Đặc sản “tôm bay” cháy hàng, khách đặt tiền triệu vẫn bị hủy đơn
Đặc sản châu chấu hay còn gọi là 'tôm bay' có giá hơn 200.000 đồng/kg vẫn không có để bán, khách phải đặt trước mới có hàng, thậm chí có hôm dù đặt trước nhưng vẫn bị hủy đơn vì khan hiếm.
Từ đầu tháng 8 sang tháng 9 là thời điểm bước vào mùa thu hoạch lúa, đây cũng là thời điểm châu chấu xuất hiện nhiều trên các cánh đồng, nhất là ở các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.... Nhiều người dân trúng đậm nhờ săn châu chấu và đây cũng là món đặc sản quý hiếm đối với người dân thị thành.
Châu chấu được nhiều người ví là “tôm bay” vì nó có thân mình thon dài, có nhiều càng giống con tôm.
Anh Hoàng Đồng ở Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết, thời điểm này ở Nghệ An, lúa hè thu đang vào giai đoạn thu hoạch nên lượng châu chấu xuất hiện khá nhiều trên các cánh đồng.
Năm nào vào thời điểm này anh Đồng cùng một số người ở địa phương đi các cánh đồng trong huyện ‘săn’ châu chấu để bán cho thương lái.
Giá châu chấu được thương lái trả khá cao, trung bình khoảng từ 130-150.000/kg nên khi lượng châu chấu trong huyện vơi thì anh Đồng một số người lại sang các đồng lúa ở huyện lân cận như Diễn Châu, Yên Thành, thậm chí vào cả Hà Tĩnh để ‘săn’ loại đặc sản này.
Việc săn loài này cũng đơn giản. Theo anh Đồng, thời điểm châu chấu xuất hiện nhiều trên đồng thì chỉ cần chuẩn bị vợt to có lưới dày rồi ngồi sau xe máy chạy trên trục đường lùa châu chấu bay vào vợt. Còn vào thời điểm châu chấu thưa ít thì dùng lưới dài khoảng 7-10 mét, thậm chí dài hơn để bắt.
"Những ngày châu chấu nở rộ thì mỗi ngày chúng tôi có thể vợt được trên dưới chục cân, bán được khoảng hơn triệu đồng, nhưng cũng có thời điểm ít hơn thì chỉ thu được khoảng 500.000-600.000 đồng mỗi ngày.
Vợt được bao nhiêu đều có người đến thu mua ngay trong ngày. Họ mua để vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc, trong đó Hà Nội là nơi tiêu thụ nhiều nhất”, anh Đồng cho hay.
Nhiều người săn châu chấu cho biết, vào vụ thu hoạch Đông Xuân, nghề săn châu chấu chỉ kéo dài khoảng 10 ngày. Tuy nhiên bước sang vụ Hè Thu, nghề này đánh được 3 - 4 tháng. Thời điểm đầu vụ, giá thu mua lên tới 100.000 - 150.000 đồng/kg. Nghề không vất vả, cực nhọc mà có đến đâu đều bán hết đến đó.
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa châu chấu là chị Thùy Dương ở Kim Giang (Hà Nội) lại dặn người nhà ở Nghệ An thu mua tại đồng rồi đóng gói chuyển ra Hà Nội để bán.
Chị Thùy Dương cho biết, những năm trước không bị dịch bệnh thì việc vận chuyển thuận tiện hơn nên giá châu chấu chỉ khoảng 130.000-150.000 đồng/kg. Mỗi vụ chị bán được hàng tạ châu chấu.
Nhưng năm nay do dịch bệnh, phương tiện vận chuyển khó khăn nên châu chấu trở nên khan hiếm, giá tăng cao gần gấp đôi, từ 200.000-250.000 đồng/kg.
“Đợt này tôi bán để giữ khách thôi chứ lời lãi không được mấy. Ấy thế mà có những ngày hàng chục khách đặt nhưng tôi vẫn phải hủy đơn vì dịch bệnh nên châu chấu không chuyển từ quê ra kịp”, Chị Thùy Dương cho hay.
Theo chị Thùy Dương, thời điểm này châu chấu đang có trứng nên rất béo ngậy, do đó dù giá tăng cao vẫn có khá nhiều người đặt mua. Những năm trước rẻ thì có khách mua 1 lúc 2-3kg, thậm chí 4-5kg, nhưng năm nay đắt nên họ ít, nhiều lắm là 1-2kg.
Trước đây, món này chỉ người ở quê mới thích ăn. Cứ đến mùa thu hoạch lúa thì châu chấu bay đầy đồng, thậm chí tràn cả vào nhà. Người dân chỉ cần dùng vợt nhỏ quay 1 vòng là đủ bữa. Chẳng mất đồng nào lại được bữa lai rai ngon tuyệt.
Nhưng mấy năm nay, không chỉ người dân thôn quê mà người thành phố cũng săn lùng, coi nó như đặc sản khó tìm vì chỉ đến gần mùa thu hoạch lúa mới có.
Từ dân dã trở thành đặc sản đắt đỏ ở thành phố, nhiều người đặt mua ở quê sau đó vận chuyển ra ăn dần.
Món châu chấu này chế biến cũng rất đơn giản, sau khi mua về thì chần qua nước sôi rồi vặt sạch cánh, rút ruột cẩn thận sau đó cho ít mỡ lợn vào chảo đảo đều. Khi châu chấu ngả sang màu vàng cánh gián thì nêm thêm gia vị, ớt, tiêu,… đảo tiếp đến khi châu chấu có màu nâu bóng, thơm giòn thì rắc thêm chút lá chanh thái nhỏ là có thể ăn được.
Nhiều người sành ăn còn tiết lộ bí quyết, khi nấu cho thêm 1 ít nước muối cà là món tôm bay thơm lừng, giòn ngon tuyệt vời.
Chính vì 1 năm có 2 mùa, lại được bắt tự nhiên nên châu chấu quê trở thành món đặc sản đắt tiền của người dân thị thành hiện nay.
Chị Thùy Dương cho biết, từ đầu tháng 8 chị bắt đầu nhận đơn và bán túc tắc đến hết tháng 10. “Giá châu chấu ở quê cũng tăng cao, tiền vận chuyển cũng tăng gấp 3 nên lần này tôi bán để giữ khách là chính chứ xác định lời lãi chẳng được bao nhiêu”, chị Thùy Dương chia sẻ thêm.