Ô tô nhập tăng sốc, mùa xe cuối năm sẽ biến động, đua nhau xuống giá?

An Linh

(Dân trí) - Nửa đầu tháng 9/2020, lượng xe nhập về Việt Nam tăng 100% so với tháng trước mở ra nguồn cung dồi dào cho mùa xe cuối năm. Điều này cũng dự báo có thể có cuộc đua xuống đáy giá xe thời gian tới.

Theo số liệu mới công bố bởi Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 9, cả nước nhập hơn 6.600 chiếc xe, trong đó có hơn 5.100 xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi, giá nhập trung bình hơn 380 triệu đồng/chiếc, chủ yếu tập trung vào xe giá rẻ từ Thái Lan, Indonesia.

Ô tô nhập tăng sốc, mùa xe cuối năm sẽ biến động, đua nhau xuống giá? - 1

Xe nhập về Việt Nam tăng mạnh bắt đầu từ tháng 9, dự báo thị trường xe hơi từ nay cuối năm sẽ có nguồn cung dồi dào, giá xe có thể giảm thêm

Trước đó, trong tháng 8, lượng xe nhập về Việt Nam cũng chỉ đạt 8.800 chiếc, như vậy nửa đầu tháng 9, lượng xe nhập đã gần bằng cả tháng trước. Lũy kế hết 8 tháng đầu năm, lượng xe nhập về là hơn 53.800 chiếc, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước.

Lượng xe nhập của 15 ngày đầu tháng 9 năm nay đã vượt qua cùng kỳ năm trước, tăng gần 500 chiếc. Điều này cho thấy các doanh nghiệp xe nhập đã và đang trên đường hồi phục mạnh mẽ sau dịch và đang đẩy mạnh doanh số bán ra và tăng nhập xe về để chuẩn bị cho mùa xe cuối năm.

Về giá xe nhập, trong nửa đầu tháng 9, giá xe nhập về Việt Nam rất rẻ bình quân chỉ 383 triệu đồng với xe con dưới 9 chỗ ngồi. Mức giá nhập xe rẻ chủ yếu tập trung vào các dòng xe 4-5 chỗ ngồi nhập từ Indonesia và Thái Lan.

Các mẫu xe SUV, MPV, Pickup thuộc dòng có giá xe cao hơn, dao động từ 450 đến dưới 500 triệu đồng như Mitsubishi Xpander, Pajero Sport; Toyota Rush, Avanza; Honda HRV, Honda Brio... nhập từ Thái Lan, Indonesia.

Các mẫu xe SUV và crossover có doanh số cao và thường được nhập về với số lượng lớn trước kia như Toyota Fortuner, Honda CRV hiện đều được lắp ráp tại Việt Nam, Toyota chỉ duy trì nhập từ Indonesia một số phân khúc máy xăng cao cấp. Vì vậy, năm 2020 xe nhập có thể khó đạt được lượng nhập nhiều như những năm trước đây.

Hiện, thị trường xe Việt đang trầm lắng nhất trong vài năm trở lại đây do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Hết tháng 8, doanh số bán ra của các doanh nghiệp xe hơi lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam giảm rất mạnh. Các doanh nghiệp xe nhập cũng chịu cảnh suy giảm doanh số, lợi nhuận.

Hiện, tổng cầu thị trường xe Việt đang suy giảm, đặc biệt là xe con khi dịch bệnh đã và đang tàn phá tiền của của nhiều doanh nhân, người giàu và với những người có dự định kinh doanh xe dịch vụ cũng cân nhắc lại thời điểm mua xe.

Để kích cầu, tăng doanh số, các hãng xe bắt buộc phải hạ giá bán hoặc tăng khuyến mại, đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp giải phóng hàng tồn nếu không sẽ đối diện nguy cơ thua lỗ trong năm.

Trên thị trường, cả xe nhập và xe lắp ráp đều được các doanh nghiệp, đại lý thực hiện hàng loạt cuộc giảm giá ở tất cả các dòng xe, mẫu xe. Có mẫu xe giảm giá tối thiểu từ 10 triệu đồng/chiếc, có mẫu được giảm tối đa lên đến 1,4 tỷ đồng/chiếc (như BMW X7 do Thaco phân phối), ghi nhận kỷ lục về việc giảm giá xe hơi tại thị trường Việt Nam.

Không chỉ các mẫu xe ế ẩm, xe cao cấp mới giảm giá kéo doanh số, thị trường xe hiện chứng kiến hàng loạt mẫu xe ăn khách như Honda CRV, Mazda CX5, Ford Everest đã và đang giảm giá để câu kéo khách hàng. Mức giảm giá, cộng với ra mẫu xe mới từ vài chục đến cả trăm triệu đồng xuất hiện ở nhiều mẫu xe, hãng xe trên thị trường.

Một điểm khác biệt ở thị trường xe năm nay là hiện tượng "bán bia kèm lạc", tự nâng giá, cố tình chậm giao xe ở các mẫu xe bán chạy không còn xảy ra. Trước kia, để mua bản xe đẹp, người mua xe phải "móc hầu bao" hàng chục triệu đồng để mua thêm các phần phụ kiện xe - những cái vốn dĩ là phụ kiện của hãng nhưng đã bị các đại lý bóc tách để bán riêng.

Ngoài ra, nhiều năm trước lấy lý do hết đợt xe, khan hàng, các đại lý cố tình giao xe chậm cho khách hòng vòi thêm tiền của người nóng lòng muốn nhận xe sớm. Chi phí cho việc giao xe sớm hơn dự kiến từ 20 đến 50 triệu đồng/chiếc xe. Điều này gây khá nhiều bức xúc cho khách hàng Việt lâu nay.