Đại gia Việt "nhà toàn con gái": Tài giỏi, chất lừ, cực bí ẩn!
(Dân trí) - Trên thị trường chứng khoán Việt Nam có hai doanh nghiệp lớn và được lãnh đạo bởi hai nữ doanh nhân. Điều đặc biệt hơn nữa, thế hệ F2 của các nữ đại gia này đều là những "ái nữ" kín tiếng.
"Vua tôm" Minh Phú: "Tứ nữ bất bần"
Minh Phú là tập đoàn thủy sản được đánh giá là nằm trong top đầu không chỉ của Việt Nam và còn trên phạm vi thế giới. Trong một lần chia sẻ với báo giới, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Minh Phú, từng cho biết, vào năm 2018, tập đoàn này nắm giữ gần 5% thị phần tôm thế giới, xét theo sản lượng, trở thành "công ty chế biến tôm lớn nhất thế giới".
Tại doanh nghiệp đang có quy mô doanh thu hàng năm vượt xa 10.000 tỷ đồng, chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị hiện do bà Chu Thị Bình đảm nhiệm. Bà là vợ của nhà sáng lập Lê Văn Quang.
Đáng chú ý, bà Bình cũng là cổ đông lớn nhất của Minh Phú, nắm hơn 35 triệu cổ phiếu MPC tương ứng chiếm tỉ lệ 17,79% vốn, cao hơn cả chồng bà - ông Lê Văn Quang đang nắm hơn 32 triệu cổ phiếu MPC, tương ứng tỉ lệ 16,27% vốn điều lệ công ty.
Theo báo cáo quản trị của Minh Phú hàng năm, ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình có 4 người con gái, có tên lần lượt là Lê Thị Dịu Minh, Lê Thị Minh Phú, Lê Thị Minh Quí và Lê Thị Minh Ngọc.
Như vậy, tên doanh nghiệp của vợ chồng bà Bình trùng với tên của người con gái Lê Thị Minh Phú. Thế nhưng, Minh Phú cũng là người con gái nắm giữ số cổ phần khiêm tốn nhất tại công ty.
Cuối năm 2020, số cổ phần mà Lê Thị Minh Phú đang trực tiếp sở hữu là 8.790 cổ phiếu MPC, chiếm tỉ lệ không đáng kể trong doanh nghiệp.
Những người chị em khác gồm Lê Thị Minh Quí nắm 564.060 cổ phiếu MPC tương ứng 0,28%; Lê Thị Minh Ngọc nắm 4.614.370 cổ phiếu MPC, tương ứng tỉ lệ 2,31% và Lê Thị Dịu Minh nắm 6.518.550 cổ phiếu MPC tương ứng 3,26% vốn điều lệ doanh nghiệp.
Báo cáo quản trị không nêu rõ rằng liệu các con gái của ông Quang, bà Bình có giữ chức danh/vai trò nào trong quản lý doanh nghiệp hay không. Tuy nhiên, cùng với việc sở hữu cổ phần MPC (với giá giao dịch trên thị trường hiện nay là 36.900 đồng) thì số tài sản mà họ đang có cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Và một điều thú vị là cả 4 ái nữ nhà "vua tôm" chưa từng lộ diện trước truyền thông, công chúng.
Một vài thông tin hiếm hoi trên truyền thông cho cho hay, Lê Thị Dịu Minh sinh năm 1986, từng được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Nghiên cứu Phát triển kiêm Giám đốc Bộ phận chiến lược Nghiên cứu và Phát triển của tập đoàn.
Năm 2007, khi vừa mới bước qua tuổi 20, Dịu Minh đã lọt top danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam thời điểm đó với khối tài sản khoảng 200 tỷ đồng. Năm 2012, ái nữ nhà "vua tôm" bán ra 3,445 triệu cổ phiếu MPC giảm tỉ lệ nắm giữ xuống còn 4,5% tương ứng 3,155 triệu cổ phiếu và không còn nằm trong danh sách cổ đông lớn của doanh nghiệp, thế nhưng, giá trị tài sản còn lại của cô vẫn rất khổng lồ.
Có một câu nói trong dân gian: "Tứ nữ bất bần", điều này ứng vào gia đình đại gia thủy sản số 1 Việt Nam có vẻ như không hề sai lệch. Theo số liệu tại báo cáo quản trị công ty, tổng giá trị tài sản thông qua nắm giữ cổ phần doanh nghiệp của đại gia đình bà Chu Thị Bình lên tới gần 2.900 tỷ đồng.
Đế chế trang sức PNJ - "nhà có 3 nàng tiên" cực tài giỏi!
Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) là doanh nghiệp gắn với tên tuổi nữ doanh nhân lừng lẫy Cao Thị Ngọc Dung. Bà là người quản lý, gây dựng tên tuổi doanh nghiệp từ những ngày đầu tiên, đưa một cửa hàng trở thành thương hiệu vàng trang sức lớn nhất nước.
Mỗi tháng, doanh thu PNJ lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ví dụ như tháng 1/2021, tập đoàn này thu về doanh thu thuần 2.170 tỷ đồng, lãi sau thuế 168 tỷ đồng với số lượng cửa hàng là 339 trên toàn quốc.
Hiện tại bà Dung đã 64 tuổi và vẫn đảm nhiệm chức vụ cao nhất tại doanh nghiệp này - Chủ tịch Hội đồng quản trị. Bên cạnh đó, bà còn là Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Địa ốc Đông Á.
Trong những năm vừa qua, bà Cao Thị Ngọc Dung còn là biểu tượng của nữ doanh nhân kiên cường, bản lĩnh. Thời điểm chồng bà Dung là ông Trần Phương Bình - CEO DongA Bank vướng vào lao lí, PNJ bị đặt nhiều dấu hỏi về triển vọng phát triển, song thực tế đã chứng minh, bà Dung vẫn tiếp tục lãnh đạo PNJ không ngừng lớn mạnh, giá cổ phiếu tăng phi mã trên thị trường chứng khoán.
Ông Bình, bà Dung có 3 người con gái là Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Hà.
Theo báo cáo quản trị công ty, đến cuối năm 2020, Trần Phương Ngọc Hà là người duy nhất đang không nắm cổ phần nào ở PNJ. Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu tháng 1/2021, Trần Phương Ngọc Hà đã chính thức ghi nhận làm cổ đông của PNJ với số lượng cổ phần nhận chuyển nhượng từ mẹ lên tới 9,2 triệu cổ phiếu, chiếm tỉ lệ hơn 4% vốn điều lệ tập đoàn.
Với thị giá hiện này của PNJ là 83.800 đồng/cổ phiếu, giá trị số cổ phần nói trên của Trần Phương Ngọc Hà đạt 771 tỷ đồng. Và đây cũng là người nắm cổ phần lớn nhất tại PNJ trong 3 người con gái của bà Dung.
Trần Phương Ngọc Hà (Haily Tran) là con gái thứ hai của nữ tướng PNJ với gương mặt sáng và rất xinh đẹp.
Giống với người chị gái đầu của mình, Ngọc Hà rất năng nổ trong hoạt động cộng đồng. Cô theo chị tham gia tình nguyện Mùa Hè Xanh từ năm 13 tuổi.
Năm 15 tuổi, cô du học rồi trải qua 4 năm đại học tại Ivy League - Đại học Brown, 2 năm theo học Thạc sĩ ngành Quy hoạch đô thị ở Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và sau đó giành được học bổng Tiến sĩ ngành International Development (phát triển cộng đồng và phát triển bền vững) ở ĐH Oxford, một trong những trường đại học danh giá nhất toàn cầu.
Trong khi đó, chị cả Trần Phương Ngọc Thảo vào hồi năm ngoái đã khiến giới kinh doanh ngỡ ngàng với hồ sơ "siêu chất" khi ứng cử thành công vào Thành viên Hội đồng quản trị công ty. Trần Phương Ngọc Thảo là Giám đốc trung tâm chuyển đổi số hóa của PNJ, từng trải qua nhiều vị trí như Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, là Giám đốc Quản lý dự án của DongA Bank, Quản lý tại Ngân hàng ANZ (Úc).
Hồ sơ "tiết lộ" về ái nữ của bà Cao Thị Ngọc Dung có trình độ học vấn rất "khủng". Cụ thể, con gái Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ là Cử nhân Quản lý kinh tế của Đại học Oxford, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của London Business School và đã là Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Harvard. Ngọc Thảo cũng là sinh viên Việt Nam đầu tiên được kết nạp Đảng tại Mỹ.
Được biết, năm 1999, Trần Phương Ngọc Thảo sang New Zealand du học khi vừa tốt nghiệp lớp 9 và chỉ mất 1,5 năm để hoàn thành 3 bậc học THPT thay vì 3 năm như những người khác. Cô đứng thứ 7 trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia toàn New Zealand và được tuyển thẳng vào Đại học Oxford - ngôi trường đại học vô cùng danh giá ở Anh.
Tại đây, Trần Phương Ngọc Thảo tiếp tục tốt nghiệp loại ưu và lọt top 5 sinh viên xuất sắc của trường. Cô cũng là một trong những sinh viên hiếm hoi được các giáo sư tại Đại học Oxford viết thư giới thiệu vào học tại Harvard - trường học danh tiếng nhất tại Mỹ.
Bên cạnh đó, Ngọc Thảo còn được 5 trường chấp nhận tuyển thẳng làm nghiên cứu tiến sĩ. Đó là các trường Harvard, North Westhern (Mỹ), Cambridge, London Economic School và Oxford (Anh). Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đồng ý tài trợ học bổng toàn khóa học cho Ngọc Thảo.
Tại thời điểm cuối năm 2020, Ngọc Thảo nắm giữ 5.766.400 cổ phiếu PNJ, chiếm tỉ lệ trên 2,5% vốn điều lệ doanh nghiệp.
Người chị em còn lại là Trần Phương Ngọc Giao sở hữu 7.250.861 cổ phiếu PNJ, chiếm tỉ lệ 3,18% vốn điều lệ. Mặc dù được tiết lộ là cũng vô cùng giỏi giang, song rất khó tìm được những thông tin về người con gái thứ 3 này của bà Cao Thị Ngọc Dung ở trên truyền thông.