1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Dân nghèo mất hàng chục tỷ đồng vì tiền ảo đa cấp Bitcoin

(Dân trí) - Hàng ngàn người dân tại miền quê nghèo Gia Lai đã đổ hơn 48 tỷ đồng tham gia sàn tài chính tiền ảo đa cấp bitcoin. Tuy nhiên, website của sàn tài chính đột ngột đóng khiến nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí có 2 người đã tự tử.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Lừa đảo ponzi oanh tạc quê nghèo

Vừa qua, hàng trăm người dân tại khu vực Gia Lai đã có đơn tố cáo gửi lên cơ quan điều tra về việc mất tiền trong đường dây huy động vốn đa cấp ponzi với tên gọi sàn giao dịch fxmt4.us của “Ngân hàng cộng đồng bitcoin” đột ngột ngưng hoạt động. Sàn tài chính này hoạt động trên nguyên tắc Cho – Nhận (người chơi tự giao dịch với nhau) nhận và thanh toán bằng bitcoin (một loại tài sản có giá trị tương đương tiền mặt, có khả năng thanh khoản cao), chủ sân chỉ thu phí (tiền pin).

Theo đơn tố cáo của người dân, ông Trần Thiện Lâm tự cho rằng mình là người lập ra sân tài chính này và là người điều hành toàn bộ hoạt động. Để thu hút người chơi ông Trần Thiện Lâm đã chuẩn bị rất nhiều thông tin sai lệch. Cụ thể là: Thiện Lâm nói sân chơi này là Quốc Tế, chạy ở nhiều quốc gia để chứng minh độ an toàn và chuyên nghiệp nhằm tạo sự tin tưởng với người tham gia. Sàn có rất nhiều người đã tham gia lên đến hàng chục ngàn người. Đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp, và đứng ra trực tiếp đi làm việc với người dân trên cả nước.

Vì tin tưởng lời nói và việc làm của ông Trần Thiện Lâm và hàng ngàn người đã tham gia mua bitcoin để tham gia (giá trung bình 1 bitcoin là 14 triệu đồng). Đến nay đã 4 tháng từ khi tham gia hàng ngàn người chưa nhận được 1 đồng nào từ sàn và không nhận được 1 câu trả lời rõ ràng nào. Với mức giá trung bình 1 bitcoin mà người dân phải mua để đưa vào sàn của ông Trần Thiện Lâm có giá 14 triệu/bitcoin, khoản tiền người dân đổ vào đây đã lên tới 48,5 tỷ đồng.

"Tuy nhiên, trên thực tế tất cả thông tin ông Lâm cung cấp cho người chơi đều sai sự thật, sân tài chính này nằm hoàn toàn của Việt Nam không phải ở nước ngoài, sân có ít người chơi chứ không phải có nhiều người. Đội ngũ kỹ thuật "Made in Vietnam" không đủ trình độ xử lý kỹ thuật. Và sân chơi này không đúng như những gì ông Lâm nói. Và sân chơi hoàn toàn không trả tiền lại cho người chơi như ông Lâm nói, 100% người chơi ở đây sau khi chuyển tiền vào sân chơi này, đến nay vẫn chưa ai lấy được tiền gốc của mình chứ chưa tính đến tiền trả như cam kết", người tham gia phản ánh.

Khi thời điểm cộng đồng tin tưởng nhất đưa tiền lên sàn nhiều nhất thì lúc này ông Lâm có hành động cho dừng sàn (ông Lâm cho là vì lý do kỹ thuật) để không phải chi trả cho cộng đồng. Dùng toàn bộ số tiền đó chi trả vào việc riêng. Lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ số tiền của người chơi trên cả nước với hơn 6000 tài khoản (mỗi tài khoản 1 bitcoin + 900 nghìn đồng tiền pin), chỉ 1 khoản tiền nhỏ được chi ra để tạo sự tin tưởng. Và đóng web vì nhiều lý do đồng thời không hợp tác trả lời với người chơi.

Hiện nay vì rơi vào hoàn cảnh này, mà đa số người dân vay mượn tiền để chơi và bị ông Lâm lừa không còn khả năng trả tiền vay nên có 2 người đã tự tử. Suốt 2 tháng nay nhiều người dân tại Gia Lai vì việc này bỏ công ăn việc làm để tìm ông Lâm yêu cầu trả tiền.

Ponzi là đa cấp biến tướng

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị 02/CT-BCT về tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp chiều 19/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công Thương đã có rút kinh nghiệm sâu sắc trong quản lý bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, qua 6 tháng vừa qua cũng thấy rõ những bất cập, đặc biệt là cơ chế quản lý trong môi trường hoàn toàn mới – môi trường ảo.

Nhắc tới hoạt động tiền ảo ponzi như là một nhức nhối hiện nay, Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh, huy động đa cấp ponzi đang giăng lưới khắp nơi, tấn công các vùng quê, lôi kéo người dân tham gia. Dù tiền ảo không liên quan gì tới bán hàng đa cấp, nhưng những kẻ lừa đảo lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp, lôi kéo người dân tham gia.

"Vấn đề không phải cho phép hay không cho phép, rõ ràng là có sự bất cập về cách tiếp cận, thậm chí là thấy khó hiểu. Nếu không xác định chính xác nguyên nhân thì trong tương lai sẽ không giải quyết được. Ngay cả việc sửa Nghị định 42 thì cũng không quản được những hành vi biết là đa cấp mà vẫn lao vào, bị lừa mà không dám tố cáo, kiểu ponzi", ông nhấn mạnh.

Ông Khánh cũng cho biết, Nghị định 42 sửa chỉ để quản bán hàng đa cấp thực sự, chứ không sinh ra để quản lý hiện tượng biến tướng này, mà phải xử lý bằng nhiều công cụ khác.

"Để quản lý bán hàng đa cấp đúng nghĩa không khó. Cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý bán hang đa cấp để chúng ta có thời gian tấn công vào ngăn chặn trò chơi nguy hiểm hơn mới phát sinh hiện nay là trò chơi ponzi. Phải làm thế nào để có công cụ ngăn chặn trò chơi ponzi khi vừa manh nha, xuất hiện. Đồng thời, tuyên truyền để người dân hiểu, phân biệt giữa bán hàng đa cấp và trò chơi ponzi", ông nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh: "Nhiều người biết tham gia vào ponzi là nguy hiểm nhưng họ vẫn lao vào. Nếu người dân tham gia vào trò chơi này thì sẽ không ai bảo vệ anh cả, trừ phi chứng minh được người mời anh tham gia là ai, lừa đảo như thế nào? Thời gian tới khi tiến vào mặt trận này thì sẽ cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương".

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm