“Thương vụ bom tấn” với ông Phạm Nhật Vượng công bố, thanh khoản cổ phiếu Masan tăng vọt

(Dân trí) - Thông tin Masan Consumer Holding (hàng tiêu dùng) của Masan sẽ sáp nhập VinCommerce (bán lẻ) và VinEco (nông nghiệp) của Vingroup thành công ty mới chuyên về hàng tiêu dùng và bán lẻ chính là động lực thúc đẩy thanh khoản của MSN.

Đóng cửa phiên ngày 9/12, cổ phiếu MSN của Masan Group quay trở lại với trạng thái giảm 2.000 đồng tương ứng 3,2% xuống 60.500 đồng sau khi đã đạt được mức tăng nhẹ 0,81% vào cuối tuần trước.

Thanh khoản tại mã này đạt hơn 1,4 triệu đơn vị khớp và gấp ba lần so với mức bình quân giao dịch trong suốt 1 năm qua tại MSN.

Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, khối lượng giao dịch bình quân tại MSN vọt tăng hẳn so với trước, lên tới 2,46 triệu đơn vị mỗi phiên, trong khi trong 1 năm trở lại thì bình quân giao dịch chỉ hơn 550 nghìn đơn vị. Phiên 4/12 vừa rồi là phiên MSN được giao dịch mạnh nhất, khối lượng khớp đạt hơn 5,5 triệu đơn vị.

“Thương vụ bom tấn” với ông Phạm Nhật Vượng công bố, thanh khoản cổ phiếu Masan tăng vọt - 1

Thương vụ giữa Vingroup và Masan gây chú ý nhất năm 2019

Giới quan sát đánh giá, thông tin Masan Consumer Holding (hàng tiêu dùng) của Masan sẽ sáp nhập VinCommerce (bán lẻ) và VinEco (nông nghiệp) của Vingroup thành công ty mới chuyên về hàng tiêu dùng và bán lẻ chính là động lực thúc đẩy thanh khoản của MSN thời gian gần đây. Tại doanh nghiệp mới sáp nhập, Masan Group nắm quyền kiểm soát hoạt động còn Vingroup là cổ đông.

Trong phiên chiều qua, áp lực bán bất ngờ tăng mạnh khiến các chỉ số khó chống đỡ. VN-Index có lúc đã giảm về 963 điểm trước khi đóng cửa tại 966,06 điểm, ghi nhận tăng 2,5 điểm tương ứng 0,26%.

Trên HNX, chỉ số đánh mất 0,14 điểm tương ứng 0,13% còn 102,36 điểm. UPCoM-Index tương tự để rớt 0,14 điểm tương ứng 0,25% còn 55,79 điểm.

Tuy vậy, về mặt thanh khoản, khối lượng giao dịch trên HSX lại bật cao, đạt 273,26 triệu cổ phiếu tương ứng 4.919,84 tỷ đồng. Các con số này trên HNX là 19,22 triệu cổ phiếu tương ứng 219,35 tỷ đồng và 4,29 triệu cổ phiếu tương ứng 70,81 tỷ đồng trên sàn UPCoM.

Độ rộng thị trường vẫn nghiêng về phía các mã tăng giá dù mức chênh lệch rất khiêm tốn với 331 mã tăng, 59 mã tăng trần và 289 mã giảm, 35 mã giảm sàn.

Đến thời điểm chốt phiên hôm qua, SAB tăng 2.800 đồng, GAS tăng 1.800 đồng, VNM tăng 1.800 đồng, BHN tăng 1.700 đồng; VRE, BID, HPG, VCB, VJC tăng giá. Tuy vậy, bên giảm có sự xuất hiện của MSN mất 2.000 đồng, TCD mất 1.000 đòng, TCB, MBB, CTG, PLX giảm.

Theo đó, GAS là mã có tác động mạnh nhất và cũng tích cực nhất lên chỉ số, đóng góp cho VN-Index tới 1 điểm; VNM góp vào mức tăng chung 0,91 điểm; SAB là 0,52 điểm và BID là 0,41 điểm. Mức giảm từ MSN gây thiệt hại 0,68 điểm cho chỉ số. Thiệt hại do TCB giảm là 0,36 điểm và do MBB là 0,27 điểm.

Hôm qua, cổ phiếu TTB vẫn giữ được đà tăng trần đến cuối phiên, tổng khớp lệnh đạt 14,7 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, con số này lép vế hẳn so với khối lượng khớp tại ROS với 27,54 triệu đơn vị. HPG, HSG, VRE, AMD… cũng được giao dịch khá sôi động.

Nhận định về thị trường, chuyên gia phân tích tại BVSC cho rằng, VN-Index sẽ tiếp tục quá trình tích lũy trong biên độ từ 958-960 điểm và 969-970 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Quá trình tích lũy này được xem là cần thiết giúp cân bằng lại trạng thái cung cầu ở các nhóm cổ phiếu sau một nhịp sụt giảm mạnh.

Thị trường cần bứt phá thành công qua ngưỡng cản quanh 970 điểm để xác nhận cho khả năng bước vào nhịp hồi phục và tiến đến thử thách vùng kháng cự tiếp theo nằm tại 980-985 điểm trong ngắn hạn.

Về mặt thời gian, BVSC cho rằng, thị trường sẽ có diễn biến khởi sắc hơn trong giai đoạn nửa cuối tháng 12, đặc biệt là sau khi kỳ tái cơ cấu của các quỹ ETFs qua đi.

Mai Chi