Gần 2.000 cửa hàng đóng băng nhiều tháng, Thế Giới Di Động vẫn lãi nhờ đâu?
(Dân trí) - Dù hoạt động bán hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong quý III, Thế Giới Di Động vẫn vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra từ đầu năm với mức lãi hơn 4.900 tỷ đồng.
Lợi nhuận năm về đích dù "đóng băng" gần 3 tháng
Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 với mức doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 36.138 tỷ đồng và 1.563 tỷ đồng, mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này. Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bùng nổ trong dịp cuối năm sau thời gian dài giãn cách xã hội trong quý III/2021 giúp hệ thống bán lẻ này vừa kịp về đích.
Lũy kế cả năm, Thế Giới Di Động đạt doanh số 122.958 tỷ đồng, tăng 13% so với 2020 và đạt 98% kế hoạch năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của tập đoàn đạt 4.901 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước và vượt 3% so với mục tiêu của cả năm.
Ban lãnh đạo đánh giá việc doanh thu vượt 5 tỷ USD và lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm trong bối cảnh đối diện thử thách chưa từng có trong lịch sử do tác động của dịch Covid-19 khi gần 2.000 cửa hàng phải tạm đóng hoặc hạn chế kinh doanh trong hầu hết quý III là kết quả vượt xa mọi kỳ vọng của công ty.
Trong cơ cấu doanh thu của Thế Giới Di Động, hai mảng bán lẻ điện thoại, điện máy thu về 94.742 tỷ đồng, đóng góp 77% tổng doanh số và tăng trưởng 9% so với cùng kỳ 2020. Riêng các chuỗi, ngành hàng mới đem về hơn 15.000 tỷ đồng trong năm qua.
Năm 2020, doanh thu ngành hàng điện tử của công ty còn đang tăng trưởng âm. Trong khi đó, việc kinh doanh nhóm hàng điện thoại, điện máy năm 2021 còn khó khăn hơn nhiều khi phần lớn các cửa hàng phải dừng kinh doanh trong phần lớn quý III để thực hiện giãn cách xã hội. Theo lãnh đạo công ty, những động lực chính tạo nên kết quả này là nhu cầu về máy tính xách tay, máy tính bảng tăng mạnh trong mùa dịch, hệ thống Điện Máy Xanh supermini được mở rộng nhanh chóng thu về 6.800 tỷ đồng trong năm 2021, mảng kinh doanh online được đẩy mạnh và hệ thống chuyên kinh doanh sản phẩm của Apple - TopZone vừa ra mắt cuối tháng 10 đạt kết quả ban đầu tích cực với doanh số bình quân 15-20 tỷ đồng/tháng/điểm bán.
Trong khi đó, Bách Hóa Xanh đạt doanh thu hơn 28.200 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2020. Riêng kênh bán hàng bách hóa online cũng đem về gần 1.000 tỷ đồng cho công ty.
Thế Giới Di Động cho biết trong năm 2021, chuỗi bách hóa của tập đoàn đã chính thức đạt lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay dương ở cấp độ toàn công ty và hướng đến việc có lãi ròng sau khi hạch toán mọi chi phí trong năm tới.
Cứu tinh từ đầu tư tài chính
Ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi là bán lẻ, nghiệp vụ tài chính cũng đóng một phần quan trọng giúp Thế Giới Di Động vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Tuy nhiên, thông tin này chưa được nhắc đến trong báo cáo kết quả kinh doanh.
Trong năm vừa qua, doanh thu từ hoạt động tài chính của tập đoàn này lên tới 1.266 tỷ đồng, tăng 60% so với 2020. Trong đó, phần lãi tiền gửi tăng đến hơn 70%, đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của Thế Giới Di Động chỉ tăng nhẹ 20% lên 714 tỷ đồng. Điều này giúp khoản lợi nhuận từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp đạt 552 tỷ đồng, tăng đến 176% so với cùng kỳ 2020.
Nếu không có khoản lãi tài chính tăng thêm hơn 350 tỷ đồng nói trên, Thế Giới Di Động đã không thể vượt mục tiêu lợi nhuận 4.750 tỷ đồng. Chính nhờ hiệu quả từ hoạt động đầu tư tài chính, tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu của công ty này tăng từ 3,6% lên 4% trong năm qua dù biên lãi gộp không biến động đáng kể.
Trên bảng cân đối kế toán của mình năm qua, Thế Giới Di Động đã giảm hơn 2.400 tỷ đồng tiền mặt, nhưng bổ sung thêm gần 5.400 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư tài chính ngắn hạn. Song song đó, doanh nghiệp cũng chấp nhận tăng dư nợ thêm gần 8.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tăng vay ngắn hạn.
Trong năm nay, Thế Giới Di Động đang đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 14% lên 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng, tăng đến 30% so với kết quả vừa đạt được.
Trong định hướng của tập đoàn này, ngành hàng điện thoại, điện máy vẫn là trụ cột mang lại dòng tiền, chuỗi bách hóa sẽ tạm ngưng mở mới để tập trung gia tăng doanh thu trên từng điểm bán, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Công ty này cũng cho hay sẽ tập trung cả nguồn lực tài chính, con người để chuỗi nhà thuốc tăng tốc. Bên cạnh đó, 5 chuỗi bán lẻ mới trong các mảng hàng thời trang, thể thao, trang sức, sản phẩm cho mẹ và bé, xe đạp có thể sẽ đóng góp doanh thu, lợi nhuận đáng kể từ năm 2023.