Đại gia địa ốc: "Còn mỗi nhà tôi, mua không?"
Phải bán hàng chục lô đất để trả nợ ngân hàng hay lâm vào cảnh gia đình tan nát vì những món nợ khổng lồ,…đó là những “trái đắng” mà nhiều đại gia địa ốc đang phải gánh chịu khi thị trường đi xuống.
Đại gia bất động sản thành “đại nợ”
Từng khiến bạn bè trong giới địa ốc phải ngưỡng mộ khi sở hữu hàng chục mảnh đất tại nhiều dự án, giờ đây anh Long (Hà Nội) đành phải ngậm ngùi bán vội đi với giá rẻ để trả món nợ ngân hàng đã đến lúc đáo hạn.
Từ một chủ cửa hàng buôn vải nhỏ trên phố Kim Mã (Hà Nội), anh Long đã nhanh chóng trở thành một đại gia nhà đất khá nổi. Thời làm ăn tốt, có tháng anh bán được vài ba dự án, thu nhập cũng vài tỷ đồng.
Theo nhiều người bạn anh trong giới địa ốc, sở dĩ anh giàu nhanh là nhờ có nhiều mánh. Chủ yếu do tài ăn nói khéo léo nên anh rất dễ “dụ” khách mua hàng, còn với chủ đầu tư, họ cũng rất quý anh vì chịu “chi đẹp”.
Cứ thế, dần dà từ số vốn vài trăm triệu đồng ban đầu, do cầm cố sổ đỏ nhà vay ngân hàng, anh Long trở thành một đại gia sở hữu tới hàng chục lô đất và căn hộ tại nhiều dự án. Có đất, anh lại đi cầm cố để tiếp tục vay ngân hàng đầu tư tiếp.
Công việc làm ăn của anh lẽ ra sẽ vẫn “thuận buồm xuôi gió” nếu như thị trường tốt. Thông thường, thời kỳ năm 2009, để bán lại mỗi lô đất anh chỉ mất khoảng 1 tháng, nên việc trả lãi ngân hàng được thực hiện rất đầy đủ và đúng hẹn.
Nhưng từ cuối năm 2010, thị trường bắt đầu đi xuống, dự án của anh rao bán tràn lan trên mạng, thậm chí anh sẵn sàng chịu phí tới 1 – 2% để nhờ một số sàn bán hộ, nhưng vẫn không có ai hỏi mua.
Không bán được dự án, trong khi lãi suất ngân hàng năm 2011 lại quá cao (có những thời điểm lên tới 30%), lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ ngân hàng tăng cao, khiến anh Long đành phải bấm bụng bán vội nhằm cắt lỗ.
Theo anh Trung, một cò đất thường xuyên có mặt tại dự án Vân Canh, mấy tháng nay, hầu như tuần nào cũng thấy “đại gia” Long dẫn khách xuống xem nhà, đất. Khách dẫn nhiều, nhưng hình như không mấy ai muốn mua.
“Trước kia, nhiều người hỏi lô đất của anh Long lắm, trả giá cũng cao, toàn 35 – 40 triệu/m2, vì vị trí đẹp, ngay sát đường lớn. Nhưng anh ấy kiêu, không bán. Giờ thì dẫn khách đến tận nơi mà cũng không ai mua. Nghe đâu, tháng trước anh này bị ngân hàng đến tịch thu nhà riêng ở Kim Mã do chậm trả nợ, nên phải bán tống bán tháo toàn bộ 2 lô đất và 3 căn biệt thự ở Vân Canh cho một Việt kiều Mỹ với giá chỉ trên 20 triệu đồng/m2”, anh Trung cho biết.
Không chỉ dự án ở Vân Canh, do số tiền vay để đầu tư trước đó quá lớn, cộng với nhiều dự án đến hạn phải nộp tiền theo tiến độ, nên hầu hết các suất đất ở các dự án khác anh cũng đều chấp nhận lỗ nặng để đẩy hàng đi.
Trong vai một khách hàng mua nhà đất, chúng tôi gọi điện cho anh Long, thì nhận được câu trả lời ngán ngẩm: “Tôi hết đất rồi. Còn có căn nhà đang ở thôi. Chị mua không, tôi đang cần bán để gán nợ nốt ngân hàng đây”. Nói rồi, anh Long cúp máy, chưa kịp để khách hỏi giá.
Đến tha phương!
Trong một lần khác, khi trò chuyện với Phó Tổng Giám đốc một công ty bất động sản lớn tại Hà Nội về tình trạng “vỡ tín dụng đen” hiện nay, tôi được vị Phó Tổng giám đốc này kể cho nghe câu chuyện của một người bạn ông, cũng từng là một đại gia có tiếng trong giới địa ốc. Câu chuyện vỡ nợ thì không có gì mới, vẫn là do giàu lên nhờ vay nợ, mua đi bán lại dự án, ăn tiền chênh lệch. Nhưng chuyện sau khi vỡ nợ thì lại rất đáng để quan tâm.
Vị “đại gia” này tên Tiến, từng làm kỹ sư xây dựng cho một công ty ở Quảng Ninh. Sau đó, do có tài năng, nên anh này được mời về Hà Nội làm trưởng phòng kỹ thuật cho một công ty xây dựng tư nhân.
Cũng từ đây, anh Tiến bắt đầu có nhiều mối quan hệ trong lĩnh vực xây dựng. Nhận thấy việc làm công ăn lương khó giàu lên được, dù lương trưởng phòng của anh cũng khoảng 20 triệu/tháng. Nhờ mối quan hệ anh bắt đầu chuyển sang buôn bán đất cát. Tuy nhiên, do không có vốn ban đầu nên anh đành mượn tạm sổ đỏ của anh chị em họ hàng 2 bên nội, ngoại để đi vay ngân hàng. Do anh trả tiền lãi cao, cộng với suốt 2 năm trời, tiền trả đều rất đúng hẹn, nên họ hàng tỏ rất tin tưởng anh, không ai có ý muốn đòi lại sổ đỏ.
Giống như anh Long, công việc làm ăn của anh Tiến lẽ ra sẽ rất suôn sẻ nếu như thị trường tốt, thế nhưng do thị trường đi xuống nên anh Tiến cũng lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất. Điều đáng ngại, do không có tiền trả ngân hàng, trong khi không bán được dự án, nên anh Tiến không có cách nào để lấy lại sổ đỏ của người thân đã cầm cố.
Đi vay bạn bè, thì ai cũng lắc đầu vì thời buổi khó khăn, ai cũng phải thắt lưng buộc bụng, lấy đâu ra tiền để cho anh vay. Sức ép từ ngân hàng đã đành, sức ép từ người thân càng khiến anh rơi vào cảnh cùng quẫn.
Ngày nào hai vợ chồng anh cũng hục hặc to tiếng cãi nhau vì người nhà vợ mắng nhiếc, đòi sổ đỏ. Do bị người nhà tụ tập, đòi nợ, nên anh Tiến nhiều đêm đành phải thuê khách sạn để trốn, điện thoại cũng phải tắt, dùng thêm 1 số khác.
Những tưởng thị trường sẽ sớm tốt lên, nhưng đợi mãi vẫn vậy, dự án không bán được, không có tiền trả nợ, anh Tiến đành phải để lại hồ sơ các dự án đã mua cho vợ để đưa tạm trả cho người thân. Còn bản thân anh Tiến thì bỏ đi đâu, không ai biết.
“Bất động sản tạo nên những “đại gia” rất nhanh, nhưng cũng tạo ra những “đại nợ” rất nhiều. Tuy chưa có đại gia cỡ bự nào thực sự phá sản, nhưng những đại gia tầm trung thì đã phải ngậm trái đắng khá nhiều rồi”, vị Phó Tổng Giám đốc công ty bất động sản tâm sự.
Theo Châu Anh
VTC