Ông chủ Thế Giới Di Động không tin Apple có thể vận hành chuỗi
(Dân trí) - Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, cho rằng một vài cửa hàng của Apple không thể phục vụ được 90 triệu dân Việt Nam. Trong khi đó, vận hành chuỗi lớn lại không đơn giản.
Apple vừa công bố sẽ mở cửa hàng Apple Store theo hình thức trực tuyến tại thị trường Việt Nam vào ngày 18/5 tới đây. Tại Việt Nam, các sản phẩm của Apple được bán trực tiếp bởi 2 công ty bán lẻ lớn là Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) và FPT Retail (mã chứng khoán: FRT).
Tại Thế Giới Di Động, ngoài chuỗi cửa hàng bán điện thoại thông thường kèm các sản phẩm Apple, công ty này còn phát triển riêng chuỗi TopZone dành cho cộng đồng iFan. FPT có chuỗi F.Studio chuyên biệt phục vụ hàng Apple.
Một vài cửa hàng của Apple chỉ để làm thương hiệu
Trong buổi gặp gỡ với nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, cho rằng một vài cửa hàng Apple không thể thay thế cho hơn 3.000 cửa hàng của chuỗi này cộng với hệ thống cửa hàng của các đối thủ khác. Đồng thời, việc cửa hàng của Apple xuất hiện tại Việt Nam là bình thường, chỉ với mục đích làm thương hiệu.
Cụ thể hơn, ông Tài nói việc Apple xuất hiện ở Việt Nam chứng tỏ họ đánh giá thị trường sẽ phát triển và điều đó tốt cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cách thức của Apple cũng sẽ giống các hãng khác, là mở cửa hàng brand shop (nơi để người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm, được tư vấn sản phẩm, cung cấp các dịch vụ - PV) để xây dựng thương hiệu.
Theo ông Tài, không thể nào một vài cửa hàng của Apple có thể phục vụ được 90 triệu dân Việt Nam, nếu có, họ sẽ phải cần một chuỗi rất lớn. Ông Tài không tin Apple sẽ bước chân vào vận hành chuỗi như cách mà doanh nghiệp của ông đang làm, vì đó là việc không hề đơn giản. Apple là nhà sản xuất, làm ra sản phẩm, sẽ biết làm thế nào để có một sản phẩm hoàn hảo. Còn Thế Giới Di Động là người phục vụ khách hàng, biết rõ cách thức mở cửa hàng, khách hàng cần gì, phục vụ khách hàng như thế nào... Hai vị trí, vai trò này không có điểm chung, nên các cửa hàng của Apple tựu trung lại vẫn chỉ để làm thương hiệu mà thôi.
Theo ông, những nhà sản xuất nếu mở một vài cửa hàng để làm thương hiệu thì không bàn, nhưng nếu mở brand shop nhiều thì cuối cùng cũng sẽ thất bại. "Các bạn cứ đếm xem thương hiệu nào còn brand shop và còn lại bao nhiêu. Hoặc đếm trong năm này và chờ sang năm sau xem sẽ còn lại bao nhiêu? Các cửa hàng đó không thể hiệu quả được. Nó không mang lại giá trị gì ngoài xây dựng thương hiệu", ông chủ chuỗi bán lẻ nói.
Mặc dù vậy, ông Tài vẫn nhấn mạnh việc Apple xuất hiện tại Việt Nam là tốt cho thị trường. Chuỗi của ông có thể cộng tác với thương hiệu này, hỗ trợ mở các cửa hàng, hoặc phối hợp để phục vụ người tiêu dùng.
Thế Giới Di Động bán sản phẩm Apple ra sao?
Chuỗi doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài có thành lập và cho ra đời TopZone vào năm 2021, là đại lý ủy quyền của Apple tại Việt Nam. Ra đời với 10 cửa hàng đầu tiên, lãnh đạo công ty đặt mục tiêu mở 200 cửa hàng vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến cuối năm này, số lượng cửa hàng mới cán mốc 100 và duy trì đến tháng 4. Số cửa hàng này có mặt tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội... và mở rộng ra Đắk Lắk, Kiên Giang, Cần Thơ…
Tại thời điểm tháng 6/2022, doanh thu mỗi cửa hàng đã đạt khoảng 6-8 tỷ đồng, thậm chí có cửa hàng đã duy trì doanh thu 10 tỷ đồng một tháng. Từ kết quả này, công ty đã quyết định nhân rộng mô hình TopZone. Đến năm 2022, chuỗi mang lại hơn 2.600 tỷ đồng doanh thu, tương ứng 216 tỷ đồng/tháng, gấp đôi năm trước. Doanh thu tăng nhanh đến từ hiệu suất ổn định của các sản phẩm Apple.
Doanh thu nhóm hàng Apple tăng cao mỗi năm tại. Năm 2020, kênh bán lẻ điện thoại di động đạt khoảng 5.500 tỷ đồng. Năm 2021, dù chỉ có thêm 20 cửa hàng TopZone nhưng doanh thu tăng gần gấp đôi, đạt 10.800 tỷ đồng. Năm 2022, tổng doanh thu từ Apple trên toàn hệ thống tăng 40% so với năm trước, chiếm tỷ trọng 26% của tập đoàn. Chuỗi bán lẻ này kỳ vọng doanh thu từ sản phẩm "táo khuyết" cán mốc 1 tỷ USD vào năm nay.
Dù thế, năm nay, ngành bán lẻ được đánh giá là có nhiều khó khăn, bao gồm các mặt hàng điện thoại, điện máy. Sức mua bị ảnh hưởng do tình hình chung của nền kinh tế. Tại phiên họp thường niên 2023 của Thế Giới Di Động, ban lãnh đạo công ty đã thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế này.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc, nói tình hình kinh doanh các quý vừa qua cũng như các quý tới còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dự báo quý III và IV sẽ có sự hồi phục và nhu cầu mua tăng lên.
Ông Nguyễn Đức Tài cho biết trong năm nay, Thế Giới Di Động quyết định không tham gia các mảng kinh doanh mới, tập trung tăng doanh thu, tăng thị phần ngành hàng điện thoại, điện máy và đưa Bách Hóa Xanh - chuỗi bán lẻ thực phẩm về điểm hòa vốn.