Các doanh nghiệp bán lẻ đang lâm vào tình cảnh khó khăn, đặc biệt là những đơn vị quy mô lớn có gánh nặng chi phí cao như Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG).
Khoản lãi quý thấp nhất lịch sử: 17 tỷ đồng
Thế Giới Di Động vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với khoản lãi chỉ 17 tỷ đồng, thấp nhất trong lịch sử doanh nghiệp. Con số này thậm chí còn không bằng số lẻ 1.130 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ 2 liên tiếp lợi nhuận đại gia bán lẻ về mức dưới 100 tỷ đồng. 6 tháng, lợi nhuận công ty chỉ đạt 39 tỷ đồng, giảm rất sâu so với con số 2.574 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là sức mua điện thoại và điện máy suy yếu kể từ quý IV/2022 đến nửa đầu năm 2023 chưa cho dấu hiệu phục hồi (trừ sản phẩm máy lạnh và quạt do yếu tố mùa vụ).
Dù chấp nhận hy sinh lợi nhuận, tung ra loạt chiến dịch khuyến mãi, giảm giá với khẩu hiệu "giá rẻ quá", doanh thu 2 chuỗi lớn Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh (mảng đóng góp đến 80% doanh thu) nửa đầu năm giảm 27% so với cùng kỳ năm trước đạt 41.500 tỷ đồng.
Diễn biến xấu của thị trường đã được ban lãnh đạo công ty này lường trước và ngay từ cuối năm 2022 đưa ra chiến lược ứng phó. Công ty do đại gia Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch HĐQT vốn có truyền thống luôn tấn công, làm gì cũng lớn và nhanh, sẵn sàng thử nghiệm, nếu có tiềm năng phát triển sẽ đẩy mạnh một cách thần tốc, nhưng không hiệu quả thì dẹp đi nhanh chóng.
Trong 19 năm phát triển, từ 1 siêu thị điện thoại, Thế Giới Di Động thành đại gia bán lẻ với mạng lưới hơn 5.500 cửa hàng, doanh nghiệp luôn đề cao chiến lược mở rộng một cách nhanh chóng để chiếm lĩnh thị phần. Mỗi năm, đại gia bán lẻ đều đề ra những con số cụ thể về mục tiêu mở mới các chuỗi và cố gắng hoàn thành. Giai đoạn 2018-2022, bình quân mỗi năm doanh nghiệp tăng thêm 800 cửa hàng mới.
Cho đến đầu năm 2022, công ty do ông Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch HĐQT vẫn còn rất "hăng hái" với những thử nghiệm mới như chuỗi AVAFashion (thời trang), AVASport (thể thao), AVAKids (bỉm sửa, đồ trẻ em), AVAJi (trang sức), AVACycle (xe đạp), TopZone (chuyên hàng Apple)… Sự mở rộng được tiến hành rầm rộ ngay từ đầu năm với hàng chục cửa hàng mới ra đời. Đồng thời, công ty cũng tăng tốc cho chuỗi nhà thuốc An Khang.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT, đặt kỳ vọng rất lớn vào các chuỗi mới sẽ giúp tập đoàn hiện thực hóa mốc doanh thu 10 tỷ USD trước 2025.
Tuy nhiên, sự xoay vần quá nhanh của thị trường diễn ra vào nửa cuối 2022, sức mua yếu đi một cách nhanh chóng khiến doanh nghiệp này phần nào phải nhìn lại chiến lược của mình.
Sau khi tái cấu trúc lại chuỗi Bách Hóa Xanh, đóng cửa hàng trăm cửa hàng không hiệu quả, doanh nghiệp đóng cửa tiếp các chuỗi thử nghiệm mở mới và chỉ giữ lại chuỗi có tiềm năng như AVA Kids, TopZone để phát triển. Nhà thuốc An Khang sau giai đoạn mở mới ồ ạt đạt mốc 500 vào tháng 8/2022 cũng tạm ngưng mở rộng để tập trung tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chi phí hướng đến vận hành có lợi nhuận.
