Đại gia tranh mua cảng biển: “Gái đẹp đắt duyên”!
(Dân trí) - Đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các cảng biển Việt Nam đầu năm 2014 không được suôn sẻ, số cổ phần bán chỉ vài %. Tuy nhiên, bước sang năm 2015, gió đã xoay chiều, các cảng biển này đã thực sự đổi vận.
Dồn dập các doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đặt mua, sở hữu cảng biển. Vậy nút thắt được tháo ở đâu và tại sao các nhà đầu tư lại thay đổi cách tiếp cận với cảng biển một cách chóng vánh đến vậy?
Nguyên nhân được chỉ ra là do việc Nhà nước nắm giữ 75% vốn tại các cảng biển khiến không hấp dẫn nhà đầu tư. Sau đó, Vinalines đã xin phương án điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ vốn Nhà nước xuống dưới 51% tại các đợt chào bán cổ phần tiếp theo, thậm chí mới đây Bộ GTVT đã đề xuất cho phép “bán đứt” một số cảng như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang cho tư nhân nên hiện tượng mua bán các cảng biển trở nên sôi động hẳn.
Phân tích lợi thế của các cảng biển Việt Nam hiện nay, TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Tăng trưởng của ngành hàng không, vận tải biển những năm qua đều hai con số mỗi năm, nên nếu đầu tư họ chỉ có lãi chứ khó có thể lỗ được. Các doanh nghiệp cũng trông giỏ - bỏ thóc lắm chứ, đầu tư mua cảng biển, sân bay là cuộc chơi tốn tiền nhiều của mà không phải ai cũng làm được. Bỏ ra đống tiền nhưng họ sẽ được lợi rất lớn nhất là khi Việt Nam đang ngày càng mở rộng hợp tác, giao thương với các nước lớn, khu vực trên thế giới”.
Ông Doanh cũng chỉ rõ, các cảng biển của Việt Nam dù phát triển nhiều năm qua nhưng nằm trong tay một số DNNN yếu kém nên chưa phát huy được hiệu quả của nước có tiềm năng kinh tế biển. Dường như mỗi tỉnh ven biển đều có cảng nhưng mỗi cảng có một lợi thế khác nhau mà các DNNN sở hữu chưa thể khai thác được. Chính vì thế, cảng của Việt Nam đang chẳng khác gì cô gái đẹp có duyên và đang được đi kén rẻ vậy.
Cụ thể hơn, theo TS Chu Quang Thứ, chúng ta đang thực hiện điều hành kinh tế theo cơ chế thị trường ở mọi lĩnh vực. "Chúng tôi đã đề xuất Chính phủ thực hiện cơ chế BOT, BT từ gần 20 năm trước nhưng thời điểm đó không được thực hiện. Đặc thù các cảng là dịch vụ nên cứ ai dịch vụ tốt, người đó nhiều khách hàng. Nhà nước chỉ bán quyền khai thác, điều hành quản lý còn cơ sở hạ tầng, giá cả vẫn do Nhà nước kiểm soát nên chắc chắn sẽ không có chuyện độc quyền. Bên cạnh đó, các cảng hoạt động theo cơ chế thị trường, nếu anh độc quyền cơ chế thị trường tự nhiên nó sẽ bóp chết anh ngay".
Ở các tỉnh phía Bắc, hiện Hải Phòng và Quảng Ninh, mỗi tỉnh đều có từ 2 - 3 cảng, trong đó mỗi tỉnh đều có một cảng quốc tế, tại các tỉnh miền Trung, Thanh Hóa có cảng Nghi Sơn, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, rồi Dung Quất, Nha Trang, Sài Gòn rồi Cần Thơ… Nếu cảng này nâng giá, chủ hàng, chủ tầu sẽ vào cảng khác không cách xa mấy, nên nếu có trường hợp tư nhân làm cảng riêng cho mình, ngăn cản các doanh nghiệp đối thủ, không muốn nhập hàng, nhận hàng của một số doanh nghiệp để cạnh tranh xấu hay nâng giá dịch vụ thì chỉ tự chuốc họa vào thân.