Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam "lo ngại hơn là thuận lợi"

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đánh giá, biến động chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động tới vĩ mô, thậm chí nếu nhìn lại vấn đề xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ thì "chúng ta sẽ rất kẹt".

Đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc sẽ mang đến cho Việt Nam nhiều lo ngại hơn là thuận lợi.
Đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc sẽ mang đến cho Việt Nam nhiều lo ngại hơn là thuận lợi.

Bình luận về tác động của cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (đoàn TPHCM) cho rằng: "Căng thẳng Mỹ - Trung nhiều lo ngại hơn là thuận lợi. Nước Mỹ bảo hộ mậu dịch, trong khi Việt Nam xuất siêu qua Mỹ. Nếu Mỹ nhìn lại vấn đề xuất siêu của Việt Nam thì chúng ta sẽ rất "kẹt".

Theo ông Quốc, đồng tiền của Việt Nam phải tính toán như thế nào để có lợi về tỷ giá, thuận lợi cho xuất khẩu. Ngoài ra, ông Quốc cũng quan ngại, trong năm 2019, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất đồng USD lên 2,9% và hơn 3% vào 2020. Điều này dẫn đến lo ngại, dòng tiền sẽ không vào Việt Nam mà sẽ quay về nước có lãi suất tốt.

Ở một góc nhìn khác, Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá, biến động chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động tới vĩ mô, nhưng tăng trưởng vẫn đảm bảo, thể hiện kiểm soát lạm phát dưới 4% trong 3 năm liên tiếp; cán cân thương mại liên tục cải thiện, năm 2015 nhập siêu, năm 2016 xuất siêu 1,6 tỷ USD; 2017 xuất siêu hơn 3 tỷ USD và 9 tháng hơn 3,6 tỷ USD.

"Khi Mỹ bắt đầu áp thuế lên hàng hoá Trung Quốc, đồng nhân dân tệ mất giá, VND có dao động chút ít. Song, do lượng dự trữ ngoại hối tương đối lớn, 60 tỷ USD, đủ để Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường, ổn định tỷ giá. Từ đầu năm đến nay tỷ giá ngoại tệ vẫn tăng trong biên độ cho phép 3%", ông Ngân nói.

Ông Ngân cho rằng, báo cáo Chính phủ cho thấy tín hiệu lạc quan nền kinh tế. Với đà tăng trưởng này thì mục tiêu tăng trưởng năm nay hoàn toàn đạt được.

Trao đổi với báo chí, dưới góc nhìn trung lập hơn, Đại biểu Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc chắc chắn sẽ tác động tới Việt Nam, cả tích cực và tiêu cực. Thậm chí, nếu cuộc chiến này tiếp tục leo thang thì thương mại chịu tác động tiêu cực nhiều hơn.

"Điều này sẽ tạo áp lực lớn đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, lạm phát và sản xuất trong nước, nhất là khi kinh tế Việt Nam có độ mở tăng nhanh (9 tháng năm 2018 gần 230%) sẽ dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những biến động kinh tế", ông Cường nói.

Do đó, ông Cường cho rằng, Việt Nam cần có cái nhìn thận trọng về vấn đề thương mại. Hàng hoá Trung Quốc không sang được thị trường Mỹ, lại tương đồng với sản phẩm Việt Nam nên có thể làm giảm khả năng xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc. Thậm chí, hàng Trung Quốc chảy ngược sang Việt Nam.

Mặt khác, khi đồng USD mạnh lên, nhân dân tệ mất giá thì quan hệ xuất khẩu Việt Nam – Trung Quốc khó tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Dù vậy, Việt Nam cũng có cơ hội từ cuộc chiến này nhờ xuất hiện việc dịch chuyển về đầu tư và thương mại. Chẳng hạn hàng Việt Nam sang Mỹ sẽ nhiều hơn khi Trung Quốc không thể xuất khẩu được. Nếu tận dụng tốt thì cánh cửa thị trường Mỹ sẽ mở rộng hơn với hàng Việt.

"Tác động từ xung đột Mỹ - Trung sẽ tác động cả hai chiều tới Việt Nam, song khó đưa ra đánh giá một sớm một chiều ngay lập tức mà Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá và đưa ra giải pháp toàn diện tổng thể", ông nói thêm.

Phương Dung

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam "lo ngại hơn là thuận lợi" - 2