1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Công ty đại gia Đặng Thành Tâm đem gần 6.300 tỷ đồng gửi ngân hàng lấy lãi

Ninh An

(Dân trí) - Lãi quý III tăng mạnh nhưng tính 9 tháng, lãi sau thuế của Kinh Bắc giảm 81%. Công ty có gần 6.300 tỷ đồng đi gửi ngắn hạn 1-3 tháng ở các ngân hàng, nhận lãi suất 1,6-4,5%/năm.

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024. Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của Kinh Bắc đạt 42.345 tỷ đồng, tăng 26,6% so với thời điểm đầu năm.

Theo báo cáo, tập đoàn của ông Đặng Thành Tâm sở hữu hơn 7.652,2 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, gấp 9,1 lần so với đầu năm. Trong đó, gần 6.296 tỷ đồng là tiền gửi ngắn hạn được công ty này gửi tại các ngân hàng với lãi suất 1,6-4,5%/năm và thời hạn 1-3 tháng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ở mức gần 1.858 tỷ đồng, gần như không đổi so với đầu năm.

Công ty đại gia Đặng Thành Tâm đem gần 6.300 tỷ đồng gửi ngân hàng lấy lãi - 1

Kinh Bắc có lượng tiền mặt tới 7.652 tỷ đồng (Ảnh: BCTC).

Ngoài gửi ngân hàng, công ty cũng tích cực đem tiền cho vay các đơn vị khác. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy doanh nghiệp chi hơn 6.533 tỷ đồng cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác. Tiền thu cho vay, bán lại các công cụ nợ của các đơn vị khác cũng đạt hơn 6.159 tỷ đồng.

Các hoạt động này đem về khoản lãi tiền gửi, cho vay và hợp tác kinh doanh trong 9 tháng đạt 293,4 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương đương mỗi ngày tập đoàn này kiếm được hơn 1 tỷ tiền lãi.

Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất tổng tài sản (khoảng 31%) với mức 13.236 tỷ đồng, phần lớn là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án khu công nghiệp và khu đô thị Tràng Cát (gần 8.381 tỷ đồng), khu đô thị Phúc Ninh (gần 1.117 tỷ đồng), khu công nghiệp và dân cư Tân Phú Trung (gần 987 tỷ đồng).

Công ty đại gia Đặng Thành Tâm đem gần 6.300 tỷ đồng gửi ngân hàng lấy lãi - 2

Minh họa khu đô thị Tràng Cát (Ảnh: KBC).

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của doanh nghiệp tại ngày 30/9 ở mức gần 21.727 tỷ đồng, gấp hơn 1,6 lần hồi đầu năm. Nguyên nhân khiến nợ phải trả tăng mạnh đến từ khoản mục phải trả dài hạn khác tăng từ 27,4 tỷ đồng lên khoảng 5.737 tỷ đồng. Ngoài ra, vay dài hạn cũng tăng từ 3.322 tỷ đồng lên gần 5.539 tỷ đồng.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy khoản phải trả dài hạn khác đến từ việc Kinh Bắc nhận đặt cọc dài hạn. Hồi quý I, tập đoàn này đã nhận được khoản đặt cọc 5.650 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Hàm Tân để cho phép Sài Gòn - Hàm Tân cung cấp dịch vụ môi giới độc quyền cho hơn 40,5ha đất ở tại dự án Khu đô thị Tràng Cát, tương đương khoảng 14 triệu đồng/m2.

Vốn chủ sở hữu của Kinh Bắc tại cuối quý III đạt 20.618 tỷ đồng, trong đó có gần 5.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. 

Về kết quả kinh doanh, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 950,4 tỷ đồng trong quý III, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước. 

Ngoài việc tăng trưởng về doanh thu thuần, doanh thu hoạt động tài chính tăng lên 116,4 tỷ đồng, gấp gần 2 lần quý III/2023. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng mạnh lên 85,4 tỷ đồng, gấp 2,2 lần. Chi phí bán hàng ở mức 20,9 tỷ đồng (gấp 2,9 lần) và chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 111,1 tỷ đồng (gấp 1,6 lần).

Công ty đại gia Đặng Thành Tâm đem gần 6.300 tỷ đồng gửi ngân hàng lấy lãi - 3

Kết quả kinh doanh của Kinh Bắc quý III/2024 (Ảnh: BCTC).

Sau khi trừ đi các khoản chi phí và thuế, công ty báo lãi ròng quý vừa qua đạt hơn 201 tỷ đồng, gấp 10,9 lần. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong quý III đạt 196,2 tỷ đồng, gấp 39 lần cùng kỳ. Theo doanh nghiệp, lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu là do trong kỳ này ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp (hơn 580 tỷ đồng).

Mặc dù số liệu quý III tăng trưởng tốt nhưng lũy kế 9 tháng doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần là 1.994,4 tỷ đồng, giảm 58,4%. Lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng là 397,3 tỷ đồng, giảm tới 81% so với cùng kỳ năm trước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm