1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thông tin doanh nghiệp tuần qua:

Cường "Đô La" tái xuất, xử Trịnh Văn Quyết và loạt tin không vui

Mai Chi

(Dân trí) - Ông Nguyễn Quốc Cường trở lại QCGL; diễn biến vụ xét xử ông Trịnh Văn Quyết; hủy niêm yết HBC, HNG; LDG bị mở thủ tục phá sản; tin thất thiệt tại Samsung Thái Nguyên... là những thông tin đáng chú ý.

Ông Nguyễn Quốc Cường thay mẹ điều hành Quốc Cường Gia Lai

Sau khi bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt vào ngày 19/7, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) sau đó đã thông báo thay đổi người đại diện pháp luật sang ông Nguyễn Quốc Cường (Cường "Đô La"). Ông Cường cũng được xuất hiện giữ chức danh Tổng giám đốc trong thông báo này, dù công ty chưa công bố thông tin bổ nhiệm.

Đồng thời, Hội đồng quản trị (HĐQT) Quốc Cường Gia Lai đề cử ông Cường làm thành viên HĐQT công ty, nhiệm kỳ 2022-2027, thay thế bà Nguyễn Thị Như Loan. Việc bầu cử này là nội dung mới trong tờ trình cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 lần 2, dự kiến tổ chức vào ngày 30/7. Trước đó, công ty tổ chức lần 1 bất thành do tỷ lệ tham dự không đủ.

Cường Đô La tái xuất, xử Trịnh Văn Quyết và loạt tin không vui - 1

Ông Nguyễn Quốc Cường làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Quốc Cường Gia Lai (Ảnh: C-Holdings).

Ngày 26/7, Quốc Cường Gia Lai công bố thông tin về giấy chứng nhận kinh doanh thay đổi lần thứ 21. Theo đó, kể từ ngày 25/7, ông Nguyễn Quốc Cường chính thức thay bà Nguyễn Thị Như Loan làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu QCG bị "nhốt sàn" liên tục. Đến hết tuần này, thị giá QCG còn 6.380 đồng/đơn vị, ghi nhận mức thiệt hại hơn 35% kể từ phiên 19/7 (ngày bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt).

Trong phiên 19/7, cổ phiếu QCG được khớp lệnh 1,6 triệu đơn vị, tuy nhiên, kể từ phiên 22/7 đến nay, giao dịch tại QCG rất khiêm tốn, có những phiên như phiên 22/7, 24/7, 25/7 chỉ khớp lệnh quanh mức 50.000-60.000 cổ phiếu, không thấm là bao so với dư bán sàn (hơn 6 triệu đơn vị), gần như mất thanh khoản.

Xử ông Trịnh Văn Quyết: Ông Quyết nói không hề muốn "úp bô" cổ phiếu ROS

Sáng 22/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết ra xét xử sơ thẩm về các tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ông Quyết, 49 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Trong số những người bị đưa ra xét xử có ông Lê Hải Trà (cựu Ủy viên hội đồng thường trực, Phó tổng giám đốc thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM). Ông Lê Hải Trà bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Các bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) cùng bà Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó chủ tịch FLC cùng bị truy tố về hai tội danh là Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Có khoảng 90 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết có 4 luật sư tham gia bào chữa.

Tại phiên xét xử ngày 24/7, một số bị hại đã đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho ông Quyết để về tiếp tục sản xuất kinh doanh và đưa cổ phiếu ROS tiếp tục được giao dịch trên sàn chứng khoán. Có bị hại lại muốn cựu Chủ tịch FLC hãy dùng tài sản của mình để mua lại cổ phiếu của những cổ đông không còn muốn tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp nữa.

Cường Đô La tái xuất, xử Trịnh Văn Quyết và loạt tin không vui - 2

Bị cáo Trịnh Văn Quyết được dẫn giải đến phiên tòa (Ảnh: Nguyễn Hải).

Chiều 26/7, VKSND công bố bản luận tội 50 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, sau 3 ngày xét hỏi.

VKS ghi nhận ông Quyết đã nộp khắc phục hậu quả vụ án nhưng số tiền nộp là không đáng kể (hơn 240 tỷ đồng) so với hậu quả bị cáo này gây ra là hơn 4.300 tỷ đồng.

