Cuộc "chạy đua" siêu xe của những người Việt không có gì ngoài... tiền!
(Dân trí) - Những siêu xe có giá hàng chục tỷ đồng nhập về Việt Nam cho khách hàng cá nhân đặt trước được điểm tên như Lamborghini, Bentley, Rolls-Royce, Ferrari và McLaren...
Thị trường xe hơi tuần qua có nhiều diễn biến rất đáng chú ý khi hàng loạt mẫu xe nhập tăng mạnh. Trong khi đó, bất chấp dịch bệnh, nhà giàu Việt vẫn tăng cường mua xe siêu sang vài chục tỷ đồng.
Nhà giàu Việt chịu chơi ồ ạt mua siêu xe
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và túi tiền của nhiều người vơi cạn, nhưng vẫn có một bộ phận người Việt giàu có sẵn sàng bỏ thêm vài chục tỷ đồng để sở hữu cho mình chiếc xe hơi sang trọng, bản giới hạn.
Những siêu xe có giá hàng chục tỷ đồng nhập về Việt Nam cho khách hàng cá nhân đặt trước được điểm tên như Lamborghini, Bentley, Rolls-Royce, Ferrari và McLaren...
Hầu hết các mẫu siêu xe nhập khẩu kể trên đều có dung tích xy lanh cao trên 4.0L trở lên và đều phải chịu nhiều sắc thuế cao như thuế nhập khẩu 70%, thuế Tiêu thụ đặc biệt từ 110 đến 150%, phí trước bạ từ 10-12%.
Do mức thuế phí cao nên giá lăn bánh đầy đủ của các mẫu xe siêu sang nói trên đều chênh hàng tỷ đồng/chiếc.
Ô tô nhập tăng "sốc" chuẩn bị mùa xe cuối năm
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập nửa đầu tháng 9/2020 tăng 100% so với tháng trước, mở ra nguồn cung rất dồi dào cho mùa xe cuối năm được dự đoán sẽ tăng cao.
Cụ thể, trong 15 ngày đầu tháng 9, cả nước nhập hơn 6.600 chiếc xe, trong đó có hơn 5.100 xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi, giá nhập trung bình hơn 380 triệu đồng/chiếc, chủ yếu tập trung vào xe giá rẻ từ Thái Lan, Indonesia.
Lượng xe nhập của 15 ngày đầu tháng 9 năm nay đã vượt qua cùng kỳ năm trước, tăng gần 500 chiếc. Điều này cho thấy các doanh nghiệp xe nhập đã và đang trên đường hồi phục mạnh mẽ sau dịch, đẩy mạnh doanh số bán ra và tăng nhập xe về để chuẩn bị cho mùa xe cuối năm.
Thị trường xe tải, xe khách "thiệt đơn, hại kép" bởi dịch
Đại dịch Covid-19 và sự suy giảm nhu cầu đi lại đã và đang khiến doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tải, ô tô khách gặp muôn vàn khó khăn.
Cụ thể, hết tháng 8/2020, doanh số xe thương mại và xe tải suy giảm khá mạnh, xe thương mại bán ra chỉ đạt hơn 37.400 chiếc, giảm hơn 9.300 chiếc so với cùng kỳ năm trước; xe tải và xe chuyên dụng chỉ bán được gần 36.000 chiếc, giảm gần 5.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Lượng xe thương mại có doanh số giảm mạnh đã tác động trực tiếp đến doanh thu của hàng loạt thương hiệu xe hơi tại Việt Nam trong đó có Kia, Hyundai do doanh nghiệp trong nước lắp ráp, hoặc trực tiếp sản xuất như Thaco.
Nghịch lý, ngành ô tô xuất đi linh kiện rồi lại nhập về
Trong khi khá nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ USD linh kiện cho đối tác nước ngoài thì việc nhập linh kiện ô tô về nước lắp ráp, sản xuất vẫn diễn ra. Xuất cứ xuất, nhập cứ nhập - đó là 1 nghịch lý.
Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do phần lớn linh phụ kiện nhập khẩu là máy móc, hàng hóa theo chuỗi sản xuất khép kín của liên doanh như Toyota, Honda, Kia, Hyundai....
Ngoài ra, do trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt, không đủ sức để sản xuất ra những máy móc, động cơ.. Vì vậy, bắt buộc phải nhập để duy trì hoạt động lắp ráp, sản xuất.
Ô tô Việt đã giảm giá bao nhiêu?
So sánh từ cuối năm 2019 tới nay về giá niêm yết một vài mẫu xe từ lắp ráp cho tới nhập khẩu cho thấy có sự chênh lệch theo chiều hướng giảm.
Các thương hiệu bán chạy nhất thị trường Việt Nam hiện nay như Kia, Mazda hay Toyota sở hữu nhiều mẫu xe hạ giá so với cuối năm ngoái.
Bên cạnh việc giảm giá, có nhiều mẫu xe dù không giảm giá bán nhưng thay vào đó lại được nâng cấp thêm trang bị. Có thể kể tới như các mẫu xe của Toyota như Vios hay Corolla Altis 1.8E CVT vừa ra mắt cách đây không lâu.
So với năm ngoái, nhiều mẫu xe phổ thông năm nay như Mazda 3, Mazda CX5, Kia Cerato, Sedona hay Toyota Fortuner cũng đều được giảm giá đại lý từ vài triệu đồng đến cả chục triệu đồng/chiếc.
Giá ô tô có thể giảm tiếp cuối năm 2020?
Hết tháng 8/2020, doanh số bán ra của các doanh nghiệp xe hơi lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam giảm rất mạnh. Các doanh nghiệp xe nhập cũng chịu cảnh suy giảm doanh số, lợi nhuận.
Nhằm kích cầu, tăng doanh số, các hãng xe bắt buộc phải hạ giá bán hoặc tặng khuyến mại. Theo đó, doanh nghiệp cần phải làm mọi cách để giải phóng hàng tồn nếu không sẽ đối diện nguy cơ thua lỗ trong mùa xe cuối năm 2020.
Hiện có nhiều hãng xe lớn như Toyota, Kia, Isuzu, Mitsubishi Xpander, Nissan hay Vinfast đang có nhiều chương trình ưu đãi như tặng 50% lệ phí trước bạ quy đổi ra tiền mặt hay giảm thẳng hơn 100 triệu đồng tùy mẫu xe.