Cựu Tổng Giám đốc DongA Bank bị bắt: Sai lầm của "thuyền trưởng"

(Dân trí) - Hơn 23 năm qua, ông Trần Phương Bình được xem là thuyền trưởng, người gây dựng, dẫn dắt DongA Bank và là một tên tuổi "lẫy lừng" trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Qua thời vàng son

Thông tin ông Trần Phương Bình, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) bị bắt làm "rúng động" giới tài chính. Không chỉ ông Bình, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C46) còn tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó Tổng Giám đốc DongA Bank và 3 nhân viên có liên quan.

Ngoài việc tạm giữ, cơ quan công an còn tiến hành khám xét nhà riêng của ông Trần Phương Bình tại quận 2, TPHCM. Các cựu lãnh đạo DongA Bank bị bắt giữ do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng từ năm 2012 trở về trước.

Ông Trần Phương Bình, sinh năm 1958, hiện cư ngụ quận 2, TPHCM. Ông Bình từng làm Tổng Giám đốc DongA Bank từ 1998 và là Phó Chủ tịch HĐQT từ năm 2013 đến 2015. Ông Bình là một trong những người đã gắn bó với DongA Bank từ ngày đầu thành lập. Trước khi "bén duyên" với ngân hàng, ông Bình là một nhà giáo, có nhiều năm giảng dạy kinh tế.


Thông tin ông Trần Phương Bình, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) bị bắt làm rúng động giới tài chính

Thông tin ông Trần Phương Bình, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) bị bắt làm "rúng động" giới tài chính

Hơn 23 năm qua, ông Bình được xem là thuyền trưởng, người gây dựng, dẫn dắt DongA Bank và là một tên tuổi trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ông Bình là người có công lớn trong việc đưa DongA Bank trở thành ngân hàng bán lẻ, ngân hàng có hệ thống ATM tốt nhất về công nghệ. Tại Việt Nam, DongA Bank là ngân hàng đầu tiên tự chế tạo ra được máy ATM bán vàng tự động, máy ATM lưu động, các buồng Auto Banking thế hệ mới có chức năng nhận tiền mặt trực tiếp…

Trong giới tài chính, ngân hàng, vợ chồng ông Bình được xem là "đại gia kim tiền" khi chồng là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), cổ đông lớn nhất tại DongA Bank, còn vợ là Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Nửa đầu năm 2015, gia đình ông Bình gồm vợ, con và người thân sở hữu khối lượng cổ phiếu tại DongA Bank trị giá hàng trăm tỷ đồng. Cùng với khối tài sản sở hữu tại PNJ, gia đình ông Bình lọt top 20 gia đình giàu có nhất trên thị trường chứng khoán.

Trước khi bị đình chỉ chức vụ tại DongA Bank, ông Trần Phương Bình đã viết thư tay gửi lời xin lỗi tới khách hàng, cổ đông và cán bộ nhân viên. Ông Bình tự nhận trách nhiệm cá nhân vì đã có một số quyết sách dẫn tới hệ quả xấu cho ngân hàng.

"Mong tập thể cán bộ nhân viên biến lo lắng thành hành động, tiếp tục phát triển năng lực cá nhân của mình để góp phần xây dựng một DongA Bank tốt hơn trong tương lai. Một lần nữa, tôi cúi đầu nhận lỗi trước tất cả mọi người, thành thật xin lỗi gia đình tôi, những người thân và tất cả mọi người", ông Bình viết.

Hoạt động của DongA Bank vẫn bình thường

Trước thông tin các cá nhân nguyên là lãnh đạo bị bắt, để trấn an dư luận, đối tác, cổ đông, khách hàng, ngay trong tối 10/12, DongA Bank đã có thông tin xác nhận sự việc và khẳng định mọi hoạt động, giao dịch của ngân hàng này vẫn diễn ra bình thưởng, đảm bảo đầy đủ quyền lợi với khách hàng.

DongA Bank cho biết, các cá nhân bị bắt giữ nêu trên là những cán bộ đã bị Ban kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Hội đồng xử lý kỷ luật của DongA Bank đình chỉ chức vụ vào tháng 8/2015 và đã không tham gia quản lý, điều hành ngân hàng gần 1,5 năm qua.

Do đó, việc Cơ quan Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, khởi tố các bị can nêu trên hoàn toàn không ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của DongA Bank.

Ông Bình phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của DongA Bank vào tháng 7/2015
Ông Bình phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của DongA Bank vào tháng 7/2015

"Với sự việc nêu trên, Ban lãnh đạo DongA Bank khẳng định mọi hoạt động kinh doanh tại ngân hàng vẫn đang diễn ra bình thường, quyền lợi của khách hàng luôn được đảm bảo và DongA Bank sẵn sàng đáp ứng khả năng chi trả đầy đủ các nghĩa vụ tài chánh đối với đối tác và khách hàng", thông cáo của DongA Bank nêu rõ.

Ngay sau khi một số cán bộ nguyên là lãnh đạo DongA Bank bị bắt, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước TPHCM đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo DongA Bank đương nhiệm. Tại buổi làm việc, các bên liên quan đã đánh giá tình hình, chuẩn bị mọi phương án ứng phó cần thiết. Ngân hàng Nhà nước TPHCM cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ DongA Bank về mọi mặt.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước TPHCM cho rằng, những cá nhân bị bắt đã không tham gia quản lý, điều hành DongA Bank gần 1,5 năm qua nên không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của DongA Bank. Do đó, ngân hàng Nhà nước TPHCM khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, không để bị thiệt hại liên quan việc rút tiền.

Mặt khác, ngày 13/8/2015, DongA Bank đã bị NHNN đặt vào trình trạng kiểm soát đặc biệt bởi những vi phạm về quản lý tài chính, cấp tín dụng của một số cán bộ nguyên là lãnh đạo, quản lý của ngân hàng trong giai đoạn năm 2012 trở về trước.

Khi đưa DongA Bank vào diện kiểm soát đặc biệt, NHNN cho biết sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp cần thiết nhằm đảm bảo hoạt động của DongA Bank được an toàn và bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền, các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật. Đồng thời, NHNN cam kết sẽ cơ cấu lại toàn diện DongA Bank để đưa ngân hàng ngày hoạt động an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.

Đến nay, sau hơn 1 năm kiểm soát đặt biệt, DongA Bank đã đi vào ổn định, đảm bảo an toàn thanh khoản, khả năng chi trả, tỷ lệ dự trữ thanh khoản luôn cao hơn quy định của NHNN.

Trong 11 tháng đầu năm 2016, nguồn vốn huy động của ngân hàng này liên tục tăng trưởng với mức tăng bình quân mỗi tháng là 1,5% (tương đương + 1.000 tỷ đồng/tháng). Cuối tháng 11/2016, nguồn vốn huy động tăng trưởng hơn 5% so cuối năm 2015... Về công tác thu hồi xử lý nợ xấu, tính từ thời điểm 13/8/2015 (thời điểm kiểm soát đặc biệt) đến 30/11/2016, DongA Bank đã xử lý và thu hồi được 3.655 tỷ đồng.

Công Quang - Nguyễn Hiền