ế hơn 80.600 tỷ đồng. Mặc dù vậy, Bộ KH&ĐT khẳng định: Năm 2020 là năm có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 với kỷ luật được thắt chặt.
Cùng kỳ của 5 năm trước, giải ngân đều thấp hơn, cụ thể như năm 2016 đạt 80,3%, năm 2017 đạt 73,3%, năm 2018 đạt 66,87% và năm 2019 đạt 67,46%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, việc giải ngân cao nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là lập đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm trưởng đoàn, điều này đã khiến tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7/2020 có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt từ tháng 10 đến cuối năm tốc độ giải ngân vốn rất cao.
Theo Bộ KH&ĐT, tính đến hết ngày 31/12, có 17 Bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%, trong đó: 10 Bộ, cơ quan trung ương và 06 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 90%.
Có 13 Bộ, cơ quan trung ương và 05 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 60%, trong đó có 06 Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%.
Về nguyên nhân chậm giải ngân, Bộ KH&ĐT dẫn giải là do công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của nhiều nơi chưa sát với thực tế, khả năng giao vốn và khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân.
Đặc biệt, phương thức giải ngân vốn đầu tư công khác cơ bản so với giải ngân vốn thường xuyên, phải có khối lượng mới có thể làm thủ tục thanh toán với kho bạc nhà nước, không thường xuyên, định kỳ như chi thường xuyên.
Trong đó, các dự án mua sắm trang thiết bị thường giải ngân vào cuối năm, những tháng đầu năm tập trung vào thủ tục đấu thầu nên khiến thời điểm đầu năm giải ngân khá chậm.
Bên cạnh đó, công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, chồng lấn về công địa thi công… Đây là nút thắt lớn đối với việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công.
Đáng lưu ý, thời gian qua các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc trong đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao. Việc giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn thiếu minh bạch, thiếu công bằng; người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện kéo dài.
Theo Bộ KH&ĐT, một số bộ, ngành và địa phương hiện có tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu.
Bên cạnh những nguyên nhân cố hữu, năm 2020 xuất hiện dịch Covid-19 làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch giải ngân vốn cũng như thi công các công trình.
Theo Bộ KH&ĐT, các dự án dùng vốn nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 do việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, chuyên gia, nhà thầu nước ngoài, tư vấn, giám sát bị đình trệ... ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết tiến độ giải ngân của hàng loạt dự án trọng điểm của cả nước, trong đó có dự án Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông với 11 dự án thành phần giải ngân được hơn 9.900 tỷ đồng/10.800 tỷ đồng vốn kế hoạch được giao, đạt hơn 92%.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành hết năm nay mới chỉ giải ngân được hơn 5.000 tỷ đồng, đạt trên 27,7%; Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giải ngân được hơn 907 tỷ đồng/932 tỷ đồng được giao, đạt trên 97%.
Để thực hiện tốt công tác giải ngân vốn năm 2021, Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan nếu họ không hoàn thành kế hoạch giải ngân. Không xét thi đua khen thưởng, hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với người đứng đầu, chủ đầu tư và cá nhân liên quan.