Tranh luận gay gắt về thu phí ở dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ

(Dân trí) - Tại tọa đàm về “Minh bạch - Hiệu quả các dự án BOT, cách nào?”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đặt khá nhiều câu hỏi khá "hóc" cho Thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Nguyễn Hồng Trường. Cuộc tranh luận, hỏi đáp giữa các bên đã nói nên nhiều điều mà người dân cũng đang rất quan tâm.

Cuộc hội thảo đề cập đến những bất cập về các dự án đầu tư, xây dựng các đường giao thông bằng hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), đặc biệt, vấn đề minh bạch thu phí, minh bạch suất đầu tư, tổng vốn đầu tư dự án. Đặc biệt, mới đây, tại dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, do 3 liên danh nhà đầu tư tham gia, sau khi xây dựng xong và đưa vào thu phí, có nhà đầu tư đứng ra yêu cầu giám sát việc thu phí tại tuyến đường này vì nhận thấy những bất thường về thu vé, bởi đây là tuyến có đông phương tiện qua lại.


Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường (ảnh Tiền Phong)

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường (ảnh Tiền Phong)

Tại tọa đàm, khi được đề cập đến thông tin có hay không việc chênh lệch thu phí tại Pháp Vân – Cầu Giẽ từ đại diện báo Tiền Phong, Thứ trưởng Hồng Trường khẳng định:"Qua kết quả kiểm tra mà Bộ này có được, hiện nay, chênh lệch là rất nhỏ". Ngoài ra, ông Trường còn khẳng định: "Việc 1 nhà đầu tư tự ý giám sát lưu lượng xe là sai quy định".

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung hỏi: "Tôi muốn đặt câu hỏi cho Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường là khi người dân không tin vào những con số của nhà đầu tư tại sao Bộ GTVT không lập tổ khảo sát độc lập? Tại sao Bộ luôn từ chối?". Thứ trưởng Trường giải thích: "Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ có vấn đề nổi lên, đây là liên doanh 3 nhà đầu tư, sau đó Cienco 1, do quá trình cổ phần hóa, chuyển nhượng 17% cho nhà đầu tư Thái Sơn, phía Thái Sơn yêu cầu minh bạch".

"Về nguyên tắc mà nói, trong hội đồng cổ đông, tất cả thu phí đều minh bạch, được quyền giám sát, kiểm soát lẫn nhau. Nếu anh không đồng tình, có thể mời cơ quan pháp luật mời vào giúp, hoặc tư vấn độc lập để giúp anh. Sau đó chúng tôi nhận được đề xuất của Thái Sơn, chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra và có báo cáo kết quả. Đoàn làm liên tục, qua kiểm tra, hiện nay tất cả trung tâm kiểm soát được kết nối… đều được kiểm soát. Chúng tôi sẵn sàng mời tất cả các cơ quan nào vào kiểm soát, nhưng phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền", ông Trường nói.

Tự lắp camera theo dõi đối tác là không đúng

Cũng theo vị Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Sau khi chúng tôi kiểm tra giải thích và Thái Sơn đã đồng ý, số doanh thu phần nào phản ánh đúng. Chúng tôi cho rằng việc một nhà đầu tư trong liên doanh đặt camera kiểm soát là không đúng vì camera phải được cơ quan nhà nước kiểm tra cấp phép mới được đặt như vậy".

T.S Nguyễn Đình Cung hỏi tiếp: “Quy định nào của Nhà nước yêu cầu camera phải được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cấp phép mới được quay? Quy định nào yêu cầu camera phải được kiểm định mới được phép theo dõi xe?”

T.s Nguyễn Đình Cung, Viện Trưởng Viện CIEM (ảnh Tiền Phong)
T.s Nguyễn Đình Cung, Viện Trưởng Viện CIEM (ảnh Tiền Phong)

Về câu hỏi trên, Thứ trưởng Trường trả lời: “BOT là vốn chủ đầu tư đi vay làm đường, nhưng đường đó phải được quản lý, bất kỳ động thái nào từ tăng phí, dừng phí phải được cơ quan Nhà nước cho phép. Tất cả động thái đó phải qua cơ quan Nhà nước. Đơn vị đầu tư làm thế không theo quy định nào của Nhà nước cả, chứ chưa nói đến là vô ý thức”.

Chưa có cơ sở nào nói thu phí một ngày được 3, 5 hay 7 tỷ đồng.

Đại diện báo Tiền Phong nêu:"Thưa Thứ trưởng, mấy ngày gần đây, chúng tôi nhận được nhiều thông tin, thu phí đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ không phải là 3 tỷ đồng mỗi ngày mà có thể thu được 7 tỷ đồng. Con số này cao hơn nhiều so với con số Nhà đầu tư đưa ra 1 tỷ đồng. Vậy đoàn thanh tra đã có kết quả chưa?".

