Đại gia Trịnh Văn Quyết đi “nước cờ” mới, cổ phiếu lại “sốt giá”

(Dân trí) - Với kế hoạch sáp nhập FLC Faros vào GAB, cổ phiếu “họ FLC” sáng nay tăng trần ồ ạt, hầu hết đều không còn dư bán trong khi nhà đầu tư đang “dội” lệnh mua ở mức giá trần mà vẫn “khan hàng”.

Sau AMD, đến lượt ROS muốn sáp nhập vào GAB

Phiên giao dịch sáng nay (3/4), một lần nữa, nhóm cổ phiếu họ FLC có diễn biến ấn tượng, ồ ạt tăng trần. Cụ thể, FLC tăng trần lên 2.839 đồng; HAI tăng trần lên 2.950 đồng; AMD tăng trần lên 3.130 đồng; ROS cũng tăng trần lên 3.720 đồng/cổ phiếu.

Đại gia Trịnh Văn Quyết đi “nước cờ” mới, cổ phiếu lại “sốt giá” - 1

Cổ phiếu "họ FLC" liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết tăng giá ồ ạt trong sáng nay

Các mã cổ phiếu này đều không hề còn dư bán trong khi có dư mua giá trần khá lớn tại một số mã, thanh khoản tích cực. Chẳng hạn, ROS khớp lệnh gần 12,6 triệu cổ phiếu, dư mua trần hơn 6,1 triệu đơn vị; AMD dư mua trần gần 3,6 triệu cổ phiếu. GAB tăng giá 3.100 đồng tương ứng 2,37% lên 134.100 đồng.

Một thông tin đáng chú ý liên quan đến nhóm cổ phiếu này đó là vào ngày 1/4 vừa rồi, Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros đã quyết định trình Đại hội đồng cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập vào Công ty cổ phần Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC (mã chứng khoán GAB).

Hội đồng quản trị ROS đã tiến hành họp bàn về các vấn đề liên quan tới thay đổi kế hoạch kinh doanh ngắn hạn và dài hạn trong giai đoạn 2020-2025, tái cơ cấu lại ngành, nghề kinh doanh chủ yếu và sắp xếp lại một cách toàn diện hoạt động kinh doanh của ROS.

Hội đồng quản trị ROS đã nhận định, việc sáp nhập ROS vào GAB sẽ giải quyết được các vấn đề nêu trên một cách toàn diện nhất.

Trước đó, vào hồi đầu tháng 3, Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (mã AMD) cũng đang có chủ trương sáp nhập vào GAB.

Cổ phiếu GAB là một hiện tượng đáng chú ý trên thị trường chứng khoán. Mã này niêm yết vào ngày 11/7/2019 với mức giá tham chiếu lúc chào sàn là 12.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, mã này đã liên tục tăng giá và hiện đã tăng giá hơn 11 lần so với thời điểm mới niêm yết.

Chứng khoán bật tăng mạnh mẽ

Thị trường chứng khoán trở lại sau ngày nghỉ với trạng thái phục hồi mạnh mẽ của tất cả các chỉ số. VN-Index tăng 11,77 điểm tương ứng 1,73% lên 692 điểm còn HNX-Index cũng tăng 1,56 điểm tương ứng 1,63% lên 97,17 điểm. UPCoM-Index tăng 0,4 điểm tương ứng 0,83% lên 49,03 điểm.

Thanh khoản đạt 124,79 triệu cổ phiếu tương ứng 1.714,22 tỷ đồng trên HSX và 22,03 triệu cổ phiếu tương ứng 235,54 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 8,19 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch 81,46 tỷ đồng.

Sắc xanh bao phủ khắp các sàn giao dịch. Với 460 mã tăng giá và 93 mã tăng trần, phe tăng giá hoàn toàn áp đảo so với phía giảm (có 191 mã giảm và 50 mã giảm sàn).

Nhóm cổ phiếu họ Vingroup diễn biến tích cực. VIC tăng 2.800 đồng lên 88.800 đồng, VHM tăng 600 đồng lên 55.400 đồng. Theo đó, VIC đóng góp 2,7 điểm cho VN-Index là mã có ảnh hưởng tích cực nhất đối với xu hướng chung. Ngoài ra, chỉ số còn được hỗ trợ đáng kể bởi những mã lớn khác như BID, GAS, SAB, MSN.

MWG của Thế Giới Di Động sáng nay tăng trần 4.200 đồng lên 65.400 đồng. Mã này được khớp lệnh 1,51 triệu cổ phiếu, không hề còn dư bán cuối phiên trong khi vẫn còn dư mua giá trần hơn 150 nghìn đơn vị.

Tương tự, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai cũng đạt trạng thái tăng trần lên 6.100 đồng, không có dư bán, dư mua giá trần hơn 626 nghìn đơn vị.

Chiều ngược lại, VCB, VRE, EIB, NVL, BHN giảm giá, tuy nhiên, ảnh hưởng của những mã này lên diễn biến VN-Index là không đáng kể.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục có diễn biến khởi sắc trong phiên cuối tuần, VN-Index dự báo sẽ thử thách vùng kháng cự 700-720 điểm.

Tuy nhiên BVSC cũng lưu ý thị trường có thể xuất hiện các nhịp biến động mạnh đan xen trong quá trình hướng đến vùng kháng cự trên. Trạng thái quá bán trên thị trường vẫn đang diễn ra trên diện rộng. Do đó, chỉ số có khả năng sẽ vẫn duy trì được vùng hỗ trợ quanh 652 điểm trong ngắn hạn. 

Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19. Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới có thể sẽ còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ dần được công bố trong tháng 4. Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng. 

Do đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức thấp 10-20% cổ phiếu, ưu tiên nắm giữ các mã với tầm nhìn trung - dài hạn.

Đối với nhà đầu tư đã thực hiện giải ngân tại vùng quanh 653 điểm tạm thời ngừng giải ngân mới. Các nhà đầu tư có vị thế tiền mặt lớn và có mức độ chịu đựng rủi ro cao có thể xem xét giải ngân thêm một phần nhỏ tỷ trọng tại vùng hỗ trợ 652-668 điểm.

Mai Chi