Cuộc đổ bộ của những siêu xe giá 11 chữ số

Trong 10 năm tới, khu vực thành thị ở Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là điểm đến mơ ước của những thương hiệu hàng đầu thế giới về sự xa xỉ.

Hermes thì đã mở tiếp cửa hàng. Starbucks sẽ khai trương sau 2-3 tuần nữa. Rolls-Royce sẽ gia nhập thị trường Việt Nam. Nhưng, hơn cả sự “đổ bộ” của hàng hiệu, những đánh giá của Kantar Worldpanel Vietnam cho thấy: Trong 10 năm tới, khu vực thành thị ở Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là điểm đến mơ ước của những thương hiệu hàng đầu thế giới về sự xa xỉ.
 
Hermes, nói ngắn gọn là những chiếc túi có giá tối thiểu 5 ngàn USD, riêng với loại “không bao giờ mất giá”, giá của nó không phải hàng trăm ngàn USD mà là …vô giá. Bằng chứng, ngay cả những người mẫu nổi danh nhất cũng chỉ dám chơi hàng fake, hoặc “gí mũi tủ kính”, bởi việc “chơi” một cái túi, một thương hiệu bắt đầu từ năm 1837, không phải là chỉ “chơi” một chiếc, mà là chơi tối thiểu một bộ 4 chiếc/4 màu, hoặc bộ 10 chiếc, giá “thường thôi”, chỉ ngót 2 triệu, nhưng là 2 triệu USD, mới là sành điệu. Nói chung, không phải dành cho người giàu mà là giành cho giới thượng lưu, giành cho những người rất giàu, hoặc trọc phú, hoặc các mệnh phụ phu nhân, tiểu thư khuê các.

Còn Rolls-Royce, Việt Nam hiện có trên dưới 60 chiếc. Nhớ hồi tháng 3.2012, dư luận phát choáng khi chiếc Rolls-Royce phiên bản Rồng đánh số thứ tự “2” xuất hiện ở Hà Tĩnh. Một chiếc như thế muốn lăn bánh ở Việt Nam, giá bèo bèo, chỉ độ 40 tỷ đồng. Phải mở ngoặc để nói rằng, 40 tỷ đồng là một con số gồm 11 chữ số. Và phải nói thêm, Việt Nam đã sở hữu tới 4 chiếc, trên tổng số 33 chiếc trên toàn thế giới. Không biết nên buồn hay nên vui khi Rolls-Royce đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ tiếp cận được giới triệu phú ở 3 thị trường mới, trong đó có Việt Nam.

 
Chiếc Phantom phiên bản Rồng của một đại gia ở Hà Tĩnh. Ảnh: Otosaigon

Chiếc Phantom phiên bản Rồng của một đại gia ở Hà Tĩnh. Ảnh: Otosaigon


Trong khi đó, có vẻ bình dị và khiêm tốn hơn, cafe Starbucks sẽ bắt đầu xuất hiện ở TP HCM vào đầu tháng tới, với mục tiêu là những đối tượng “hiện đại và sành điệu”. Thời báo Kinh tế Việt Nam dẫn lời Chủ tịch phụ trách thị trường Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương của Starbucks, ông John Culver, phát biểu: Starbucks sẽ định giá sản phẩm tại Việt Nam ở hạng cao cấp. Có thể, sẽ vào khoảng 4 USD.

Kantar Worldpanel Vietnam dành cho Việt Nam những dòng đánh giá như sau: Nhận thức của người Việt tiêu dùng xa xỉ là yếu tố "thể hiện sự thành công". Tâm lý của người Việt luôn thích thể hiện sự giàu có, đẳng cấp bằng những thứ họ mang trên người. Những nhà điều hành của các thương hiệu xa xỉ danh tiếng đều đưa ra một nhận định về sự “quê mùa” trong quan niệm của người Việt: Hàng tiêu dùng xa xỉ là giá cả (chắc là càng cao, càng đắt càng thể hiện “đẳng cấp”) và chất lượng. Và xài xa xỉ phẩm chính là “sự trải nghiệm mới”.

Hermes đang tăng trưởng bình quân 20-30% với bộ sản phẩm nào ra là được “zân chơi không sợ mưa rơi” Việt Nam mua “trụi kệ”. Chiếc Rolls-Royce Rồng thứ 5 cũng vừa về đến Việt Nam. Còn Starbucks, giá Mỹ, đang được tin tưởng “sẽ có một tương lai tươi sáng”.

Trong khi đó, đa số những công nhân khu công nghiệp ở “đầu tàu kinh tế” TP HCM đang nuôi sống bản thân bằng số tiền 1 - 2 triệu đồng/tháng.

Bạn có biết họ sống thế nào với 1 triệu đồng/tháng? Họ nhịn ăn. Hay nói cách khác, họ ăn vào thịt mình.

Còn ở Thủ đô, các vị phụ huynh, tiếc từng 5 ngàn đồng cho mỗi tin nhắn gửi VTV để biết thời tiết lúc 6h15 phút sáng- “hàn thử biểu” cho việc đến trường của những đứa trẻ.

Thực ra, rất khó để nói giữa những chiếc Rolls-Royce phiên bản Rồng, những bộ túi Hermes, hay khoản chi tiêu 1 triệu đồng/tháng đâu mới là “hàn thử biểu” đo lường mức độ tiêu dùng người Việt. Theo một kết quả khảo sát của Chương trình phát triển LHQ (UNDP) về an sinh xã hội tại Việt Nam cho thấy nhóm giàu nhất chiếm 20% tổng số hộ gia đình nhận được 40% lợi ích từ an sinh xã hội, trong khi đó, nhóm nghèo nhất chỉ nhận được chưa tới 7%. Còn khoảng cách giàu nghèo, chỉ 9,2%-theo con số của Tổng cục Thống kê.

Không biết chuyện Hermes, Rolls-Royce, hay Starbucks “tăng cường đổ bộ” vào Việt Nam” có nên được coi là một tin mừng? là một niềm tự hào?
 
Theo Đào Tuấn