Mùa xe thất thu vì "cô hồn"; mê siêu xe, nhà giàu "mất" cả tỷ tiền phí
(Dân trí) - Dịch Covid-19 chưa qua, tháng "cô hồn" lại tới phả hơi lạnh vào thị trường xe vốn đã ảm đạm; ở khía cạnh khác, Bộ Tài chính mới bổ sung giá tính phí trước bạ đối với một số siêu xe lên đến cả tỷ đồng.
Hàng loạt hãng xe giảm giá mạnh "tháng cô hồn"
Tháng 8 dương lịch trùng với thời điểm đầu tháng 7 âm nên thị trường xe khá vắng vẻ, cộng với dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp nên nhu cầu mua xe đang chậm lại. Để kích cầu, hàng loạt doanh nghiệp đã tung gói ưu đãi, giảm giá "khủng" cho các mẫu xe.
Bắt đầu từ Everest của Ford, sau đó đến các mẫu xe Toyota như Fortuner, Innova, rồi đến các mẫu xe của Kia, Mazda của Trường Hải, Kona, Tucson và SantaFe của Hyundai Thành Công... các mẫu xe có khung hướng giảm giá mạnh từ 30 đến 200 triệu đồng/chiếc. Điều đáng nói trong đợt giảm giá này, các mẫu xe SUV chiếm số lượng lớn nhất.
Có nên mua xe giảm giá "tháng cô hồn"?
Theo quan niệm của người Trung Quốc và một số nước Á Đông có ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, tháng cô hồn hay còn gọi là tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch hàng năm) là tháng giao mùa hạ sang thu chính vì thế thời tiết hay mưa giông thất thường, không thuận lợi cho nông nghiệp.
Từ hiện tượng thiên nhiên mà tích xưa có nhiều giai thoại, truyền thuyết về tháng Ngâu, nơi Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau và cũng trùng với thời điểm người ta tưởng nhớ về những người đã khuất trong gia đình, dòng tộc.
Tháng 7 âm, theo quan niệm người Á Đông hay mua đồ lễ bằng giấy, trước đây là ngựa giấy, quần áo giấy, mũ, giày... giờ đây là nhà lầu, xe hơi, điện thoại, vàng, nhẫn, kim cương...
Chính vì quan niệm tháng 7 chỉ mua sắm cho người âm mà thành ra có sự kiêng kỵ trong dân gian cho dù chưa khoa học nào chứng minh sự kiêng kị này đúng đắn.
Giảm giá thanh lý: Thật hay là câu khách?
Thời gian qua, hé lộ nhiều thông tin ngân hàng thanh lý hàng loạt xe hơi có giá cực rẻ khiến dư luận khá chú ý. Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế, những mẫu xe có giá vài chục triệu đồng đến gần 300 triệu đồng có tuổi đời khá cao và là những mẫu xe không hề dễ mua.
Các mẫu xe chủ yếu là xe cũ đời sâu, xe trên 16 chỗ ngồi hoặc là xe tải đã phơi nắng mua nhiều năm liền. Các mẫu xe có thể mua được, dùng được vẫn có giá khá cao từ trên 400 triệu đồng trở lên, mức giá này tương đương với giá xe cũ đang được bán trên thị trường.
Xe Việt khó khăn: Mất doanh số, giảm nhập linh kiện
Do dịch bệnh và nhu cầu xe hơi giảm, các doanh nghiệp lắp ráp xe hơi trong nước đã có động thái đầu tiên giảm sản lượng thông qua giảm nhập linh kiện từ nước ngoài.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến ngày 15/8, cả nước chỉ nhập hơn 2,1 tỷ USD linh phụ kiện xe hơi, giảm tương đương 500 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, thị trường tiêu thụ xe trong nước ghi nhận sự sụt giảm 50%, tương đương hai con số so với cùng kỳ năm trước. Điều này báo hiệu một quãng thời gian khó khăn để các hãng xe hơi vực dậy thị trường, tăng tổng cầu vào cao điểm cuối năm.
Thay đổi giá tính phí trước bạ: Xe giảm trăm triệu, người mất tiền tỷ
Bộ Tài chính vừa bổ sung danh sách các mẫu xe được điều chỉnh giá tính phí trước bạ, theo đó, bắt đầu từ ngày 25/8, hàng loạt mẫu xe của Mazda, Hyundai, Nissan đều được giảm giá mạnh hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Trong khi đó, một số mẫu xe mới của Mercedes, Land Rover hay BMW mới lần đầu nhập vào Việt Nam có giá cao lên đến hàng chục tỷ đồng/chiếc. Với những mẫu xe này, phí trước bạ 10-12%, người sở hữu xe sẽ phải nộp thêm đến cả tỷ đồng/chiếc.
Xe đô thị cạnh tranh trên mọi khía cạnh, cuộc chiến khốc liệt
Các mẫu xe đa dụng dành cho dân đô thị đang có sự cạnh tranh quyết liệt về doanh số và thị phần, từ chỗ chỉ có vài mẫu xe đến nay đã là phân khúc "nóng" nhất, biến động nhất của thị trường.
Tính về các mẫu xe đô thị dưới 7 chỗ ngồi trở xuống, hiện trên thị trường có 14 mẫu khác nhau, trong đó các biến thể CUV-SUV là Ford EcoSport, Hyundai Kona, Honda HRV và các tân binh như Kia Seltos, Toyota Corolla Cross.
Đáng chú ý, hiện các mẫu xe trên đều có hàng loạt biến thể khác nhau, đi cùng với đó có nhiều mức giá khác nhau. Với các loại biến thể, giá thành phân bố từ 500 đến 700 triệu đồng/chiếc, các mẫu xe đa dụng đô thị đang cạnh tranh, kéo khách của cả xe phân khúc B và A, khiến cuộc cạnh tranh toàn diện hơn, khốc liệt hơn.