Doanh nghiệp tuần qua:
Biến cố nhà Cường "Đô La"; 4.280 người xin giảm án vụ Trịnh Văn Quyết
(Dân trí) - Bên cạnh sự việc bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt, tuần qua cũng chứng kiến nhiều thông tin đáng chú ý như việc người nhà ông Trịnh Văn Quyết nộp thêm 23 tỷ đồng khắc phục hậu quả, loạt DN công bố BCTC.
Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai bị bắt
Ngày 19/7, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam; lệnh khám xét đối với bà Nguyễn Thị Như Loan (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Quyết định nêu trên nằm trong quá trình Bộ Công an điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.
Trước đó, phiên họp đại hội đồng cổ đông của Quốc Cường Gia Lai dự kiến tổ chức vào ngày 30/6 đã không thể tiến hành chủ yếu do sự vắng mặt của bà Nguyễn Thị Như Loan vì lý do sức khỏe.
Bà Nguyễn Thị Như Loan là cổ đông lớn nhất của Quốc Cường Gia Lai, sở hữu gần 102 triệu cổ phiếu QCG, tương đương tỷ lệ 37% vốn điều lệ.
Phiên 19/7, ngay khi có thông tin về việc xe cảnh sát xuất hiện trước nhà bà Loan thì cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai đã bị bán tháo, giảm kịch sàn.
Với diễn biến bất lợi của cổ phiếu QCG kể từ đầu tháng 7 đến nay, không những cổ đông, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu QCG bị thiệt hại mà những cổ đông lớn là CEO Quốc Cường Gia Lai và con gái cũng sụt giảm nặng nề tài sản. Tổng giá trị tài sản của bà Loan và bà Nguyễn Ngọc Huyền My - con gái bà Loan - trong 15 ngày giao dịch vừa qua là 633,5 tỷ đồng, riêng bà Loan mất 457 tỷ đồng.
Vụ án tại Tập đoàn Cao su: Sự việc xảy ra trước 2015
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: GVR) công bố thông tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét đối với 4 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị có liên quan (trong đó có ông Trần Ngọc Thuận).
Trước đó, ngày 28/6, doanh nghiệp này đã nhận được đơn từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị của ông Trần Ngọc Thuận. Đơn của ông Thuận đề ngày 20/6.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã tiến hành lấy ý kiến các thành viên để thống nhất thông qua việc tiếp nhận đơn từ nhiệm trên.
Hội đồng quản trị (HĐQT) tập đoàn này sau đó đã phân công lại nhiệm vụ cho các thành viên còn lại để đảm bảo chỉ đạo, quản lý điều hành tập đoàn được liên tục và thông suốt.
Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, sự việc xảy ra trong giai đoạn trước năm 2015, trước khi tập đoàn chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Doanh nghiệp đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Hơn 4.000 người ký tên xin giảm án cho ông Trịnh Văn Quyết
Luật sư Vũ Đặng Hải Yến bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, cho biết, người nhà thân chủ của bà mới tiếp tục nộp thêm 23 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC.
Như vậy, đến nay ông Trịnh Văn Quyết đã nộp hơn 210 tỷ đồng để khắc phục vụ án, đồng thời tiếp tục vận động người thân nộp tối đa tiền khắc phục hậu quả vụ án trước và trong khi tòa xét xử.
Luật sư Yến cho biết thêm, đến nay đã có 376 văn bản với hơn 4.280 người ký tên xin giảm trách nhiệm hình sự cho ông Trịnh Văn Quyết cùng các bị cáo khác trong vụ án. Các văn bản này đã được luật sư gửi tới Tòa án nhân dân TP Hà Nội.
Theo luật sư, cựu Chủ tịch FLC đã nhận thức về các hành vi sai phạm, xin chịu trách nhiệm hình sự và dân sự như cáo buộc.
Ông Quyết mong cơ quan chức năng áp dụng chính sách khoan hồng cho các bị cáo là người thân, đồng nghiệp cấp dưới liên quan đến vụ án. Đồng thời, xin chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng các tài sản thuộc tài sản cá nhân và vận động gia đình, bạn bè để nộp tiền khắc phục hậu quả trong thời gian sớm nhất.
Về cơ bản, ông Quyết nhận hoàn toàn mọi trách nhiệm và yêu cầu các luật sư không có phản biện trực tiếp liên quan đến hành vi.
