Đào tạo nhân lực ngành thang máy bỏ ngỏ, điều khiến chuyên gia giật mình

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Đến tháng 7 năm nay, mã ngành đào tạo thang máy chưa có trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Điều này, theo chuyên gia, dẫn đến thực tế không đảm bảo được cả về số lượng và chất lượng trong ngành này.

Thách thức về phát triển nguồn nhân lực ngành thang máy

Phát biểu tại hội thảo Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam diễn ra ngày 13/7, ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết, sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế nhanh kéo theo tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhu cầu lắp đặt thang máy ngày càng lớn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong những năm gần đây, mỗi năm có trên 35.000 thang máy được đưa vào sử dụng, có khoảng trên 400 công ty sản xuất lắp ráp, nhập khẩu kinh doanh thang máy.

Đào tạo nhân lực ngành thang máy bỏ ngỏ, điều khiến chuyên gia giật mình - 1

Hội thảo Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam diễn ra ngày 13/7 (Ảnh: T.L).

Nhu cầu của thị trường là rất lớn, song theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, ngành này đang đứng trước thách thức về phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và việc quản lý chất lượng, an toàn sử dụng thang máy, thang cuốn.

Ông nêu thực tế thời gian qua đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm do vận hành, sử dụng thang máy, thang cuốn gây ra. Điều này không chỉ đặt ra vấn đề về quản lý chất lượng mà còn là thực hiện quản lý Nhà nước về công việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động hoặc cộng đồng xung quanh như yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được quy định tại Luật Việc làm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lĩnh vực thang máy, thang cuốn.

Thực hiện quy định này, nếu đội ngũ người lao động làm công việc lắp đặt, bảo trì thang máy, thang cuốn có trình độ kỹ năng nghề, tác phong công nghiệp và đạo đức nghề nghiệp được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia không những giúp nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh mà còn giảm thiểu, tránh được tai nạn thương tâm.

Nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về lao động, việc làm, nhất là trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ thang máy, thang cuốn, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết Bộ đã tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề và an toàn sức khỏe lao động nhằm nâng cao chất lượng lực lượng lao động, chất lượng, an toàn sức khỏe lao động nói chung và trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn nói riêng.

Cụ thể về chất lượng, an toàn, đã ban hành 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho thang máy, thang cuốn; các quy trình kiểm định và các quy định về huấn luyện an toàn lao động liên quan đến thang máy, thang cuốn; chỉ định cho 25 đơn vị chứng nhận thang máy phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và trên 100 đơn vị kiểm định thang máy.

Ngoài ra, hàng năm còn chứng nhận hợp quy cho khoảng trên 6.000 thang máy nguyên chiếc và một số doanh nghiệp sản xuất; kiểm định trên 20.000 thang máy, thang cuốn. Bộ cũng đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu kiểm định kỹ thuật an toàn cho thang máy.

Tuy nhiên, trình độ, chất lượng lao động trong sản xuất thiết kế, chế tạo, bảo trì, bảo dưỡng thang máy, thang cuốn, theo ông Thanh, vẫn còn chưa đồng đều, nhiều lao động, công nhân kỹ thuật không đảm bảo về năng lực và trình độ để thực hiện công việc. Điều này dẫn đến chất lượng các sản phẩm sản xuất ra không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho cả người sử dụng thang máy và người lao động làm nghề này.

Chưa có cơ sở đào tạo được cấp phép đào tạo ngành thang máy

Một thực tế được TS. Phạm Xuân Khánh - Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội - nêu ra khi tham luận tại hội thảo, đó là hiện nước ta chưa có cơ sở đào tạo nào được cấp phép đào tạo ngành thang máy một cách chính quy, bài bản.

Thực tế, đến tháng 7 năm nay, mã ngành đào tạo thang máy chưa có trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đồng nghĩa với việc nghề kỹ thuật chưa được đào tạo chính quy. Điều này, theo vị chuyên gia, dẫn đến thực tế không đảm bảo được cả về số lượng và chất lượng trong ngành này.

Ông Khánh cho biết, hiện các doanh nghiệp thang máy phải tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành như điện, điện tử, điều khiển tự động, cơ khí, xây dựng, động cơ… rồi đào tạo thêm kiến thức chuyên sâu về thang máy.

"Việc tự đào tạo nhân lực của các doanh nghiệp là rào cản khiến nguồn nhân lực ngành này khó được chuẩn hóa và công nhận. Trong khi để được cấp phép thì phải đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng và đăng ký với cơ quan chức năng", ông Khánh nêu vấn đề. Theo đó, vị này cho rằng cần đưa nghề kỹ thuật thang máy vào danh mục nghề đào tạo, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia…

Nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực này, ông Phạm Văn Sơn - chuyên viên cao cấp Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ nói thấy khá "giật mình" khi nghe thông tin vẫn chưa có cơ sở đào tạo nào về nghề này.

Cũng theo ông Sơn, hiện vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho ngành thang máy, cũng chưa cập nhật trong danh mục ngành nghề phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Ông Sơn cho biết, Nghị định 31 đã nêu rất rõ, các bộ ngành cần chủ động xem xét trong lĩnh vực của mình, đề xuất gửi cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp. Việc liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn về thang máy gần đây mà báo chí đưa tin, ông Sơn cảm thấy lo ngại.

Tại hội thảo, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nêu con số 29% doanh nghiệp FDI, 27% doanh nghiệp trong nước đánh giá người lao động có khả năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Theo VCCI, ngành thang máy cần nhìn thấy những con số này để chuẩn hóa được chương trình đào tạo tiên tiến, phù hợp cho nhân sự ngành thang máy trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra.