Cảng biển đang “nóng”

Khi Bộ Giao thông Vận tải có ý định bán các cảng biển lớn, nhiều doanh nghiệp trong nước đã nộp đơn xin mua để được sở hữu và khai thác.

Giữa năm 2014, 5 doanh nghiệp (DN) cảng biển của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), tuy nhiên hầu hết đều bị chê khi không thể bán được một nửa số cổ phần đưa ra. 

Qua thời ế ẩm 

Đợt IPO nêu trên, trong khi cảng Quảng Ninh chỉ bán được có 7,5% cổ phần tung ra thì cảng Nha Trang cũng chỉ bán được 6,3%, thu về vỏn vẹn 3,5 tỉ đồng. Được kỳ vọng hơn nhưng 2 cảng lớn nhất miền Trung và miền Bắc là Đà Nẵng và Hải Phòng cũng chỉ bán được lần lượt 19,6% và 47% số bán ra. Chót bảng là cảng Cần Thơ chỉ bán được 0,2% cổ phần chào bán. 

Cảng
Hải Phòng đang hấp dẫn giới đầu tư (ảnh: Trọng Đức).

Cảng Hải Phòng đang hấp dẫn giới đầu tư (ảnh: Trọng Đức). 

Tuy nhiên, mới đây, chính những cảng vừa chào bán thất bại nói trên lại nhận được lời đề nghị của nhiều DN trong và ngoài nước xin được trở thành đối tác chiến lược hoặc mua đứt toàn bộ phần vốn nhà nước tại những cảng này.

 Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, các cảng biển đang có sức hút mạnh mẽ đối với nhà đầu tư do chủ trương thoái sâu vốn nhà nước tại những DN này của Chính phủ. Lý do khiến các nhà đầu tư không mặn mà với các cảng biển hồi năm 2014 là do tỉ lệ nhà nước nắm cổ phần chi phối quá cao (75%). 

Tuy nhiên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương thoái vốn sâu hơn tại các cảng biển khi cổ phần hóa. Theo đó, nhà nước chỉ giữ vốn chi phối tại 7 cảng lớn, gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh. 

Đối với 4 cảng đầu mối trọng yếu là Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Sài Gòn, nhà nước chỉ giữ tỉ lệ vốn 51% thay vì 75% như quyết định trước đây. Với 3 cảng Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh, tỉ lệ vốn nhà nước cũng điều chỉnh xuống còn 49% thay vì 75%. Các cảng còn lại có thể thoái toàn bộ vốn nhà nước. Đây chính là yếu tố khiến nhà đầu tư quan tâm hơn đến cảng biển. 

Việc cảng Nghệ Tĩnh bán hết 3,9 triệu cổ phần trong phiên IPO ngày 31/12/2014 được coi là bất ngờ với cả DN chào hàng là Vinalines. Phiên đấu giá thu hút 47 nhà đầu tư với tổng khối lượng đăng ký mua hơn 8,57 triệu cổ phần (cao gấp 2,2 lần số cổ phần đưa ra chào bán). Kết quả, giá đấu thành công bình quân là 12.129 đồng/cổ phần.

 Trong những ngày đầu tháng 2/2015, Vinalines cũng đã thu về hơn 207,290 tỉ đồng sau khi thoái hết vốn tại cảng Đà Nẵng với tổng khối lượng bán được hơn 13,2 triệu cổ phần cho 5 nhà đầu tư với mức trúng thầu bình quân 15.677 đồng/cổ phần. Trước đó, tháng 8/2014, Công ty CP Vinpearl (Vingroup) cũng đã mua lại toàn bộ cổ phần của Vinalines tại cảng Nha Trang trị giá 85 tỉ đồng. 

DN muốn chiếm tỉ lệ vốn vượt khung 

Dư luận đang rất quan tâm đến việc Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Chính phủ được mua lại toàn bộ cổ phần nhà nước đang nắm giữ để được sở hữu cảng Quảng Ninh. Trong khi đó, Vingroup tiếp tục đề nghị Bộ GTVT được mua cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng. 

Lãnh đạo Vinalines vừa đề xuất Bộ GTVT cho phép chuyển nhượng toàn bộ 49 triệu cổ phần (98,02% vốn điều lệ) của cảng Quảng Ninh mà tổng công ty này đang nắm giữ cho Tập đoàn T&T với giá 10.000 đồng/cổ phần. Nếu được chấp thuận, Vinalines sẽ thu về hơn 490 tỉ đồng. Nguồn tài chính này sẽ được Vinalines sử dụng để tái cơ cấu nợ. 

Với cảng Sài Gòn, Vingroup đề xuất mua 80% cổ phần trước khi nhà nước thoái vốn với mức không thấp hơn giá IPO dự kiến diễn ra trong năm nay. Với Cảng Hải Phòng, Vingroup cũng đề nghị mua lại 80% cổ phần vốn nhà nước với giá mua không thấp hơn giá đấu bình quân mà các nhà đầu tư đã bỏ ra để trở thành cổ đông của cảng. 

Công ty CP Cảng Hải Phòng được cổ phần hóa vào năm 2014 có vốn điều lệ 3.269,6 tỉ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 94,68% vốn điều lệ. Trong khi đó, cảng Sài Gòn có giá trị DN tại thời điểm 0 giờ ngày 1/1/2014 để cổ phần hóa là 3.995 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 2.162,9 tỉ đồng. 

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào giữa năm 2014, với DN trong lĩnh vực quản lý, khai thác hạ tầng cảng biển, sân bay, tỉ lệ vốn nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa là không dưới 75%. Khi phê duyệt quyết định cổ phần hóa Vinalines, tỉ lệ này tại 2 cảng Hải Phòng và Sài Gòn cũng được Bộ GTVT ấn định là 75%. Tuy nhiên, sau một mùa IPO ế ẩm, Chính phủ vừa đồng ý giảm tỉ lệ này xuống còn 51% theo đề nghị của Bộ GTVT và Vinalines. 

Với việc Vingroup đề nghị mua đến 80% cổ phần của 2 cảng, một lãnh đạo của Bộ GTVT cho biết sẽ báo cáo để Thủ tướng quyết định. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Việt, Tổng Giám đốc cảng Hải Phòng, cho biết chưa nhận được thông tin cơ quan chủ quản về việc Vingroup muốn mua lại cảng Hải Phòng. Ông Việt khẳng định đến nay chưa có nhà đầu tư nào là đối tác chiến lược của cảng Hải Phòng. 

Lãnh đạo Vingroup cho rằng nếu đề xuất mua lại 2 cảng lớn được chấp thuận, DN sẽ áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến trong quản lý và vận hành để cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này. 

Từng bước rút toàn bộ vốn nhà nước 

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết sẽ thoái vốn tối đa, thậm chí rút toàn bộ phần vốn nhà nước tại các cảng biển. 

Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, đẩy mạnh việc bán các cảng biển nằm trong chủ trương xã hội hóa của bộ trong thu hút đầu tư vào ngành này. Còn ông Lê Anh Sơn, Tổng Giám đốc Vinalines, khẳng định quan điểm của Vinalines là sẽ đa dạng hóa nhà đầu tư. 

 Theo Văn Duẩn - Tô Hà - Trọng Đức
NLĐ