Do đó, VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt cựu Chủ tịch FLC 19-20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 5-6 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng hợp hình phạt đề nghị là 24-26 năm tù.

Tại tòa, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thừa nhận các cáo buộc trong cáo trạng, không đưa ra lời bao biện hay tự bào chữa nào về hành vi của bản thân với cả 2 tội danh.

Ông Quyết giãi bày rằng ông ta không có mục đích chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, cũng như không hề muốn "úp bô" mã cổ phiếu ROS.

Về tài sản và phương án khắc phục hậu quả hơn 4.300 tỷ đồng của vụ án, Trịnh Văn Quyết mong HĐXX tạo điều kiện với khối tài sản trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng đang bị cơ quan điều tra phong tỏa, để bị cáo có thể dùng để khắc phục vụ án. 

Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình và HAGL Agriseco bị hủy niêm yết

Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico).

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình do ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch HĐQT có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2023 âm 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ đồng.

Theo quy định Nghị định số 155/2020 của Chính phủ, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm trường hợp: Kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Cường Đô La tái xuất, xử Trịnh Văn Quyết và loạt tin không vui - 3

Trần Bá Dương (trái) và ông Lê Viết Hải (phải).

Cũng vi phạm trường hợp trên, HAGL Agrico do tỷ phú Trần Bá Dương làm Chủ tịch HĐQT có 3 năm liên tiếp lỗ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán, năm 2021 công ty lỗ hơn 1.119 tỷ đồng, năm 2022 lỗ hơn 3.576 tỷ đồng, năm 2023 lỗ hơn 1.098 tỷ đồng. Cổ phiếu HNG cũng đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu HBC có giá 7.250 đồng/đơn vị còn HNG có giá 4.660 đồng/đơn vị.

HoSE cho biết sẽ thực hiện hủy niêm yết cổ phiếu HBC và HNG theo quy định. 

Mở thủ tục phá sản với "đại gia bất động sản" LDG

Cổ phiếu LDG của Công ty cổ phần Đầu tư LDG trong 2 phiên 25 và 26/7 bị bán tháo ngay sau thông tin, Công ty cổ phần Đầu tư LDG nhận quyết định số 01 năm 2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc mở thủ tục phá sản đối với công ty này.

Quyết định mở thủ tục phá sản với LDG liên quan đến khoản nợ chưa thống nhất giữa Công ty LDG và Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Phúc Thuận Phát. Trong thông báo phản hồi của LDG đến cổ đông, LDG khẳng định "không mất khả năng thanh toán" và vẫn đang đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ tài chính.

LDG cho biết, đã và đang tiếp tục nỗ lực đàm phán, trao đổi để thống nhất với các đối tác nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của các bên có liên quan.

Theo báo cáo tài chính quý I của LDG, tại ngày 31/3, công ty có 7.200,2 tỷ đồng tổng tài sản, trong đó, giá trị tài sản ngắn hạn là 4.761,2 tỷ đồng; tiền mặt còn khoảng 6,7 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho vào cuối quý I là 999,2 tỷ đồng. 

Samsung Thái Nguyên bác bỏ tin thất thiệt

Liên quan vụ "cô gái Samsung lây HIV cho 16 người", ngày 26/7, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết đơn vị đã lập biên bản, xử phạt bà N.T.N. (38 tuổi, ở TP Thái Nguyên) 7,5 triệu đồng về hành vi Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Bà N. là trường hợp đã đăng tải bài viết trên Facebook với lời lẽ khiếm nhã, kèm theo hình ảnh một cô gái và danh sách 16 nam giới bị nhiễm HIV từ cô gái trên.

Tại cơ quan công an, N. thừa nhận hành vi sai phạm của mình và tự giác đăng bài đính chính trên Facebook.

Trước đó, Công ty Samsung (ở TP Phổ Yên, Thái Nguyên) đã có văn bản gửi Sở Y tế khẳng định trường hợp nữ công nhân được đồn đoán trong các thông tin đăng tải trên mạng xã hội nói trên không phải là nhân viên của công ty.

Danh sách những người bị lây nhiễm HIV cũng không phải là nhân viên và không liên quan đến nhân viên của công ty. Công ty đã đề nghị các cơ quan chức năng xác minh và xử lý những trường hợp thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh doanh nghiệp và các nhân viên.