Đặc sản miền quê "chu du" trên bàn nhậu, khách muốn ăn phải xếp hàng chờ

(Dân trí) - Những món ăn dân dã, nổi tiếng ở miền quê như tằm lá sắn, dế mèn, châu chấu khi "bước chân" lên thành phố bỗng "đổi đời", trở thành đặc sản hạng sang, khiến thượng khách săn lùng ráo riết.

 Tằm lá sắn

Được dân buôn quảng cáo là món ăn "đại bổ như sâm", tằm lá sắn đang là mặt hàng được nhiều người tìm mua, săn lùng ráo riết. Giá cho mỗi cân đặc sản này hiện dao động 120.000 - 150.000 đồng.

Sau 3 tiếng chào hàng trên chợ mạng, chị Hải Thu (Phú Thọ) đã bán hết mẻ tằm lá sắn mà nhà chị vừa nuôi. Giá cho mỗi cân đặc sản này dao động 120.000 - 150.000 đồng. Khách mua đa phần là các quán nhậu, nhà hàng chuyên đồ rừng ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Nội.
 

Theo chị Thu, sở dĩ món ăn có tên gọi là tằm lá sắn hay tằm sắn là để phân biệt với loại tằm dâu quen thuộc. Thay vì nuôi để nhả tơ thì tằm lá sắn dùng để làm thực phẩm. Nhộng tằm rất giàu đạm, chất béo và chứa nhiều vitamin như  B1, B2, khoáng chất nên được nhiều người ưa chuộng.

"Nhà tôi đã nuôi tằm lá sắn được 3 năm, chủ yếu là cung cấp cho thị trường phía Bắc. Ở đây, cứ khi nào có lá sắn là khi ấy còn mùa tằm. Do nguồn lá sắn ở quê tôi khá dồi dào, cộng thêm khí hậu ấm áp nên rất thích hợp để phát triển mô hình nuôi tằm bán thịt" - chị kể.

Đặc sản miền quê chu du trên bàn nhậu, khách muốn ăn phải xếp hàng chờ - 1

Tằm lá sắn có giá 120.000 - 150.000 đồng/kg

Tương tự, anh Hải Lâm (Tuyên Quang) cho biết, khách muốn mua tằm lá sắn nhà anh đều phải gọi điện trước 2 tuần. Bởi hầu hết tằm nhà anh đều có mối buôn, quán hàng đặt trước, nên anh chỉ dành ra một lượng nhỏ bán ra cho khách lẻ.

"Gần như là nhà tôi nuôi tằm quanh năm, mỗi lứa kéo dài khoảng 18 - 25 ngày. Giá thịt tằm sẽ phụ thuộc lớn vào thời tiết, như mùa đông có giá khoảng 120.000-150.000 đồng/kg, mùa hè chỉ khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg. Thông thường, mỗi lứa tôi nuôi khoảng 1- 2 tạ tằm thịt, trừ hết chi phí cũng bỏ túi khoảng 8 - 12 triệu đồng" - anh nói.

Dế mèn

Hiện nay trên các chợ mạng, nhiều tiểu thương rao bán rầm rộ dế mèn đông lạnh với giá 150.000 - 300.00 đồng/kg, kèm theo những lời quảng cáo có cánh.

Theo tìm hiểu, dế mèn thuộc họ côn trùng, có quan hệ gần gũi với châu chấu, cào cào. Chúng có cơ thể hình trụ, đầu tròn, thân hình nhỏ bé, dài khoảng 2 - 2,5cm, có 4 chân nhỏ và 2 chân sau. Đặc điểm nổi bật của dế là cặp râu dài để tìm đường và kiếm thức ăn.

Đặc sản miền quê chu du trên bàn nhậu, khách muốn ăn phải xếp hàng chờ - 2

Dế mèn, món nhậu khoái khẩu của nhiều người

Vừa rao bán 10 kg dế mèn đông lạnh trên chợ mạng, chị Nguyễn Linh (Hà Nội) đã “cháy hàng” và liên tục khất nợ đơn. Chị cho biết, dế mèn là mặt hàng côn trùng bán chạy nhất ở cửa hàng chị với giá 150.000 đồng/kg.
 

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, chị Linh còn thực hiện mô hình nuôi dế tại nhà. Theo chị, đây là côn trùng có khả năng sinh sản tốt, dễ chăm, thức ăn dễ kiếm, chủ yếu là rau, cám thông thường.

"Dế mèn nhà tôi nuôi chủ yếu là phục vụ cho các quán nhậu và khách lẻ mua online. Giá bán buôn mặt hàng này từ 130.000 đồng/kg, giá lẻ từ 150.000 đồng/kg" - chị nói.

“Tôm bay” 

Những năm gần đây, món “tôm bay” đã trở thành đặc sản xuất hiện trên bàn nhậu mỗi khi hè đến. Tại các chợ online dạo gần đây đang rầm rộ rao bán các loại châu chấu với giá từ 160-250.000 đồng/kg, mỗi bài viết thu hút hàng trăm lượt quan tâm đặt hàng. Loại động vật chuyên “phá hoại” này bỗng dưng được nâng tầm thành đặc sản của đồng quê có mặt trên bàn nhậu.

Đặc sản miền quê chu du trên bàn nhậu, khách muốn ăn phải xếp hàng chờ - 3

Những con châu chấu có tên gọi khác là "tôm bay"

Rao bán đặc sản “tôm bay” trên chợ online, chị Vinh (trú tại Lang Chánh, Thanh Hóa) cho biết, có nhiều loại châu chấu như châu chấu tre, châu chấu voi, châu chấu lúa… nhưng ngon nhất và đắt nhất là loại châu chấu lúa, khoảng 250.000 đồng/kg.

“Khi còn sống, châu chấu lúa có màu xanh lá, khi luộc qua sẽ có màu vàng nhạt, ăn béo, thơm và ngậy. Châu chấu tre là loại rẻ nhất, khoảng 130.000 đồng/kg, có màu vàng cam nhưng ăn không thơm và ngon bằng”, chị Vinh nói thêm.

“Vào mùa lúa hàng năm, châu chấu như một loại “giặc cỏ” phá hoại mùa màng. Mấy năm gần đây, cứ mỗi khi thu hoạch xong lúa người dân trong xóm lại rủ nhau ra đồng bắt châu chấu. Họ đi thành từng nhóm 3-4 người, một đầu dùng lưới giăng thành khung cao khoảng 2 mét, dài hàng chục mét, đầu ruộng bên kia dùng dây buộc các loại túi bóng lùa châu chấu vào lưới”, chị Vinh chia sẻ.