Thứ trưởng Trường khẳng định: “Con số 3 tỷ đồng, 5 tỷ đồng hay 7 tỷ đồng thì đều chưa có cơ sở tính toán nào để đưa ra. Chúng tôi lấy cơ sở từ kết quả kiểm tra của Tổng cục Đường Bộ, thậm chí chúng tôi phải cử nhân viên Cục Đường bộ trực tiếp đứng giám sát và đứng đó thu phí một ngày mới có thể kiểm tra được". "Vấn đề ở đây là cơ quan thu phí phải báo cáo trung thực, nếu không thì cơ quan quản lý thể dừng thu phí và phạt rất nặng theo quy định hiện nay…Qua kết quả kiểm tra, con số chênh lệch với thực tế là không đáng kể”, ông nói thêm.

T.s Nguyễn Đình Cung tiếp tục cật vấn: “Vậy Bộ có thể công khai cho công chúng biết phương pháp luận để đưa ra kết quả kiểm tra đó không?” Thứ trưởng Trường: "Chúng tôi sẽ công bố, tuy nhiên phải tùy vào thời điểm nhưng không thể công bố quá chi tiết con số này. Chúng tôi dựa trên cơ sở kiểm tra của Cục Đường Bộ, thậm chí chúng tôi để 1 cán bộ của Cục Đường Bộ đứng đó để kiểm tra một ngày. Chúng tôi yêu cầu phải báo cáo trung thực, sau đó soi chiếu vào kết quả của kiểm tra thì thấy được".

“Bộ GTVT không bao giờ đứng về phía DN, dù chúng tôi thiết tha mời họ vào BOT. Chúng tôi là Cơ quan Nhà nước phải đứng các vai: DN, người dân và Nhà quản lý. Chúng tôi đảm bảo dân có đường đi tốt nhất; đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp khi ký hợp đồng với cơ quan Nhà nước, nếu anh vi phạm chúng tôi dừng thu phí ngay", vị Thứ trưởng nói. "Ở Quản lý Nhà nước là chúng tôi đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích, đấy là chưa nói an toàn cho các ngân hàng thương mại. Người dân có quyền kiểm tra các dự án BOT nếu thấy nghi vấn, yêu cầu các cơ quan như Quốc hội, tổ chức độc lập giám sát nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ở đây là Bộ GTVT”, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định.

Làm đúng nhưng sai quy trình

Ông Cung gợi thêm: “Theo tôi biết, ngay từ đầu, tại sao không lấy ý kiến của người dân để làm thông tin và kiểm tra, giám sát dự án, nhà đầu tư? Tại sao khi DN phát hiện nghi vấn lại phải xin ý kiến cơ quan quản lý mới được quyền yêu cầu giám sát và chủ đầu tư công khai, minh bạch? Tại sao Bộ GTVT không sử dụng đó là nguồn thông tin tham khảo rồi khuyến khích người ta?

Thứ trưởng nói: “Tôi hoàn toàn đồng tình. Ở đây, Công ty Thái Sơn làm đúng nhưng sai quy trình. Đáng lẽ phải xin ý kiến và Bộ GTVT chấp nhận mới được làm”.T.s Cung hỏi lại: Thế quy định nào? Chỗ nào Nhà nước yêu cầu DN giám sát phải xin ý kiến đơn vị chủ quản trong khi hoạt động của họ không vi phạm hoặc can thiệp vào hoạt động bình thường của DN?. Thứ trưởng Trường nói: "Cái đó quy định của pháp luật!

T.S Cung chưa thôi: "Tôi hỏi quy định nào cơ mà!?". GSTS Võ Đại Lược ngắt lời:"Nói dân kiểm tra phải xin phép hoặc DN yêu cầu minh bạch dự án phải được sự chấp thuận của Bộ là không được. Luật quy định, dân được làm những việc Nhà nước không cấm, vậy sao lại không đúng quy định? Sao lại cấm?". Thứ trưởng Trường: “Cơ quan Nhà nước không cấm, nhưng khi làm (Thái Sơn giám sát lượng xe - PV) thì chúng tôi không chấp nhận kết quả”

T.s Cung chưa buông:"Tại sao ngay từ đầu anh lại từ chối kết quả của người ta?". Thứ trưởng đáp: "Tôi phản đối vì làm cái gì cũng phải có quy định của Nhà nước. BOT là vốn chủ đầu tư đi vay làm đường, nhưng đường đó phải được quản lý, bất kỳ động thái nào từ tăng phí, dừng thu phí phải được cơ quan Nhà nước cho phép".

Nguyễn Tuyền (ghi)