Đại gia bia chi hàng trăm, nghìn tỷ đồng cho quảng cáo, khuyến mãi

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Sabeco chi gần 1.031 tỷ đồng cho quảng cáo, khuyến mãi trong nửa đầu năm, còn Habeco hơn 270 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp chi cả tỷ đồng để tiếp thị sản phẩm.

Chi hàng tỷ đồng mỗi ngày cho quảng cáo

Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã chứng khoán: SAB) trong nửa đầu năm chi gần 1.031 tỷ đồng cho khuyến mãi, quảng cáo. Số này vẫn thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 59% tổng chi phí bán hàng. Tính trung bình mỗi ngày, Sabeco dành khoảng 5,7 tỷ đồng để quảng cáo, khuyến mãi sản phẩm.

Đối với Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - mã chứng khoán: BHN), chi phí quảng cáo, khuyến mãi cũng không kém cạnh. Trong nửa đầu năm, Habeco chi hơn 270 tỷ đồng cho khuyến mãi, quảng cáo, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 47% tổng chi phí bán hàng. Tính trung bình mỗi ngày, công ty chi 1,5 tỷ đồng.

Đại gia bia chi hàng trăm, nghìn tỷ đồng cho quảng cáo, khuyến mãi - 1

Doanh nghiệp chi hàng tỷ đồng cho khuyến mãi, quảng cáo bia (Ảnh: SAB).

Chi phí cho quảng cáo, khuyến mãi luôn chiếm phần lớn tỷ trọng chi phí bán hàng của 2 doanh nghiệp đầu ngành bia. Mỗi năm, Sabeco chi hàng nghìn tỷ đồng cho phần việc này. Năm 2023, chi phí quảng cáo và khuyến mãi là 2.814 tỷ đồng. Năm 2022, con số này cao hơn, đạt 3.068 tỷ đồng.

Tại Habeco, năm 2023 công ty dành 591 tỷ đồng cho chi phí quảng cáo, khuyến mãi. Năm 2022, chi phí này cũng cao hơn, đạt 700 tỷ đồng.

Điều gì khiến các hãng bia mạnh tay chi tiền quảng cáo?

Ngành đồ uống, rượu, bia, nước giải khát liên tục gặp nhiều vấn đề khó khăn từ năm 2020 đến nay, theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA). 

Theo số liệu từ VBA, Heineken Việt Nam - doanh nghiệp chiếm thị phần bia lớn nhất cả nước - lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ - đã chứng kiến sự sụt giảm 2 con số trong năm 2023.

Sabeco từ năm 2021 tới nay cũng chứng kiến tăng trưởng âm so với năm 2019 cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận từ 1 tới 2 con số. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20-40%, trong khi giá bán không thể tăng. Habeco với thương hiệu bia Hà Nội nổi tiếng cũng phản ánh năm 2023 sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 30% so với năm 2019, ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động.

Thị trường chung khó khăn có thể là động lực khiến các hãng bia mạnh tay chi quảng cáo, khuyến mãi để thu hút, lôi kéo khách hàng. Tuy nhiên, cho dù "tụt dốc" chỉ tiêu sản lượng, doanh thu như báo cáo của VBA thì các doanh nghiệp ngành bia vẫn duy trì mức biên lợi nhuận gộp khá cao. 

Năm 2022, Sabeco đạt biên lợi nhuận gộp 30,5% trong khi con số này với Habeco là 27,2%. Năm 2023, Sabeco ghi nhận con số 29,6% còn Habeco là 24,2%.

Nhờ vậy, cả Sabeco và Habeco đều lãi lớn qua các năm dù đang có dấu hiệu giảm. Năm 2023, Sabeco lãi 4.255 tỷ đồng, giảm 23% so với năm trước.  Trong khi đó, Habeco lãi 354 tỷ đồng, giảm 30%.

Biên lợi nhuận gộp của cả 2 doanh nghiệp vẫn tiếp tục giữ được mức cao trong nửa đầu năm nay. Tại Sabeco, con số này là 29,5% còn Habeco là 25%.

Cả 2 doanh nghiệp vẫn ghi nhận lợi nhuận cao nửa đầu năm, trong đó Sabeco lãi 2.342 tỷ đồng còn Habeco lãi 151 tỷ đồng.