1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đại gia lao vào trận chiến giá rẻ khi điện thoại, laptop hết "đẻ vàng"

Hà Ngân

(Dân trí) - Cầu sản phẩm không thiết yếu thấp khiến các đại gia bán lẻ công nghệ phải lao vào cuộc chiến giá rẻ. Đa phần doanh nghiệp trong ngành đều báo cáo lợi nhuận giảm sâu, thậm chí lỗ kỷ lục.

Trong thời đại công nghệ số, thiết bị công nghệ thay đổi liên tục để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu cùng mong muốn thể hiện đẳng cấp của con người, điện thoại, laptop trở thành "gà đẻ trứng vàng" của các doanh nghiệp bán lẻ. Ngay cả trong dịch bệnh, nhu cầu mặt hàng này càng gia tăng khi việc học tập, làm việc online nở rộ.

Thế nhưng khi dịch bệnh qua đi, người tiêu dùng ưu tiêu những mặt hàng thiết yếu mà trì hoãn việc chi tiêu cho hàng không thiết yếu như công nghệ.

Để kích cầu, không ít doanh nghiệp bán lẻ hàng công nghệ phải chạy theo cuộc chiến giảm giá với khẩu hiệu "giá rẻ quá", "rẻ hơn cả rẻ quá" hay "rẻ hơn các loại rẻ"… Hệ quả, nhiều đơn vị ngậm ngùi ghi nhận kết quả kinh doanh kém lạc quan, thấp nhất trong nhiều năm và thậm chí lỗ kỷ lục.

Cuộc chiến giá rẻ bào mòn lợi nhuận

Mảng điện thoại, điện máy là mảng "gánh team" đem lại lợi nhuận hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi quý của Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) trong khi chuỗi hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh hay nhà thuốc An Khang chìm trong thua lỗ.

Song sự sụt giảm trong nhu cầu hàng công nghệ đã khiến đại gia bán lẻ này phải báo lãi quý II thấp nhất trong lịch sử với 17 tỷ đồng, không bằng con số lẻ trong 1.130 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. 6 tháng, lợi nhuận đạt 39 tỷ đồng, giảm rất sâu so với con số 2.574 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Doanh thu thuần 6 tháng giảm 20% xuống 56.570 tỷ đồng, chủ yếu giảm trong mặt hàng công nghệ. Doanh nghiệp cho biết sức mua điện thoại và điện máy suy yếu kể từ quý IV/2022 đến nửa đầu năm 2023 chưa cho dấu hiệu phục hồi (trừ sản phẩm máy lạnh và quạt do yếu tố mùa vụ).

Dù chấp nhận bỏ lợi nhuận, tung ra loạt chiến dịch khuyến mãi, giảm giá với khẩu hiệu "giá rẻ quá", doanh thu 2 chuỗi lớn Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh nửa đầu năm giảm 27% so với cùng kỳ năm trước đạt 41.500 tỷ đồng. Trong khi nhờ kinh doanh mặt hàng đáp ứng nhu cầu thiết yếu, doanh thu ngành hàng tiêu dùng tại chuỗi Bách Hóa Xanh lại tăng 7% lên 13.600 tỷ đồng.

Tệ hơn, FPT Retail (mã: FRT) chủ chuỗi FPT Shop báo lỗ ròng hợp nhất quý thứ 2 liên tiếp với 218 tỷ đồng, mức lỗ đậm nhất từ trước đến nay; 6 tháng lỗ 224 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 211 tỷ đồng).

Nguyên nhân là kết quả kinh doanh đi xuống của 2 chuỗi công nghệ FPT Shop và F.Studio By FPT. Doanh thu 2 chuỗi này giảm 18% xuống 3.605 tỷ đồng và lỗ sau thuế 251 tỷ đồng. Công ty cho biết mức độ cạnh tranh trong ngành bán lẻ điện tử tiếp tục diễn ra mạnh mẽ khi mà các nhà bán lẻ cạnh tranh giá bán để giành thị phần.

Tổng doanh thu trong quý II của FPT Retail vẫn tăng 15,4% lên 7.170 tỷ đồng nhờ vào chuỗi nhà thuốc Long Châu. Công ty cho biết chuỗi này đã mở mới 565 cửa hàng so với quý II/2022 nên đóng góp đáng kể vào tăng trưởng hợp nhất. Song, chuỗi đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng nên lợi nhuận còn thấp chưa đủ bù đắp mảng điện tử.

Doanh nghiệp bán buôn Digiworld (mã: DGW) công bố doanh thu nửa đầu năm giảm 28% xuống 8.556 tỷ đồng, lãi ròng giảm hơn một nửa xuống 162 tỷ đồng. Riêng quý II, doanh thu giảm 6% xuống 4.596 tỷ và lợi nhuận giảm 39% xuống 83 tỷ đồng. Sự sụt giảm ghi nhận chủ yếu ở mảng điện thoại di động - mảng luôn đóng góp doanh thu lớn nhất cho Digiworld.

Trong quý II, nhờ đẩy mạnh bán hàng điều hòa và phân phối thêm thương hiệu điện thoại mới là Nokia và Realme, doanh thu thuần Petrosetco (mã: PET) tăng 30% lên 4.504 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường sụt giảm, các sản phẩm đồng loạt giảm giá nên biên lợi nhuận gộp của công ty giảm từ 8,46% xuống 3,31%, lãi ròng giảm từ 15 tỷ về 3 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu Petrosetco tăng nhẹ lên 8.759 tỷ đồng nhưng lợi nhuận bốc hơi 57% xuống 35,6 tỷ đồng.

Nhìn chung, trong bối cảnh cầu yếu thì điện thoại, laptop không còn là "gà đẻ trứng vàng" cho các doanh nghiệp bán lẻ, bán buôn hàng công nghệ. Đa phần các doanh nghiệp đều phải giảm giá mạnh để kích cầu, tiêu thụ hàng tồn.

Do đặc tính của hàng công nghệ có tính thay thế cao, các hãng sản xuất luôn luôn đưa ra mặt hàng mới với mẫu mã, tính năng ngày càng cải thiện nên hàng cũ sẽ bị mất giá nhanh chóng và khó tiêu thụ hơn nếu để tồn kho lâu.

Giải phóng được hàng tồn

Cuộc chiến giá rẻ khiến biên lợi nhuận giảm sâu nhưng lại giúp các doanh nghiệp giảm được hàng tồn kho, giảm áp lực cạnh tranh về giá trong nửa cuối năm.

Theo SSI Research, cạnh tranh giá thể hiện rõ ràng nhất giữa sản phẩm iPhone vì các doanh nghiệp bán lẻ chịu áp lực giải phóng hàng tồn kho cũ trước khi mẫu mới ra mắt (dự kiến vào tháng 10 tới đây). Sản phẩm Apple chiếm 40 - 50% doanh thu FPT Shop, khoảng 13% doanh thu Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Động, chiếm 20% doanh thu Digiworld. 

Số liệu đến cuối quý II cho thấy Thế Giới Di Động đã giảm đáng kể hàng tồn kho so với đầu năm. Giá trị hàng tồn kho giảm từ 25.696 tỷ đồng xuống 21.874 tỷ đồng. Doanh nghiệp giảm tồn kho ở hầu hết mặt hàng từ thiết bị điện tử, máy tính xách tay, điện thoại di động, thiết bị gia dụng cho đến hàng tiêu dùng.

Mặc dù tăng tốc mở mới hàng trăm cửa hàng Long Châu nhưng FPT Retail cũng giảm gần 500 tỷ đồng hàng tồn kho xuống 6.092 tỷ đồng, chủ yếu giảm hàng tồn ở 2 chuỗi FPT Shop và F.Studio By FPT.

Digiworld giảm 20% giá trị hàng tồn kho xuống 2.759 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại tăng mạnh khoản phải thu khách hàng gấp rưỡi lên 2.228 tỷ đồng.

Theo thuyết minh, doanh nghiệp bán hàng chưa thu tiền nhiều cho các chuỗi công nghệ như Thế Giới Di Động, FPT Retail và Phong Vũ. Cụ thể, khoản phải thu từ Thế Giới Di Động tăng từ 80 tỷ lên 750 tỷ đồng, FPT Retail tăng từ 13 tỷ lên 215 tỷ đồng và Phong Vũ tăng từ 67 tỷ lên 119 tỷ đồng.

Ngoài ra, cuộc chiến giá rẻ cũng đem lại thêm thị phần cho các "ông lớn" khi các chuỗi nhỏ không chịu được "nhiệt". Đầu tư Thế Giới Di Động cho biết có sự gia tăng thị phần ở nhiều nhóm hàng, đặc biệt là sản phẩm Apple. Việc thống lĩnh được thị trường sẽ giúp doanh nghiệp lớn như MWG có lợi thế khi thương thảo với nhà cung cấp và khách hàng trong dài hạn.

Khi nào phục hồi?

Dù ghi nhận kết quả kinh doanh kém nhưng đa phần cổ phiếu bán lẻ đều tăng giá thời gian qua. Điều này thể hiện kỳ vọng rằng sức mua đã chạm đáy và sẽ bật dậy từ quý III trở đi.

Cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế Giới Di Động tăng giá 37% từ cuối tháng 5 tới nay, tăng từ vùng 37.700 đồng lên 51.700 đồng/cổ phiếu. Cùng khoảng thời gian, mã chứng khoán FRT tăng từ 54.600 đồng lên 76.200 đồng/cổ phiếu, tức tăng gần 40%. Cổ phiếu DGW có mức tăng mạnh nhất gần 60%, chạy từ 33.000 đồng lên 53.100 đồng/cổ phiếu.

Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Digiworld, cho rằng quý I đã là đáy của nhu cầu thị trường tiêu dùng. Digiworld cũng như các công ty trong ngành đều đạt mức doanh thu tháng 6 cao nhất từ đầu năm, tháng 7 cải thiện hơn nữa. Xét theo quý thì quý II tăng trưởng so với quý I và dự kiến quý III cũng có tăng trưởng so với quý II.

Ông Việt nhận định vào quý cuối năm, chu kỳ tăng trưởng dương sẽ quay trở lại nhờ Apple ra mắt iPhone 15 và doanh thu máy tính xách tay cao hơn vào mùa tựu trường. Nửa cuối năm 2024 được kỳ vọng bùng nổ nhờ cộng hưởng chu kỳ thay mới sản phẩm và bối cảnh nền kinh tế tốt hơn, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trở lại, đặc biệt là laptop và điện thoại di động.

Một số công ty chứng khoán nhận định dự báo cầu tiêu dùng không thiết yếu vẫn yếu cho đến hết quý II và III, sự phục hồi bắt đầu từ cuối năm nay. Lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp bán lẻ có thể đã chạm đáy trong nửa đầu năm, đang đà phục hồi. Động lực tới từ việc giải ngân các khoản vay tiêu dùng, điều kiện kinh tế vĩ mô cải thiện...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm