Đại biểu: Làm sao để các bên thấy không phải "bị" mà "được" kiểm toán

Ninh An

(Dân trí) - Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước. Nhờ các báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mà các đơn vị được kiểm toán kịp thời sửa chữa, uốn nắn.

Sáng nay (5/6), Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội. 

Nội dung trả lời chất vấn tập trung vào trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán Nhà nước; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán...

Phát biểu cuối cùng tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đánh giá cao về báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt là báo cáo quyết toán về Ngân sách Nhà nước.

Ông Ngân nhận xét vai trò của Kiểm toán Nhà nước rất quan trọng trong việc phòng, chống tiêu cực, sai phạm. Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội đến từ đoàn TPHCM đặt câu hỏi cho Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc đơn vị đã được các cơ quan, doanh nghiệp tự nguyện đăng ký, chủ động mời đến kiểm toán hay chưa.

Đại biểu: Làm sao để các bên thấy không phải bị mà được kiểm toán  - 1

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trong phiên chất vấn sáng nay (Ảnh: Như Ý).

"Tôi nghĩ đây là việc rất cần thiết. Bởi vì trong thời gian gần đây, tôi được đọc các báo cáo Kiểm toán Nhà nước tại TPHCM thì kiểm toán chỉ ra được rất nhiều điểm mà đơn vị được kiểm toán cần phải kịp thời sửa chữa, uốn nắn. Người ta rất cần xem Kiểm toán Nhà nước là ân nhân của mình", ông Ngân phát biểu.

Đại biểu đặt câu hỏi cho Tổng Kiểm toán Nhà nước rằng đơn vị này có phấn đấu theo hướng không phải các đơn vị bị kiểm toán mà họ được Kiểm toán Nhà nước đến và vui mừng đón tiếp Kiểm toán Nhà nước không.

Trả lời đại biểu, ông Ngô Văn Tuấn cho biết nhận thức rõ vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc xác định tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo tài chính thì trong thời gian vừa qua, cơ quan này được rất nhiều Bộ ngành địa phương mời vào kiểm toán. Đặc biệt là đối với các công trình dự án nhạy cảm.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết căn cứ vào nguồn lực, chương trình kế hoạch được Quốc hội giao, công tác kiểm toán hàng năm, đơn vị cũng cân nhắc đưa vào trong kế hoạch hàng năm việc kiểm toán theo yêu cầu của địa phương, các bộ ngành kể cả doanh nghiệp. 

Ông Tuấn lấy ví dụ trong thời gian vừa qua Kiểm toán Nhà nước nhận được rất nhiều yêu cầu của Ủy ban Quản lý vốn tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán, xác nhận quyết toán vốn đối với các đơn vị tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn.

Người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước cho biết căn cứ vào nguồn lực, đơn vị này từng bước đáp ứng yêu cầu, phục vụ công tác điều hành của Chính phủ.