Đồng thời, bước sang năm nay, khác hẳn với các năm trước, công ty không còn đề ra con số cụ thể sẽ mở mới bao nhiêu cửa hàng, chiến lược mở rộng ra sao. Ông Tài cho biết trong 2023 tập đoàn sẽ chỉ đóng cửa hàng không hiệu quả và mở mới thay thế trong trường hợp cần, sự mở mới đáng kể nếu có chỉ diễn ra ở chuỗi Bách Hóa Xanh với sự thận trọng nhất định.
"Việc mở ào ạt theo chỉ tiêu được giao là cái chúng tôi đã học từ quá khứ, những chuyện như vậy sẽ không còn tiếp diễn nữa. Bây giờ mở cửa hàng nào thì cửa hàng đó phải thắng thì mới mở", đó là chia sẻ của ông Tài khi nói về kế hoạch mở mới cửa hàng Bách Hóa Xanh trong tương lai.
9 tháng, giảm hơn 12.000 nhân sự để giảm chi phí
Bên cạnh xoay trục chiến lược, kiểm soát chi phí và hàng tồn kho là yếu tố tiếp theo chủ chuỗi Thế Giới Di Động đặt nặng. Với doanh nghiệp bán lẻ quy mô lên đến hơn 5.500 cửa hàng như doanh nghiệp này thì số lượng nhân viên khá lớn. Vào cuối quý III/2022, nhà bán lẻ trên có số lượng nhân viên lên đến 80.231 người.
Chỉ trong vòng 9 tháng, từ tháng 10/2022 đến tháng 6 năm nay, doanh nghiệp đã cắt giảm hơn 12.000 nhân sự. Số lượng nhân sự tính đến cuối quý II là 68.026 người, thấp hơn cùng kỳ năm trước 10.640 người. Việc mạnh tay cắt giảm nhân sự đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 1.337 tỷ đồng chi phí nhân viên trong nửa đầu năm.
Trong thời điểm mở rộng, phát triển nhiều chuỗi đầu 2022, giá trị hàng tồn kho của công ty lên đến hơn 33.000 tỷ đồng. Song, trước diễn biến xấu đi của thị trường, doanh nghiệp cho biết đã chủ động kiểm soát lượng hàng tồn kho từ quý IV năm trước. Tính đến cuối quý II, giá trị hàng tồn kho giảm về 22.156 tỷ đồng, giảm 33% so với thời điểm cuối quý I/2022.
Mục tiêu là để giảm chi phí tài chính và rủi ro giảm giá hàng hóa. Trong cơ cấu hàng tồn kho của Thế Giới Di Động, điện thoại di động và thiết bị điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất, trên 50%. Những mặt hàng này là mặt hàng dễ lỗi thời và dễ dàng bị thay thế bởi những phiên bản hiện đại, đem lại nhiều tiện ích hơn. Do vậy, doanh nghiệp phải có kế hoạch nhập hàng hợp lý cũng như tìm cách đẩy hàng tồn trước khi phiên bản mới được ra mắt.
Với chiến lược đó, lần đầu tiên, tiền và tiền gửi của doanh nghiệp vượt qua hàng tồn kho, đạt mức 24.419 tỷ đồng, tăng 61% so với đầu năm và chiếm 41% tổng tài sản. Cùng với lãi suất huy động tăng, lãi tiền gửi nửa đầu năm tăng 76% lên 809 tỷ đồng, là điểm sáng trong bức tranh kinh doanh giúp công ty có lãi nửa đầu năm. Nguồn tiền dồi dào cũng giúp chủ động hơn trong các kế hoạch kinh doanh khi thị trường phục hồi.
Nguy cơ vỡ kế hoạch lần 2
Mặc dù dự báo được khó khăn nhưng có lẽ ban lãnh đạo công ty cũng không lường trước được mức độ và sự khốc liệt của cuộc chiến giá rẻ để kích cầu. Công ty đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2023 vẫn có sự tăng trưởng so với thực hiện 2022. Doanh thu 135.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4.200 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và 2%.
Qua nửa đầu năm, doanh thu thực hiện 56.570 tỷ đồng và lợi nhuận 39 tỷ đồng, đạt 42% và chỉ gần 1% chỉ tiêu năm. Như vậy, để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra, mỗi quý còn lại, đại gia bán lẻ này phải đạt lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng.