Tỷ trọng chuyển nhượng BĐS hơn 1/2 doanh thu Vingroup
Theo dữ liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý II vừa được Tập đoàn Vingroup công bố hôm 19/7, trong nửa đầu năm nay, tổng doanh thu thuần hợp nhất của tập đoàn đạt 65.043 tỷ đồng, ghi nhận sự thay đổi tích cực từ các lĩnh vực bất động sản nhà ở, công nghiệp, du lịch - nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất nửa đầu năm 2024 đạt 2.019 tỷ đồng.
Riêng quý II, doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup đạt 43.304 tỷ đồng, tương đương 91,6% cùng kỳ năm 2023.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy tỷ trọng lớn của mảng bất động sản trong cơ cấu doanh thu của Vingroup.
Theo đó, đóng góp vào tổng doanh thu thuần quý II có 22.353 tỷ đồng doanh thu chuyển nhượng bất động sản, chiếm tỷ trọng 51,6%. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ thì số thu từ chuyển nhượng bất động sản đã giảm 26,5%.
Doanh thu thuần cho thuê bất động sản đầu tư và cung cấp các dịch vụ liên quan chỉ bằng 13,4% cùng kỳ, đạt 320 tỷ đồng. Doanh thu thuần cung cấp dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí và các dịch vụ liên quan đạt 1.436 tỷ đồng, giảm gần 35%.
Doanh thu thuần từ cung cấp dịch vụ bệnh viện và các dịch vụ liên quan đạt 1.097 tỷ đồng và từ cung cấp hoạt động giáo dục và các dịch vụ liên quan đạt 1.189 tỷ đồng, đều tăng so với cùng kỳ.
Trong quý II, hoạt động sản xuất mang về cho Vingroup 8.127 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 2,3% so với quý II/2023. Doanh thu khác ghi nhận 8.782 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ.
Khách sạn Phương Đông giảm lãi mạnh
Công ty cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông (mã chứng khoán: PDC) - đơn vị quản lý khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông (hay khách sạn Phương Đông ) - công bố báo cáo tài chính quý II với 11,4 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ hơn 3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, sau khi trừ các chi phí thì lợi nhuận trước thuế chỉ còn 2,1 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Công ty cho biết, nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 515 triệu đồng (tăng chi phí lương cho toàn bộ cán bộ công nhân viên khách sạn).
Lũy kế 6 tháng, công ty gặt hái được 25,5 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3,7% so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt 4,9 tỷ đồng, tăng 20,4%.
Tại doanh nghiệp này, ông Lê Thanh Thản vẫn là cổ đông lớn nhất ở đây, sở hữu 3 triệu cổ phiếu PDC tương ứng tỷ lệ 20%, ông Đỗ Trung Kiên (con rể ông Thản) nắm 2,85 triệu cổ phiếu tương ứng 19%; bà Lê Thị Hoàng Yến (con gái ông Thản) nắm 1,4 triệu cổ phiếu tương ứng 9,37%; riêng ông Lê Hải An (con trai ông Thản) không sở hữu cổ phần.
Ông Lê Thanh Thản bị truy tố hồi tháng 4 năm ngoái. Hiện tại, ông Đỗ Trung Kiên - con rể ông Thản - làm Chủ tịch HĐQT Du lịch Dầu khí Phương Đông. Các thành viên HĐQT của công ty gồm ông Lê Hải An (con trai ông Thản), ông Thái Hồng Nhã, bà Phạm Thị Thu Thủy và ông Lê Văn Thìn (Thành viên HĐQT độc lập).
Lao động công ty mẹ Viettel thu nhập bình quân hơn 45 triệu đồng/tháng
Theo báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố, thu nhập bình quân của người lao động tại Viettel và các công ty con năm vừa qua là 30,63 triệu đồng/người/tháng (so với mức kế hoạch là 29,22 triệu đồng).
Riêng mức thu nhập bình quân của người lao động công ty mẹ là 45,42 triệu đồng/người/tháng (kế hoạch là 44,68 triệu đồng).
Viettel ghi nhận đạt tổng doanh thu hợp nhất 172.520 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022, vượt kế hoạch 2,2%.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 46.331 tỷ đồng, cao nhất 10 năm, tăng hơn 2,6% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 35.267 tỷ đồng, tăng nhẹ 1%; lần lượt vượt 4,6% và 4,1% kế hoạch đặt ra.
Riêng công ty mẹ Viettel đạt 103.571 tỷ đồng doanh thu, 40.009 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 32.155 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Các chỉ tiêu này đều vượt kế hoạch năm.