TS. Trần Du Lịch: “Tắc đầu tư công sẽ ảnh hướng đến năm 2020 và 2021"
(Dân trí) - Năm 2020, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 6,8% là sự thận trọng cần thiết. Trong giai đoạn 2011-2015, để kích thích tăng trưởng, Chính phủ đã phát hành 390 nghìn tỉ trái phiếu để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua đã bị tắc đầu tư công, tắc BOT, tắc BT, điều này sẽ ảnh hưởng tới năm 2020, 2021.
Nhận xét về bức tranh kinh tế năm 2019, TS. Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, năm 2020 đang dấy lên nhiêu hi vọng sáng sủa để mở ra một thời kỳ mới.
“Theo tôi kinh tế Việt Nam thời điểm này so với 5 năm trước đã tốt hơn. Những yếu tố từng gây bất ổn kinh tế vĩ mô như ngân hàng từng bị coi là "quả bom nổ chậm" hiện nay đã cực kỳ ổn định”, ông Lịch nói.
Theo ông Lịch, năm 2020 Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 6,8% là sự thận trọng cần thiết. Trong giai đoạn 2011-2015, để kích thích tăng trưởng, Chính phủ đã phát hành 390 nghìn tỷ trái phiếu để giúp thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua đã bị tắc đầu tư công, tắc BOT, tắc BT, điều này sẽ ảnh hưởng tới 2020, 2021. Theo đó, năm 2020 nếu không có sự khơi “thông” được thì sẽ tắc thêm vài năm nữa, nên có thể thấy vai trò của đầu tư công ảnh hưởng rất lớn.
Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, Việt Nam và EU đang chờ một sự kiện lớn đó là chờ phê duyệt từ hai bên để thông qua EVFTA.
EU là một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, còn đối với thị trường khác, cán cân thương mại mà Việt Nam có với các thị trường khác nhỏ hơn. Về phía Việt Nam thì cần phải duy trì kết nối tốt với EU và Mỹ.
"Với EU, các bạn có được chứng nhận pháp lý, khuôn khổ pháp lý với sự tiếp cận này cho thị trường Liên minh châu Âu. Với hiệp định thương mại tự do này, các bạn có sự đảm bảo mạnh hơn, đầu tư được đẩy mạnh hơn. Các công ty muốn đầu tư ở nước mà họ có điều kiện tiếp cận thị trường bền vững. Khi mà chúng ta có dòng vốn FDI ngày càng mạnh", đại diện Eurocham nói.
Theo ông Jean-Jacques Bouflet cho biết, Việt Nam cần có vai trò lớn hơn của nên kinh tế tư nhân để vượt qua các thách thức, thích ứng với các chuẩn mực quốc tế. Eurocham sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan chính phủ Việt Nam. Vì thành công của Việt Nam sẽ là thành công của Eurocham.
Nhìn lại năm 2019, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam nhận xét, có thể thấy cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đã được đẩy lên rất cao, bất ổn gia tăng.
“Trong cục diện mới này, Việt Nam vẫn ở vị trí khá tốt, tuy nhiên, tôi vẫn có cảm giác chúng ta chưa tranh thủ được cơ hội. Năm 2019, dường như Việt Nam khá thuận lợi giữa những rủi ro của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Tuy nhiên, tôi cho rằng nguy cơ này sang năm 2020 sẽ nhiều hơn. Theo đó, những gì chúng ta đã làm được trong năm 2019 thì cần phải được củng cố và phát triển thì chúng ta mới đủ năng lực để chống lại những rủi ro và tiếp tục đi lên trong năm mới này", ông Vinh cho hay.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, tại khu vực ASEAN với việc xu hướng bảo hộ ngày càng tăng thì vẫn sẽ thuận lợi. Tuy nhiên, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc thì các nước trong ASEAN không chọn bên nào và vẫn đang chờ đợi.
Quế Sơn