Trong lịch sử hoạt động, ngay cả thời kỳ hưng thịnh nhất, công ty cũng chưa thể vượt qua con số 2.000 tỷ đồng lợi nhuận một quý. Ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp bán tài sản ghi nhận lợi nhuận bất thường đột biến, nếu không có yếu tố bất thường, năm 2023 sẽ là năm thứ 2 công ty không hoàn thành được cam kết với cổ đông.
Mặc dù phát triển nhiều chuỗi bán lẻ nhưng chuỗi thực sự tạo ra lợi nhuận của công ty đến nay vẫn chỉ là Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Theo nhận định của các công ty chứng khoán và chính lãnh đạo doanh nghiệp, nhu cầu hàng thiết yếu đã chạm đáy trong nửa đầu năm, còn kém trong quý III và kỳ vọng phục hồi từ quý IV nhờ Apple ra mắt iPhone 15 và doanh thu máy tính xách tay cao hơn vào mùa tựu trường.
Nửa cuối năm 2024 được kỳ vọng bùng nổ nhờ cộng hưởng chu kỳ thay mới sản phẩm và bối cảnh nền kinh tế tốt hơn, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trở lại, đặc biệt là laptop và điện thoại di động.
Do vậy, kết quả kinh doanh của 2 chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh được dự báo có sự cải thiện trong 6 tháng còn lại của năm nhưng khó đột biến. Trong khi đó, các chuỗi khác vẫn chưa đem lại lợi nhuận.
Chuỗi hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh được tập đoàn phát triển từ 2015 với kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng khi mảng ICT đã đạt thị phần quá bán không còn nhiều dư địa tăng trưởng. Công ty cũng đã dồn nhiều lực, tăng tốc mạnh cho chuỗi đạt độ phủ trên 2.100 cửa hàng cho đến cuối 2021. Đồng thời, tập đoàn giành năm 2022 để tái cấu trúc lại toàn bộ chuỗi hàng tiêu dùng, thay đổi layout, tối ưu hóa quy trình làm việc…
Dù vậy, con số lỗ của Bách Hóa Xanh vẫn tiếp tục tăng lên. Năm 2022, chuỗi lỗ 2.961 tỷ đồng, nửa đầu năm nay lỗ thêm 659 tỷ đồng. Trải qua thời gian phát triển gần 8 năm, khoản lỗ lũy kế của Bách Hóa Xanh đã lên tới 8.054 tỷ đồng và chưa năm nào có lãi.
Từ động lực tăng trưởng, chuỗi dường như dần trở thành gánh nặng "buông cũng không được mà giữ cũng không xong" vì quy mô quá lớn, vốn bỏ ra quá nhiều không thể nói cắt là cắt như các chuỗi khác.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT, đặt quyết tâm rất lớn rằng quý IV năm nay sẽ có một tháng nào đó chuỗi hàng tiêu dùng thực sự bước qua điểm hòa vốn, tập đoàn không phải bù lỗ nữa.
Mặt khác, lãnh đạo công ty vẫn có một niềm tin rất lớn với ước mơ biến Bách Hóa Xanh thành điểm đến của người tiêu dùng, bà nội trợ trong việc mua hàng tươi và hàng khô. Do vậy, một khi đạt điểm hòa vốn, Bách Hóa Xanh sẽ nghĩ đến chuyện Trung tiến và Bắc tiến.
Bên cạnh đó, chuỗi nhà thuốc An Khang cũng dường như đang trở thành gánh nặng mới. Các năm trước, chuỗi chỉ lỗ vài tỷ đồng nhưng từ khi được đẩy mạnh đầu 2022, con số lỗ tăng lên 306 tỷ đồng. Cho đến nửa đầu năm nay, An Khang lỗ thêm 151 tỷ đồng, lỗ lũy kế tăng lên 469 tỷ đồng.
Hay chuỗi điện thoại, điện máy Bluetronics tại Campuchia cũng chưa mang lại lợi nhuận, lỗ lũy lên 699 tỷ đồng. Công ty cho biết chủ động dọn dẹp, thu hẹp chuỗi do đánh giá không có tiềm năng đóng góp doanh thu hay lợi nhuận để giảm gánh nặng trong năm nay.