1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cửa nào cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn?

(Dân trí) - Tại Việt Nam, hiện nay DNNVV chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Tuy nhiên, có một thực tế là các DNNVV vẫn khó tiếp cận nguồn vốn, trong khi ngân hàng thương mại lại kêu khó mở rộng tín dụng cho DNNVV.

Chia sẻ tại Hội thảo “Tiếp cận vốn ngân hàng của DNNVV tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” diễn ra chiều nay (5/10) tại Hà Nội, TS Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam thừa nhận, giải pháp tín dụng cho DNNVV không phải chủ đề mới nhưng cũng không bao giờ cũ.

"Hiện cái khó tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp đều cũng đã nhận thấy từ 2 phía. Hội thảo ngày hôm nay DN đừng kêu khó mà hãy đề xuất các biện pháp để giải quyết cái khó khăn trên", ông Tú đề nghị.

Cửa nào cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn? - 1

Trước khi đại diện các cơ quan chức năng nêu ra hàng loạt giải pháp để nâng cao tín dụng cho DNNVV, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực đã chỉ ra 8 nguyên nhân chính khiến tín dụng DNNVV còn chưa cao: Một là, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thời gian qua.

Hai là, nguồn lực ngân sách Nhà nước rất hạn chế; một số chương trình, gói hỗ trợ chưa phát huy.

Ba là, thiếu thông tin/tổ chức cung cấp thông tin về DNNVV và qui định minh bạch hóa thông tin đối với DNNVV.

Bốn là, bảo lãnh DNNVV vay vốn chưa được đẩy mạnh.

Năm là, nợ xấu cần có thời gian để xử lý triệt để và nhanh hơn (sau Nghị quyết 42 của Quốc hội) chưa xử lý dứt điểm.

Sáu là, thiếu các dịch vụ hỗ trợ DN: đào tạo, tư vấn, thông tin….(Quỹ hỗ trợ DNNVV đã đi vào hoạt động nhưng chưa làm được nhiều).

Bảy là, thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, tài chính vi mô) còn nhỏ bé, chưa phát triển.

Cuối cùng là môi trường kinh doanh có cải thiện, nhưng còn phức tạp, chi phí không chính thức còn cao.

Ngoài ra, theo ông Lực, còn có nguyên nhân một phần đến từ các tổ chức tín dụng (TCTD) và từ chính các DNNVV.

Có mặt tại hội thảo, bà Hoàng Thị Hồng – Giám đốc Quỹ hỗ trợ DNNVV – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để gỡ vấn đề này, cần minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp; Phát triển thị trường tín dụng dành cho DNNVV, trong đó, phát triển các sản phẩm phù hợp với DNNVV: thủ tục, hồ sơ, lãi suất, tài sản bảo đảm… Phát triển hoạt động cho vay khép kín từ khâu vay thu mua, sản xuất đến khâu chế biến và xuất khẩu cho các nhóm DNNVV có liên kết với nhau theo cùng một chuỗi.

Ngoài ra, các DNNVV cần tăng cường liên kết NH với doanh nghiệp, NH với các định chế tài chính hỗ trợ DNNVV, với các hiệp hội DN. Cụ thể, thúc đẩy hình thành mạng lưới các nhà đầu tư, quỹ đầu tư để cung cấp vốn cho DNNVV; Tạo kênh huy động vốn (đặc biệt là vốn trung và dài hạn) cho DNNVV trên thị trường chứng khoán; Đẩy mạnh việc cơ cấu lại các công ty cho thuê tài chính.

Về Quỹ Phát triển DNNVV, bà Hồng chia sẻ: “Đây là tổ chức tài chính Nhà nước thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Quỹ này sẽ hỗ trợ tài chính cho các DNNVV có dự án sản xuất khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên theo theo từng thời kỳ”.

“DNNVV vay vốn từ Quỹ sẽ được ưu đãi lãi suất thấp hơn: 5,5%/năm vay ngắn hạn, 7%/năm trung và dài hạn. Mức lãi suất được cố định suốt thời hạn vay. Với việc vay vốn từ Quỹ này, DN cũng được yêu cầu tài sản thế chấp ít hơn, không quá 100% tổng giá trị khoản vay, ưu tiên sử dụng tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay. Hoàn trả khoản vay trong thời gian tối đa 10 năm…”, bà Hồng khẳng định.

Tuy nhiên, Giám đốc Quỹ hỗ trợ DNNVV cũng khuyến cáo: “Có một số trường hợp Quỹ không ưu tiên hỗ trợ, đó là DNNVV có tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương với tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) lớn hơn 100 tỷ đồng. Trừ các trường hợp DNNVV đáp ứng được các tiêu chí quy định tại chương trình hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo; DNNVV có dự án, phương án SX-KD có điểm tiêu chí ưu tiên lựa chọn đạt từ 80 điểm trở lên theo quy định tại phụ lục 1 Thông tư số 13/2015/TT-BKHĐT ngày 28/10/2015”.

“Ngoài ra, DNNVV có vốn sở hữu của nhà nước và DNNVV tái chế phế liệu nhập khẩu hoặc dự án liên quan đến hoạt động chôn lấp rác thải cũng không được Quỹ ưu tiên hỗ trợ”, bà Hồng cho biết thêm.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm