1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Ngành hàng nào của Việt Nam hưởng lợi?

(Dân trí) - Theo BVSC, ở các ngành hàng như lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất..., Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ cũng như thu hút thêm vốn FDI.

Thách thức của Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là quản chặt hàng Trung Quốc mượn Việt Nam để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ
Thách thức của Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là quản chặt hàng Trung Quốc "mượn" Việt Nam để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách gần 6.000 mặt hàng sẽ bị áp thuế trong gói 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Việc áp thuế sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 24/09/2018 tới với mức thuế khởi điểm là 10% và dự kiến sẽ nâng tiếp lên mức 25% bắt đầu từ 1/1/2019.

Ngoài ra, Mỹ cũng tuyên bố sẽ xem xét áp thuế thêm 267 tỷ USD nếu Trung Quốc có động thái trả đũa.

Theo nhận xét của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), khác với gói đánh thuế 50 tỷ USD đầu tiên, lần đánh thuế 200 tỷ USD này đã bao trùm rất nhiều các mặt hàng là đầu vào cho hoạt động sản xuất cũng như hàng tiêu dùng (70% là hàng hóa trung gian, 25% là hàng hóa tiêu dùng). Do vậy, mức độ tác động đến nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ lớn hơn, không chỉ doanh nghiệp mà còn đối với người tiêu dùng Mỹ.

Theo BVSC, hành động leo thang này của chính quyền ông Trump đã dập tắt kỳ vọng liên quan đến đề xuất đàm phán vào cuối tuần trước. Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ xem xét từ chối đàm phán nếu chính quyền Trump quyết định đánh thuế vào 200 tỷ USD. Như vậy, hiện tương lai của cuộc đàm phán là khá bất định.

Tuy nhiên, việc chính quyền ông Trump tuyên bố mức đánh thuế khởi đầu chỉ là 10% (mà không phải mức 25% ngay), BVSC cho rằng, điều này cũng có thể mở ra cơ hội cho khả năng đàm phán sắp tới.

Thực tế, ngay sau khi phía Mỹ quyết định áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc thì Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã phát thông cáo cho biết sẽ “đáp trả ngay lập tức” dù không nêu rõ cụ thể hình thức đáp trả.

Về thời điểm đánh thuế, BVSC cho biết, đây là quãng thời gian tương đối nhạy cảm vì đã gần thời điểm bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ. Rất có khả năng càng gần thời điểm này, ông Trump sẽ càng tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc để “tranh thủ” sự ủng hộ của những cử tri đã từng bầu cho mình. Đề xuất đàm phán có thể chỉ là một chiến thuật mang tính ngắn hạn nhằm tranh thủ thêm sự ủng hộ của những cử tri khác.

Theo đánh giá của BVSC, nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang lên quy mô toàn diện, cơ hội sẽ đến với rất nhiều nước khác trong vai trò thay thế các mặt hàng xuất khẩu vào hai thị trường Mỹ và Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.

Ở các ngành hàng như lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất... Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ cũng như thu hút thêm vốn FDI vào các ngành hàng này, qua đó tạo thêm việc làm, tăng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại.

Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam là cần quản lý chặt, tránh hiện tượng hàng Trung Quốc “mượn” Việt Nam như một nước trung chuyển để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ, tiêu biểu là các mặt hàng sắt thép, đồ gỗ nội thất. Nếu để điều này xảy ra, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng “vạ lây” khi Mỹ tiến hành áp thuế trừng phạt.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/9, chỉ số VN-Index tăng 5,88 điểm tương đương 0,6% lên mức 993,49 điểm. Thanh khoản đạt 181 triệu cổ phiếu trên sàn HSX, tăng so với mức 146 triệu của phiên trước đó.

TTCK Châu Á tăng điểm bất chấp những thông tin bất lợi nói trên. Cụ thể, các chỉ số chính trên TTCK châu Á như Nikkei 225, Shanghai Composite, Hang Seng và Kospi đã tăng lần lượt 1,41%, 1,82%, 0,75% và 0,26%. Đây là diễn biến khá bất ngờ xét trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã leo thang lên mức cao mới.

Theo đánh giá của BVSC, nhiều khả năng các thông tin liên quan đến rủi ro này đã phản ánh đáng kể vào diễn biến TTCK suốt thời gian qua. Thêm vào đó, nhà đầu tư tại TTCK Trung Quốc tỏ ra lạc quan với các kế hoạch kích thích kinh tế trong nước của Chính phủ nước này nhằm đối phó với tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại với Mỹ.

BVCS khuyên các nhà đầu tư có thể canh thị trường điều chỉnh để mua đón đầu các nhóm cổ phiếu đang trong nhịp điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, hạn chế mua đuổi ở các mức giá cao đối với nhóm cổ phiếu đã tăng nóng. Tỷ trọng danh mục tổng nên được khống chế tối đa ở mức 60% cổ phiếu.

Bích Diệp

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Ngành hàng nào của Việt Nam hưởng lợi? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm