1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đại biểu Quốc hội nghi ngờ có nhóm lợi ích đứng sau BOT

(Dân trí) - “Tôi cho là có điểm gì đó đã tạo điều kiện cho các BOT luồn lách, từ đó làm thất thoát tiền của Nhà nước, đặc biệt là làm tăng thêm phí đối với người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến đường BOT” – đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói với phóng viên Dân Trí sau vụ việc phát hiện chênh lệch thu phí trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Như đã đưa tin, mới đây, sau khi Đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, giám sát đột xuất công tác thu phí tại các trạm thu phí đường bộ trên tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ đã cho thấy, mỗi ngày các trạm này thu về xấp xỉ 2 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) - cổ đông sở hữu 18% vốn điều lệ Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đặt vấn đề về sự gian lận trong thu phí tại tuyến đường này thì mức bình quân được báo cáo chỉ là 1,2 tỷ đồng/ngày, thấp hơn 800 triệu đồng/ngày so với con số thực thu trong thời gian giám sát.

Chiều ngày 25/7, phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Ngọc Phương, tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình về vấn đề này:

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Qua chênh lệch số thu phí BOT giữa báo cáo và thực tế lên tới 800 triệu đồng/ngày tại tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ, ông có đánh giá như thế nào về vấn đề minh bạch trong thu phí BOT hiện nay?

- Có thể nói, đây là vấn đề mà lâu nay các đại biểu rất nghi ngờ nhưng chưa có cơ sở để làm rõ tính minh bạch của các công trình BOT.

Gần đây, Bộ Tài chính, Tổng cục Đường bộ và các cơ quan đã vào kiểm tra giám sát, một số báo chí cũng đã thực nghiệm kiểm tra. Từ những chênh lệch tại dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ để thấy rằng, kinh phí BOT đang có vấn đề mà Chính phủ cần phải điều tra, làm rõ và phải quy trách nhiệm, xử lý trong thời gian tới.

Nói là quy trách nhiệm nhưng cụ thể thế nào?

- Trong quy trách nhiệm, thứ nhất là phải làm rõ những đơn vị liên quan đến xét duyệt dự án, vì việc xét duyệt dự án, theo tôi, là không minh bạch.

Thứ hai, tôi cho là có điểm gì đó đã tạo điều kiện cho các BOT luồn lách, từ đó làm thất thoát tiền của Nhà nước, đặc biệt là làm tăng thêm phí đối với người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến đường BOT.

Với vai trò của mình, Quốc hội sẽ tham gia giám sát vấn đề này như thế nào thưa ông?

- Sáng 25/7, Thường vụ Quốc hội cũng đã công bố chương trình giám sát, một trong những nội dung được rất nhiều đại biểu đồng tình đó là giám sát vấn đề đầu tư và thu phí BOT hiện nay.

Việc thứ hai, thông qua lượng thông tin báo chí, Quốc hội sẽ có những ý kiến tại Nghị trường, phản ánh trên các thông tin đại chúng và buộc các nhà đầu tư BOT phải làm rõ, minh bạch những nghi án gian lận của mình, và đồng thời các cơ quan chức năng phải vào cuộc, làm rõ, trả lời cho đại biểu trong vấn đề thực hiện thu phí BOT hiện nay.

Thực tế cho thấy rằng, với việc báo cáo giảm số phí thu về thì nhẽ ra dự án 11 năm đã hoàn vốn nhưng khoảng thời gian này lại được kéo dài đến 17-18 năm. Quốc hội có giám sát được vấn đề này không?

- Thứ nhất, Quốc hội sẽ không trực tiếp giám sát bằng những hành động cụ thể mà Quốc hội có chủ trương, có Nghị quyết của Quốc hội để giám sát. Sau đó, Quốc hội yêu cầu các cơ quan chức năng như kiểm toán, tài chính, các cơ quan của Chính phủ, của Quốc hội sẽ làm rõ vấn đề này.

Chắc chắn rằng, khi các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, Quốc hội đã quan tâm đến vấn đề đó, đã có nội dung đưa vào chương trình giám sát thì các vấn đề liên quan tới BOT sẽ được làm rõ, minh bạch để từ đó lấy lại niềm tin trong quần chúng nhân dân.

Khóa này có một vị ĐBQH cũng là chủ một doanh nghiệp BOT. Vị đại biểu đó từng nói rằng, đầu tư BOT chẳng qua là “lấy công làm lãi”. Ông có bình luận gì về câu nói trên?

- Phát biểu của vị đại biểu đó hoàn toàn mang tính cá nhân và trong đó có che giấu những điều thiếu minh bạch của BOT hiện nay.

Tôi cho rằng, trong vấn đề BOT, ngoài việc báo cáo không trung thực về số thu phí thì còn một điểm mà cử tri cũng như ĐBQH rất quan tâm đó là gian lận trong quá trình lập dự án. Có thể, dự án đó đã được nâng khống lên, chính vì thế nên yêu cầu phải kéo dài thời gian thu phí.

Bây giờ khi ngân sách Nhà nước khó khăn, là một phương thức huy động nguồn vốn xã hội, BOT trong thời gian tới sẽ còn phát triển. Theo ông, làm thế nào để chúng ta vừa có thể đạt được mục tiêu xã hội hóa lại vừa có thể đảm bảo được lợi ích người tiêu dùng khi mà đang có nghi vấn gian lận, lợi ích nhóm tại các BOT như hiện nay?

- Phải khẳng định rằng, BOT phương thức đầu tư tốt thực hiện chủ trương xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng.

Thời gian 5 năm qua dưới thời Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cho thấy hệ thống cơ sở hạ tầng của chúng ta có những bước tiến rất vượt bậc. Sự cải thiện đó đã góp phần tạo niềm tin của người dân đối với Quốc hội, với Chính phủ và đấy cũng chính là thể hiện bước tiến của quốc gia trên bước đường phát triển kinh tế, làm cho lưu thông phát triển nhanh hơn, tốt hơn, thuận lợi hơn.

Tất nhiên, qua quá trình thực hiện, BOT đã bộc lộ những vấn đề, như một số doanh nghiệp có chất lượng xây dựng hạn chế; trong quá trình thẩm tra, thẩm định dự án, các cơ quan chức năng và một số tổ chức, cá nhân thiếu minh bạch, làm chưa rõ. Chính vì thế, hạn chế của BOT đó là làm thất thoát của Nhà nước hoặc đội vốn lên, kéo dài thời gian thu phí để thu về lợi nhuận cho nhóm lợi ích và cho một số cá nhân.

Trong thời gian sắp tới, việc phát triển BOT trong đầu tư xây dựng cơ bản và xã hội hóa ở các lĩnh vực khác là rất cần thiết. Tất nhiên để chống thất thoát trong BOT thì yếu tố rất quan trọng là khâu lập dự án, thẩm định dự toán và triển khai giám sát quá trình tổ chức thực hiện các dự án BOT phải thật chặt chẽ.

Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp thực hiện

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm