1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cú “bắt tay” chuyển giao VinMart giữa hai tỷ phú USD đã tiến hành tới đâu?

(Dân trí) - Sau cú “bắt tay” 1 tháng trước, Masan Group sẽ nhận 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của VCM (đơn vị sở hữu chuỗi VinMart và VinMart+).

Cú “bắt tay” chuyển giao VinMart giữa hai tỷ phú USD đã tiến hành tới đâu? - 1

Masan Group sẽ nắm quyền điều hành trong khi Vingroup là một cổ đông tại công ty hợp nhất

Trong ngày làm việc cuối cùng của năm 2019 (31/12/2019), Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group) đã ban hành nghị quyết thông qua việc hoán đổi cổ phần trong thương vụ “bắt tay” giữa tỷ phú Phạm Nhật Vượng và tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sáp nhập Vinmart và VinEco vào Masan cách đây 1 tháng.

Theo đó, Masan Group nhận 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM.

Đồng thời, tập đoàn này cũng phát hành quyền chọn được nhận cổ phần của một công ty hợp nhất là công ty con. Công ty hợp nhất này sẽ sở hữu cổ phần/phần vốn góp và vận hành cả hai công ty gồm VCM và Công ty TNHH MasanConsumerHoldings.

Hiện chưa rõ tỷ lệ hoán đổi cũng như tỷ lệ sở hữu cụ thể của các bên trong công ty hợp nhất, tuy nhiên, theo như thông báo sáp nhất từ 1 tháng trước thì Masan Group sẽ nắm quyền điều hành trong khi Vingroup là một cổ đông.

Tại Nghị quyết mới đây, HĐQT Masan Group cũng đã ủy quyền cho ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group, hoặc ông Dany Le - trưởng bộ phận chiến lược và phát triển của công ty - quyết định các điều khoản, điều kiện cụ thể cũng như ký kết, chuyển giao và thực hiện các thủ tục pháp lý để hoàn tất giao dịch hợp nhất nói trên.

Thành lập ngày 5/8/2019, Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM do bà Mai Hương Nội làm Chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật, có trụ sở tại Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside (Long Biên, Hà Nội). Công ty này hoạt động kinh doanh chính là dịch vụ tư vấn quản lý (không bao gồm tư vấn pháp lý, thuế, kinh doanh).

Vốn điều lệ lúc mới thành lập của VCM là 1 tỷ đồng trong đó, Vingroup sở hữu 64,3% vốn, còn lại cá nhân ông Bùi Xuân Toàn sở hữu 10,94% và cá nhân ông Ngạc Văn Lượng sở hữu 3,63%.

Tuy nhiên, sau đó ít lâu, vào trung tuần tháng 9/2019, thông tin cập nhật mới nhất của VCM trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp cho thấy, VCM đã nâng vốn điều lệ của VCM lên con số 6.436,64 tỷ đồng. Thời điểm này, công ty này có sự xuất hiện của hai cổ đông ngoại là Credit Suisse AG - Singapore Branch nắm 6,504% và Ardolis Investment Pte.Ltd của Singapore nắm 9,756%.

Cú “bắt tay” chuyển giao VinMart giữa hai tỷ phú USD đã tiến hành tới đâu? - 2

Số vốn điều lệ mới của VCM bằng đúng vốn điều lệ VinCommerce. VCM cũng trở thành công ty mẹ sở hữu chuỗi VinMart và VinMart+.

Với việc VinMart, Vinmart+ và VinEco được sáp nhập với MasanConsummer, công ty sau sáp nhập sẽ quản lý một hệ thống với 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+ tại 50 tỉnh thành, hàng triệu khách hàng cùng 14 nông trường công nghệ cao của VinEco.

Một trong những lý do mà Vingroup chọn chuyển gia VinMart, VinMart+ cho Masan được lãnh đạo Vingroup, ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup cho biết là “chọn doanh nghiệp Việt Nam nhằm giữ thị trường bán lẻ cho người Việt, đảm bảo sân chơi công bằng cho các nhà sản xuất trong nước”.

Mai Chi