Đại gia Việt: Thăng hoa vốn vay, còng lưng nợ lãi

Không phải công nghệ hay giải pháp, nhiều doanh nhân Việt thăng hoa chủ yếu nhờ vào nguồn vốn và ngược lại lao dốc cũng vì dòng tiền. Sự trục trặc của thị trường tài chính Việt Nam, từ kênh huy động vốn chứng khoán cho đến hệ thống ngân hàng và bảo hiểm, có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên.

Lao đao vì vốn

Trong khoảng một tháng gần đây, thông tin CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HAG) của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức bị 2 ngân hàng bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu HAGL Agrico (HNG) thuộc sở hữu của HAGL nhằm thu hồi nợ vay khiến nhiều NĐT không khỏi giật mình về tình trạng vay vốn của các DN.

Trên thực tế, HAGL là một tập đoàn có khối tài sản rất lớn và nhiều dự án tiềm năng. Với các dự án từ BĐS tới nông nghiệp, từ trong ra ngoài nước nên tài sản của HAGL tính tới cuối 2015 lên tới hơn 48,6 ngàn tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).

Quy mô TTCK đạt khoảng 60 tỷ USD, vẫn khá thấp so với GDP.
Quy mô TTCK đạt khoảng 60 tỷ USD, vẫn khá thấp so với GDP.

Tuy nhiên, nước xa có thể khó cứu được lửa gần. Tổng nợ hơn 32,6 ngàn tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD) vào cuối 2015 và hàng loạt các dự án vẫn còn đang triển khai khiến nhiều người lo ngại. Nhiều NĐT hiện vẫn đặt câu hỏi: liệu HAGL có vượt qua cơn sóng gió cổ phiếu giảm giá 2/3 hay không? Tình hình thanh khoản thực tế của DN hiện như thế nào? Bầu Đức liệu có duy trì được dòng tiền để nuôi các dự án khủng?

Hàng loạt đại dự án của bầu Đức có thể được giải quyết dễ dàng nếu nguồn vốn được huy động từ TTCK hay các NĐT nước ngoài. Nhưng trên thực tế, hầu hết các DN Việt có tham vọng lớn mạnh, đầu tư nhiều dự án đều dựa nhiều vào vốn NH. Sự trầm lắng, đi ngang của TTCK và sự kém minh bạch nói chung trên thị trường trong nhiều năm gần đây khiến hoạt động hút vốn không hề dễ dàng.

Những cơn bão bốc hơi tỷ USD trên TTCK như hồi vụ dàn khoan Biển Đông, vụ bầu Kiên hay vụ đầu năm mới 2016 và giá nhiều cổ phiếu ở mức thấp… khiến hoạt động huy động vốn qua kênh này gặp nhiều khó khăn.

Vay vốn NH trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều DN. Tuy nhiên, rủi ro của cách thức huy động vốn này cũng khá lớn. Nhiều DN đứng trên bờ vực phá sản.

Sông Đà Thăng Long (STL) là một trong các DN gần như không thể thoát ra được vũng lầy nợ nần và thiếu vốn. STL bị chìm ngập tại đại dự án Usilk City trong gần chục năm qua. Sự thăng trầm của thị trường BĐS cùng với sự lên xuống của hệ thống NH đi cùng với đó là biến động khôn lường của lãi suất, có khi lên tới trên 25%, và thanh khoản sáng nắng chiều mưa của NH… đã khiến các DN lao đao.

Số phận tả tơi của loạt công ty BĐS mang họ dầu khí như CTCP địa ốc Dầu khí (PVL) - thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) là những ví dụ cho thấy sự thiếu vắng của dòng tiền trong các dự án, nhất là khi các chủ đầu tư đua nhau đầu tư BĐS trong cơn sốt địa ốc.

Nguồn vốn nào cứu DN?

Gần đây, thông tin hệ thống NH có thể siết cho vay BĐS với dự thảo sửa đổi Nghị định 36 điều chỉnh theo hướng giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40%... khiến nhiều người lo lắng lãi suất có thể tăng nhanh.

Cần cân bằng lại thị trường tài chính.
Cần cân bằng lại thị trường tài chính.

Điều mà nhiều NĐT lo ngại có thể sớm trở thành hiện thực. Gần đây hàng loạt các NH từ nhỏ tới lớn đã bước vào cuộc đua tăng lãi suất huy động. Thay vì dự báo lãi suất cho vay có thể còn được hạ tiếp, nhiều chuyên gia đã bắt đầu nghĩ tới một đợt tăng lãi suất mới.

Nhu cầu huy động vốn trái phiếu Chính phủ và tín dụng trung dài hạn tăng cao và được dự báo còn cao hơn trong năm 2016 được xem là nguyên nhân gây áp lực lên mặt bằng lãi suất trung và dài hạn.

Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc Gia cho rằng vấn đề cốt yếu của thị trường tài chính Việt Nam là quy mô hệ thống NH so với GDP tương đối lớn, tài sản của hệ thống lên tới 7,1 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, TTCK mới chỉ cung ứng khoảng 35% vốn cho nền kinh tế.

Theo ông Phước, sự trục trặc còn nằm ở chỗ độ chênh vốn trung và dài hạn. Theo chuyên gia này, 5 năm nữa, nguồn thu của hệ thống NH vẫn chủ yếu là hoạt động cho vay vốn. Hoạt động này giúp hệ thống NH trong ngắn hạn có nguồn thu nhưng dài hạn thì có vấn đề, nợ xấu có thể phát sinh.

Hiện tượng hàng loạt các DN và ngay cả các NH trì hoãn không niêm yết cổ phiếu trên TTCK hoặc rút niêm yết cho thấy sự kém hấp dẫn của kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Việc tìm vốn làm ăn của DN có thể phải trả giá do sự lệch pha của thị trường tài chính .

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thị trường vốn không cải cách được, thì chỉ 3-5 năm nữa Việt Nam lại rơi vào một chu kỳ khó khăn.

Một nền kinh tế mà nguồn vốn cho cả DN và chính phủ dựa phần lớn vào hệ thống NH và dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm 40-50% như hiện nay là rất nguy hiểm. Các chuyên gia tại một hội thảo về thị trường tài chính gần đây cho rằng, cần phải cân bằng thị trường vốn và thị trường tiền tệ.

Sau 19 năm phát triển và 15 năm chính thức đi vào hoạt động, TTCK Việt Nam có quy mô vốn hóa 60 tỷ USD (so với GDP 193 tỷ 2015) còn khiêm tốn so với khu vực.

Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn TTCK phát triển, điều quan trọng là sự minh bạch. Vai trò của các cơ quan quản lý là hết sức quan trọng. Các DN niêm yết phải là các công ty tốt, làm ăn có hiệu quả và mang lại lợi nhuận cho cổ đông.

Theo V. Hà
Vietnamnet

Đại gia Việt: Thăng hoa vốn vay, còng lưng nợ lãi - 3