1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tổng Kiểm toán Nhà nước:

Trách nhiệm kiểm toán SCB thuộc về các công ty kiểm toán cho ngân hàng này

Ban Kinh tế

(Dân trí) - Đại biểu đặt câu hỏi về việc kiểm toán với SCB, ông Ngô Văn Tuấn cho biết với SCB, trách nhiệm thuộc về các công ty kiểm toán thực hiện việc kiểm toán tại ngân hàng này.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn bước vào phiên chất vấn hôm nay (5/6). Mở đầu phiên chất vấn, ông Ngô Văn Tuấn có bài phát biểu.

Ông nêu, đến ngày 1/7 năm nay, Kiểm toán Nhà nước kỷ niệm 30 năm thành lập ngành. Lần đầu tiên ông Tuấn trả lời chất vấn trước Quốc hội, ông cảm ơn vì được tạo điều kiện để trình bày về hoạt động ngành - lĩnh vực đặc thù, chuyên môn rất sâu. 

Thời gian qua, Kiểm toán phát hiện những sai phạm, góp phần tăng thu giảm chi, giảm thất thoát tài sản công, kịp thời phá lỗ hổng để chống tham nhũng... Kiểm toán cung cấp hồ sơ tài liệu cho cơ quan chức năng để kịp thời đưa ra đánh giá hành vi tham nhũng, tiêu cực. 

Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán, nội dung chất vấn sẽ tập trung vào: Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán Nhà nước; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán...

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn chịu trách nhiệm trả lời chính. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Trước đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đã có báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tại báo cáo này, ông Ngô Văn Tuấn cho biết, kết quả kiểm toán thời gian qua của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán.

Công tác quản lý, điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ còn hạn chế; việc xác định phương án tài chính, thời gian thu hồi vốn của các hợp đồng BT, BOT có nhiều bất hợp lý...

Trách nhiệm kiểm toán SCB thuộc về các công ty kiểm toán cho ngân hàng này - 1

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn tại nghị trường Quốc hội sáng 5/6 (Ảnh: Như Ý).

Thông qua đó, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra các kiến nghị giúp các đơn vị được kiểm toán, các cơ quan quản lý nhà nước chấn chỉnh công tác quản lý tài chính - ngân sách, kế toán, ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, tham ô, lãng phí, thất thoát tiền, tài sản nhà nước; giúp các đơn vị hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý của mình, đảm bảo quản lý, sử dụng tiền tài sản nhà nước đúng pháp luật và có hiệu quả.

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cũng đã cung cấp những thông tin xác thực về tình hình quản lý điều hành ngân sách, tiền và tài sản nhà nước và có nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ góp phần sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, trong 5 năm gần nhất (từ năm 2019 đến năm 2023), Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo kiểm toán, đã kiến nghị 331.367,4 tỷ đồng, gồm tăng thu ngân sách Nhà nước 30.539,6 tỷ đồng; giảm chi ngân sách Nhà nước 96.183,8 tỷ đồng; kiến nghị khác 204.644 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung 1.069 văn bản gồm 14 văn bản Luật, 01 nghị quyết của Quốc hội; 16 Quyết định; 42 Nghị định; 124 Thông tư và 872 văn bản khác; 663 báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. KTNN đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý tài chính, tài sản công; thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Hoạt động kiểm toán góp phần quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước ngày càng được công khai, minh bạch; nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đã được phát hiện và xử lý nghiêm; nhiều cơ chế, chính sách chưa phù hợp đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, góp phần hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính, tài sản công.

Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Kiểm toán Nhà nước hiện phát huy vai trò, hiệu quả chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, số vụ chuyển cơ quan điều tra còn hạn chế.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực. Đáng chú ý như, đối với kiến nghị kiểm toán năm 2022 (niên độ kiểm toán năm 2021), đến 31/12/2023 các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước 31.719 tỷ đồng đạt tỷ lệ 92%; kiến nghị khác 30.566 tỷ đồng đạt tỷ lệ 83%.

Ngoài ra, đối với các kiến nghị kiểm toán trước năm 2022, trong năm 2023 các đơn vị được kiểm toán đã tiếp tục thực hiện thêm 10.302 tỷ đồng. Số kiến nghị chưa thực hiện đến 31/12/2023 là 67.513 tỷ đồng (thời điểm 31/3/2023 đã báo cáo Ủy ban Tài chính Ngân sách là 108.180,2 tỷ đồng).

Về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, Kiểm toán Nhà nước đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, kiểm soát quyền lực và đấu tranh, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong nội bộ ngành; tăng cường các cuộc thanh tra công vụ, kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất các cuộc kiểm toán.