Cuộc trùng phùng không mong muốn giữa bầu Kiên và bầu Long tại tòa

(Dân trí) - Quen biết với nhau hơn 10 năm từ tình yêu bóng đá, cuộc trùng phùng giữa đôi bạn “bầu” tại tòa sáng nay chắc hẳn chẳng ai mong muốn. Nhưng khi ở 2 chiến tuyến đôi bạn bầu Long - bầu Kiên đã phản bác nhau ngay giữa Tòa.

"Bầu" Kiên nói về mối quan hệ 10 năm với ông Trần Đình Long tại phiên toà sáng nay (Thực hiện: Tuấn Hợp - Trọng Trinh)
 
Bầu Kiên và bầu Long - Cuộc trùng phùng không mong muốn. (Ảnh: Tuấn Hợp).

Bầu Kiên và bầu Long - Cuộc trùng phùng không mong muốn. (Ảnh: Tuấn Hợp).

Trong phần xét hỏi về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khi HĐXX hỏi bầu Long (ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát), cho rằng ông không hề hay biết số cổ phiếu mà Cty Hòa Phát nhận chuyển nhượng từ Cty ACB Hà Nội (ACBI) là tài sản chưa được giải chấp.

"Tôi không biết số cổ phần đó đang bị thế chấp, nếu biết chắc chắn tôi đã không mua. Tôi và anh Kiên quen biết nhau từ năm 2001, qua việc cùng có sở thích bóng đá. Chính tôi là người đứng ra tiến hành đàm phán về giá cả để mua số cổ phần này" ông Long trình bày với HĐXX.

Sau khi cách ly Nguyễn Đức Kiên để thẩm vấn 2 bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến liên quan việc bán cổ phần đang thế chấp cho ngân hàng ACB, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng: " Họ đều biết rõ số cổ phần này đã được thế chấp cho ACB. Việc này có kế toán trưởng của tôi là Nguyễn Thị Hải Yến làm chứng. Tôi với anh Dương (ông Trần Tuấn Dương, Phó CT HĐQT, kiêm TGĐ tập đoàn Hòa Phát) là bạn bè, tôi không đổ trách nhiệm cho anh Dương. Chúng tôi ăn cơm với nhau hằng ngày trong 10 năm trời. Việc Tập đoàn Hòa Phát có biết hay không, tôi nghĩ anh Long, anh Dương rất rõ".

Khi Tòa hỏi, các bên có mâu thuẫn với nhau không, cả bị cáo Nguyễn Đức Kiên, ông Long, ông Dương đều cho rằng họ không hề có mấu thuẫn.

Tòa hỏi tiếp: Có bao giờ tại công ty Hòa Phát diễn ra cuộc đàm phán về vấn đề chuyển nhượng số cố phiếu đó không?

Chưa bao giờ. Bầu Kiên đáp lời.

Theo bầu Kiên khai tại Tòa việc chuyển nhượng số cổ phiếu nói trên là do nhiều lần ông Trần Đình Long đặt vấn đề trước: “Anh Long, chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát nhiều lần nói với tôi muốn cơ cấu lại cổ phần của công ty Thép Hòa Phát. Tôi không muốn bán cổ phần của ACBI. Sau đó anh Long nhờ tôi giúp đỡ, muốn mua lại cổ phần từ công ty tôi. Tôi và anh Long thống nhất với nhau sẽ hoán đổi cổ phiếu. Anh Long nói tôi xác định giá, tôi giao việc này cho Nguyễn Thị Hải Yến”

Bầu Kiên và bầu Long - Cuộc trùng phùng không mong muốn. (Ảnh: Tuấn Hợp).

Bầu Long cho rằng, không hề biết số cổ phiếu trên chưa được giải chấp. Trong khi đó, người bạn bầu Kiên khẳng định bầu Long biết rõ số tài sản trên đang được thế chấp tại ACB. (Ảnh: Tuấn Hợp)

Trong khi hai bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến khai trước tòa là làm theo chỉ đạo của Kiên vì Kiên giữ chức Chủ tịch HĐQT của ACBI thì bị cáo Nguyễn Đức Kiên lại cho rằng cấp dưới "không báo cáo đầy đủ cho bị cáo về việc ngân hàng ACB có đồng ý cho giải chấp cổ phiếu hay không".

Về việc lập khống biên bản họp HĐQT, Bầu Kiên cho biết HĐQT họp bằng hình thức lấy ý kiến thành viên HĐQT bằng văn bản. “Điều này Luật doanh nghiệp và điều lệ công ty cho phép”.

Về việc hơn 20 triệu cổ phần chưa được giải chấp vẫn chuyển nhượng, Bầu Kiên đổ lỗi tại cấp dưới: “Tôi chỉ đạo cô Yến làm việc với ACB xem có giải chấp hay không, cô Yến không báo cáo lại. Tôi không nhận được bất cứ ý kiến nào của ACB về việc không giải chấp.”

Để làm rõ sự mâu thuẫn trong lời khai của Kiên và các bị cáo thuộc cấp của mình, bị cáo Yến cho biết, lời khai của anh Kiên không đúng. Tôi có báo cáo ACB không đồng ý giải chấp, Kiên bảo cứ để anh xem. Sau khi tôi báo cáo chưa giải chấp nhưng anh Kiên vẫn đồng ý chuyển nhượng cổ phần cho Thép Hòa Phát”.

Phản pháo cấp dưới, bầu Kiên cho rằng “Khi tôi đi nước ngoài xem bóng đá 1 tháng liền, Yến có nhắn tin là công ty Thép Hòa phát đã chuyển tiền sang nhượng cổ phần. Tôi hoàn toàn không biết cổ phần đã được giải chấp hay chưa”.

Sau đó Tòa kết thúc phần xét hỏi về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của nhóm bầu Kiên và chuyển sang xét hỏi về hành vi kinh doanh trái phép của bị cáo tại 6 công ty.

Tuấn Hợp

Dòng sự kiện: Xét xử Bầu Kiên